(Tổ Quốc) - Giới chuyên gia nhận định, tên lửa siêu thanh mà Triều Tiên vừa tuyên bố thử nghiệm thành công vào ngày 28/9 có khả năng sẽ là một trong các loại vũ khí chính xác và nhanh nhất trên thế giới vào thời điểm hiện tại.
"Vũ khí chiến lược"
Hãng CNN dẫn tin, Triều Tiên vừa phóng thành công tên lửa Hwasong-8 - loại tên lửa siêu thanh do Viện Hàn lâm Khoa học Quốc phòng Triều Tiên phát triển.
"Nếu điều đó là sự thật thì hệ thống phòng thủ tên lửa của Hàn Quốc và Nhật Bản gần như bất lực trước loại vũ khí này", Lionel Fatton – Trợ lý giáo sư tại Đại học Webster ở Thụy Sĩ và là nhà nghiên cứu tại Đại học Meiji, Nhật Bản cho biết.
"Tên lửa siêu thanh có thể đánh bại các hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến và đặc biệt phát huy công năng tối ưu nếu đầu đạn hạt nhân có thể tích hợp với tên lửa", ông Drew Thompson – cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ và là nhà nghiên cứu cấp cao tại Đại học quốc gia Singapore nhấn mạnh.
Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên (KCNA) trích dẫn, việc phát triển vũ khí "chiến lược" là một trong số các nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch phòng thủ của đất nước trong 5 năm tới. Theo KCNA, vụ thử hôm 28/9 là vụ thử tên lửa siêu thanh thành công đầu tiên của Triều Tiên.
"Các nhà khoa học quốc phòng Triều Tiên đã xác nhận khả năng kiểm soát điều hướng và sự ổn định của tên lửa trong khu vực hoạt động cũng như các thông số kỹ thuật bao gồm năng lực điều khiển cơ động dẫn đường hay đặc tính trong lúc di chuyển của đầu đạn lướt siêu thanh vượt âm", KCNA lưu ý.
Trong khi đó, các nhà phân tích phương Tây cũng nói rằng loại tên lửa mà Triều Tiên vừa phóng mang đặc tính của vũ khí siêu vượt âm. Hiện mới chỉ có Nga và Trung Quốc phát triển thành công vũ khí siêu vượt âm, còn Mỹ đang trong quá trình phát triển và thử nghiệm giai đoạn cuối.
Ông Ankit Panda – chuyên gia chính sách hạt nhân thuộc Quỹ hòa bình quốc tế - Carnegie Endownment đã viết trên Twitter rằng Triều Tiên sử dụng thuật ngữ "chiến lược" khi mô tả loại vũ khí mới này cho thấy họ đang ám chỉ khả năng mang đầu đạn hạt nhân của loại tên lửa vừa phóng.
Theo Hans Kristensen và Matt Korda, hai chuyên gia hạt nhân tại Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, Triều Tiên đã thực hiện nổ 6 thiết bị hạt nhân và được cho là đều gắn đầu đạn hạt nhân, tuy nhiên vẫn chưa thể khẳng định Triều Tiên đã đưa đầu đạn hạt nhân vào tên lửa siêu thanh vừa thử nghiệm hay chưa. Giống với tên lửa đạn đạo, vũ khí siêu vượt âm có thể phóng bằng tên lửa từ trên cao và rơi vào bầu khí quyển.
"Loại vũ khí này có thể sử dụng các thiết bị định vị bên trong để điều chỉnh hướng đi và giữ đúng mục tiêu trong khi di chuyển với tốc độ gấp 12 lần tốc độ âm thanh", báo cáo nghiên cứu về vũ khí siêu thanh cho biết.
"Vẫn đang trong giai đoạn đầu"
Triều Tiên đã thực hiện ba vụ thử tên lửa liên tục trong tháng Chín. Đầu tiên là vụ thử tên lửa hành trình tầm xa trong hai ngày vào khoảng 11-12/9. Sau đó, là vụ thử tên lửa đạn đạo vào ngày 16/9. Và ngày hôm qua (28/9), Triều Tiên thông báo vừa thử thành công tên lửa siêu thanh trong bối cảnh đại diện của Bình Nhưỡng - ông Kim Song- đang tham gia phiên họp tại Liên hợp quốc.
"Liệu loại tên lửa siêu thanh có thể trở thành một phần trong hoạt động răn đe của Triều Tiên hay không sẽ phải tiếp tục theo dõi trong thời gian tới. Nếu Bình Nhưỡng có thể phát triển đầu đạn hạt nhân đủ nhỏ để mang cùng tên lửa thì họ sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc thử đầu đạn hạt nhân và tên lửa trong thời gian tới và sau đó sẽ chứng minh năng lực đáng tin cậy này với thế giới. Hiện tại, điều này vẫn còn bị nghi ngờ", ông Thompson, nhà nghiên cứu Singapore nhấn mạnh.
Trong khi đó, Leif-Eric Easley, Giáo sư Đại học Ewha, Seoul dự đoán tên lửa siêu thanh của Bình Nhưỡng có thể chưa đáp ứng độ chính xác cao.
"Nếu Bình Nhưỡng đã lắp thành công đầu đạn hạt nhân với tên lửa siêu thanh thô sơ thì sẽ là vũ khí nguy hiểm bởi vì loại vũ khí này đòi hỏi độ chính xác cao. Và điều đó sẽ là mối đe dọa nghiêm trọng với thế giới", ông Easley nhận định.
Quân đội Hàn Quốc và Nhật Bản đồng thời phát hiện vụ phóng tên lửa hôm 28/9, nhưng không công khai độ cao tối đa cũng như khoảng cách di chuyển của tên lửa.
Sau khi phân tích dữ liệu từ vụ phóng, quân đội Hàn Quốc cho biết loại tên lửa này dường như đang trong giai đoạn đầu phát triển và sẽ cần phải một thời gian nữa mới có thể triển khai. Trong một tuyên bố, Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc cũng cho biết loại tên lửa siêu thanh của Triều Tiên có thể dễ phát hiện và nhanh chóng bị đánh chặn ngay bằng hệ thống phòng thủ chung của Hàn Quốc và Mỹ.