(Tổ Quốc) - CNN đăng tải, tại Hàn Quốc, giới chức y tế đang tìm cách giải đáp một bí ẩn: tại sao 163 bệnh nhân từng hồi phục sau khi nhiễm COVID-19, giờ đây lại một lần nữa dương tính với virus.
Tình huống tương tự cũng được ghi nhận tại Trung Quốc khi một số người bị tái dương tính với COVId-19 mặc dù chưa có con số thống kê chính thức.
Trong khi tỷ lệ người tái nhiễm tại Hàn Quốc khá thấp – chỉ 2.1% trong tổng số 7.829 người được xét nghiệm lại, nhưng đây vẫn là một vấn đề gây lo ngại trên toàn thế giới, ngay cả tại những quốc gia có vẻ đã kiểm soát được bệnh dịch như Hàn Quốc và Trung Quốc.
Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Hàn Quốc (KCDC) Kwon Joon-wook cho hay, hiện vẫn chưa có bằng chứng bệnh nhân tái dương tính có khả năng gây lây nhiễm, mặc dù khoảng 44% những người này có triệu chứng nhẹ.
Tuy nhiên, ông cảnh báo, có rất nhiều thứ về COVID-19 mà giới khoa học vẫn chưa thể lý giải hết.
"COVID-19 là nguồn bệnh thách thức nhất mà chúng ta từng phải đối mặt trong những thập kỷ gần đây", ông Kwon nói. "Đó là một đối thủ rất khó khăn và thách thức".
Dấu vết còn lại của virus?
Hiện tại, lời giải thích gần như khả thi nhất cho việc tại sao người bệnh tái dương tính với COVID-19 là do xét nghiệm tìm thấy những gì còn lại của virus.
KCDC đã tái điều tra 3 trường hợp từ cùng một gia đình bị tái dương tính sau khi hồi phục. Trong mỗi ca bệnh, các nhà khoa học đều cố gắng nuôi cấy virus nhưng không thành công – chứng tỏ rằng không có virus nào còn sống.
Giống nhiều nước khác, Hàn Quốc sử dụng phản ứng tổng hợp chuỗi polymerase sao chép ngược (RT-PCR) để xét nghiệm virus. Xét nghiệm RT-PCR sẽ tìm kiếm bằng chứng về thông tin gen của virus - còn gọi là RNA – từ mẫu thử lấy từ bệnh nhân.
Theo ông Kwon, các xét nghiệm trên có thể vẫn tìm được dấu vết của RNA ngay cả khi người bệnh đã hồi phục vì RT-PCR rất nhạy cảm. "Đó là một khả năng và là một cách giải thích rất thuyết phục", ông Kwon.
Lý thuyết trên cũng nhận được sự ủng hộ từ chuyên gia hô hấp hàng đầu Trung Quốc Zhong Nanshan. Trong một cuộc họp báo đầu tuần này, ông Zhong cho hay, bệnh nhân đã hồi phục có thể bị xét nghiệm dương tính bởi vì những dấu vết của bệnh vẫn còn lại trong cơ thể.
"Tôi không quá lo lắng về vấn đề này", ông Zhong nói.
Có cách giải thích khác không?
Đương nhiễn vẫn còn một số cách giải thích khác cho việc bệnh nhân tái dương tính với COVID-19: bộ xét nghiệm bị lỗi hoặc virus tái sản sinh.
Nếu có lỗi từ bộ xét nghiệm, bệnh nhân có thể bị âm tính hoặc dương tính giả. Nguyên nhân có thể xuất phát từ các chất hóa học sử dụng trong quá trình xét nghiệm và khả năng virus biến đổi khiến xét nghiệm không thể xác định được.
Theo ông Kwon, rất hiếm khi bộ xét nghiệm bị sai, tuy nhiên, các nhà khoa học đã đo nhiệt độ bệnh nhân bị tái dương tính nhằm đảm bảo kết quả của họ không chỉ là do bộ xét nghiệm bị sai. "Chúng tôi cần phải điều tra thêm nữa", ông nói.
Hiện KCDC đang nghiên cứu các trường hợp còn lại để có một câu trả lời toàn diện hơn.
Kết quả thay đổi có thể đem lại phiền toái cho bệnh nhân. Anh Jin Kim bị nhiễm COVID-19 vào ngày 25/3 và hiện đang điều trị tại một bệnh viện ở Daejeon. Trong tuần này, anh được xét nghiệm âm tính, nhưng chỉ một ngày sau đó, anh lại có kết quả xét nghiệm dương tính. Để được công nhận là hồi phục, anh cần xét nghiệm âm tính hai lần liền nhau. Và một khi ra viện, Kim vẫn được khuyến nghị tự cách li thêm 14 ngày nữa.
Người tái dương tính có lây sang người khác?
Ông Kwon chỉ ra, vẫn chưa có bằng chứng về việc người tái dương tính có thể gây lây nhiễm.
Tuy nhiên, đây cũng là nỗi lo ngại đối với nhiều người tại Mỹ. Trả lời phỏng vấn của CNN về bệnh nhân tái dương tính, bác sỹ Deborah Birx, điều phối viên phản ứng COVID-19 của Nhà Trắng cho biết, vẫn chưa có kết luận cuối cùng về liệu một người đã hồi phục có thể lây COVID-19 sang cho người khác hay không.
"Đó là một câu hỏi đang tồn tại và vẫn chưa được trả lời cho tới ngày hôm nay", bà Birx nhấn mạnh.
Điều này có nghĩa gì đối với kháng thể?
Khi một người hồi phục khỏi một loại virus, cơ thể của họ sẽ sản sinh ra kháng thể. Kháng thể rất quan trọng bởi vì chúng có thể ngăn cản một người bị tái nhiễm cùng loại virus bởi vì cơ thể đã biết cách chiến đấu chống lại bệnh đó.
Số bệnh nhân tái nhiễm với COVID-19 đã làm dấy lên câu hỏi về cách kháng thể phản ứng với virus này.
Khi được hỏi liệu một người có khả năng tái nhiễm hay không, bà Birx rả lời: "Trong sinh học, bạn không bao giờ muốn nói điều đó là không thể". "Những ngoại lệ luôn tồn tại, nhưng hiện giờ chúng tôi chưa có bất kỳ chứng cứ nào đó là điều thường xuyên xảy ra", bà Birx nói.
KCDC đang lên kế hoạch lấy 400 mẫu thử từ những bệnh nhân bị nhiễm virus và đã hồi phục – để tìm hiểu xem người bệnh miễn dịch trước COVID-19 ở mức độ nào. Ông Kwon tiết lộ, những xét nghiệm này có thể cần tới tới nhiều tuần.
"Nói tóm lại," chuyên gia người Hàn Quốc đưa ra kết luận, "chúng ta vẫn chưa biết nhiều về COVID-19".