• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chuyện về Lưu Quang Vũ và Điều không thể mất

Văn hoá 01/08/2019 16:40

(Tổ Quốc) - Tháng 8 - tháng để những người yêu kịch Việt Nam cùng nhớ về một tượng đài của sân khấu kịch đó là Lưu Quang Vũ. Những ngày đi xem kịch Lưu Quang Vũ đã trở thành những ký ức chung khó quên của nhiều thế hệ.

Thanh xuân trở về trong những hoài niệm về cảm xúc háo hức xếp hàng đi xem kịch Lưu Quang Vũ giữa những tháng ngày còn bộn bề khó khăn và thiếu thốn. Và đến bây giờ, thế hệ đầu tiên xem kịch Lưu Quang Vũ ngày ấy đã đi được nhiều chặng đường đời, đã nhìn thấy xã hội tiếp tục phát triển, rồi có cơ hội xem lại kịch của ông càng thấy trân trọng một tài năng lớn, khi dưới ngòi bút của ông, những nhân vật như có sức sống vĩnh cửu. Sự tiên đoán của ông về cái xấu, cái ác tồn tại dai dẳng, như không hề thay đổi. Nhưng đồng thời kịch của ông cũng luôn đề cao sự tử tế, tình yêu thương giữa con người với con người, sự tin yêu dành cho cuộc đời. Những giá trị nhân văn trong các tác phẩm của Lưu Quang Vũ vẫn mãi là "điều không thể mất".

Lưu Quang Vũ  2

Lưu Quang Vũ- một tượng đài của sân khấu kịch Việt Nam

Gần 40 năm sau, kịch Lưu Quang Vũ vẫn tiếp tục được dựng hàng năm ở cả hai miền Nam Bắc với nhiều sáng tạo mới; không chỉ lớp khán giả trung niên mà thanh niên cũng rất thích, biểu hiện ở số lượng người xem, thậm chí nhiều đêm diễn trong tình trạng cháy vé… Thông tin về ông có thể dễ dàng được tìm thấy trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Đó cũng là một thách thức không nhỏ đối với những người thực hiện chương trình Quán thanh xuân tháng 8 này. Để đem đến cho khán giả truyền hình một bữa tiệc nghệ thuật giàu cảm xúc, sâu sắc mà lại chuẩn phong vị Quán thanh xuân, chương trình đã được nỗ lực làm mới so với phong cách đã định hình.

Một không gian hoàn toàn mới: Sàn diễn của Quán thanh xuân số tháng 8 – Điều không thể mất là sân khấu của Nhà hát Tuổi trẻ, không phải là trường quay quen thuộc của Đài Truyền hình Việt Nam. Nhà hát Tuổi trẻ cũng là nơi đầu tiên đã dàn dựng kịch bản đầu tay "Sống mãi tuổi 17" của Lưu Quang Vũ. Khán giả sẽ được tạo cảm xúc mới mẻ, ngay từ cách bài trí của "Quán". Sofa dành cho khách mời được kê bên trái sân khấu, ban nhạc Thanh xuân bên phải. Khách mời sẽ không ngồi cả show trên sân khấu như những số trước mà xuất hiện theo từng phần của kịch bản.

Một đặc trưng của Quán thanh xuân là sự pha trộn nhuần nhuyễn giữa âm nhạc và những câu chuyện quá khứ, mang đến không gian gần gũi, ấm áp cho khán giả. Với đề tài đặc biệt của tháng 8, các trích đoạn kịch sẽ đảm nhận vai trò là sợi dây xuyên suốt và tạo cảm hứng về không khí của chương trình.

NSND Lê Khanh

NSND Lê Khanh tham gia Quán thanh xuân với chủ đề Điều không thể mất

Trong chương trình, khán giả sẽ được xem 3 phân đoạn kịch: Lời thề thứ 9; Bệnh sĩ và Tin ở hoa hồng.

MC Diễm Quỳnh và Anh Tuấn sẽ dẫn dắt khán giả men theo những ký ức, tư tưởng, giá trị không thể mất trong khối gia tài kịch đồ sộ của Lưu Quang Vũ. Những câu chuyện của ký ức sẽ được kể chân thành, sâu sắc. Để làm được điều này, Quán thanh xuân tháng 8 có sự xuất hiện của các khách mời là bạn bè, người thân của vợ chồng cố nghệ sĩ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh, các nhà phê bình sân khấu, các đạo diễn, các thế hệ diễn viên đã gắn bó với kịch Lưu Quang Vũ, những khán giả trung thành của kịch LQV suốt 40 năm... NSƯT Chí Trung kể câu chuyện về thời kì đầu Lưu Quang Vũ đến với kịch, xuất hiện trong lớp học của cô giáo (đạo diễn) Phạm Thị Thành với vẻ bẽn lẽn trong chiếc quần bộ đội sờn cũ và chiếc áo không trắng lắm vì giặt thiếu xà phòng, cầm trên tay cuốn sổ sờn có ghi ý tưởng của vở kịch đầu tiên đưa cô Thành xem. Nhà hát Tuổi trẻ là đơn vị đầu tiên dựng 2 vở kịch của Lưu Quang Vũ... Hoặc câu nói của Lưu Quang Vũ với bạn nghề khi ấy là họa sĩ Doãn Châu: "Dù cuộc đời có khó khăn và vất vả tới đâu chúng ta cũng phải sống thật đẹp, thật có ích cho cuộc đời này" nên kịch Lưu Quang Vũ luôn có những điều tử tế và tươi sáng kết thúc.

Khán giả cũng sẽ được nghe NSND Lê Khanh kể về cảm xúc khi cầm kịch bản "Sống mãi tuổi 17" và diễn vở đó lần đầu tiên. NSƯT Đức Khuê kể về ký ức gắn bó với "Lời thề thứ 9" từ khi còn là một diễn viên trẻ đến tận bây giờ. Kịch Lưu Quang Vũ đã làm nên tên tuổi của hàng loạt diễn viên kịch, thắp sáng rất nhiều ánh đèn sân khấu kịch, được miền Nam đón nhận nồng nhiệt như thế nào trong ký ức của diễn viên NSƯT Minh Trang, NSƯT Xuân Bắc, diễn viên Sỹ Tiến... Các nghệ sĩ sẽ chia sẻ sự gần gũi trong nhân vật, tiết tấu và lời thoại đều hết sức độc đáo, ngắn gọn mà đầy ý nghĩa.

NSND Lan Hương 2

NSND Lan Hương đọc thư tình của Lưu Quang Vũ- Xuân Quỳnh trong Quán thanh xuân

Kịch Lưu Quang Vũ và tầm ảnh hưởng đối với xã hội, với khán giả, với sân khấu và nghệ sĩ các thế hệ … chính là lời giải mã sức hút kịch Lưu Quang Vũ. Sau gần 40 năm những vở kịch vẫn mang tính phản biện xã hội, bởi không dừng lại ở những thuyết lý, khẩu hiệu mà ông đã làm bật lên được quy luật phát triển của đời sống thông qua những xung đột, những chi tiết sống động và đắt giá. Ẩn sâu trong nhà viết kịch Lưu Quang Vũ là tầm vóc của một nhà văn hóa. Quán thanh xuân tháng 8 thực hiện những cuộc phỏng vấn độc đáo về vấn đề này với Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, Đạo diễn NSND Phạm Thị Thành, nhà viết kịch Lê Quý Hiền, NSƯT Chí Trung, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp …

Bên cạnh đó, khán giả sẽ hiểu rõ hơn về con người, những góc riêng của Lưu Quang Vũ qua những chia sẻ của em gái cố nghệ sĩ, nhà phê bình văn học Lưu Khánh Thơ. Vợ chồng diễn viên NSND Lan Hương – NSƯT Đỗ Kỷ cùng đọc thư tình của Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ những cảm nhận riêng sau khi đến ngôi nhà 6m2 ở phố Huế và tìm hiểu lại di cảo của cặp vợ chồng nghệ sĩ đã từng đem đến cho công chúng những cảm xúc lãng mạn và dữ dội, đều ở mức "đỉnh". Thơ là phần lãng mạn trong tâm hồn còn kịch là phần gai góc, là những đau đáu trăn trở trong lòng Lưu Quang Vũ./.

Hà An

NỔI BẬT TRANG CHỦ