• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cơ hội nào cho Nga – Pháp đột phá tại chiến trường Syria?

Thế giới 29/05/2019 15:17

(Tổ Quốc) - Vào ngày 21/5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có một cuộc điện đàm ba bên về Syria và Ukraine.

TÌnh hình leo thang tại Ildib đã là một trong những vấn đề chi phối chương trình nghị sự. Chính quyền Syria gần đây có tiến hành vào một cuộc tấn công quân sự quy mô lớn nhằm vào các nhóm khủng bố cố thủ trong khu vực, trong đó Hayat Tahrir al-Sham là một trong những nhóm hoạt động nguy hiểm và mạnh mẽ nhất.

Paris theo đuổi hồ sơ Syria

Lập trường của Pháp về vấn đề này, ngoài các cam kết tinh thần, dựa trên ba trụ cột: thỏa thuận Sochi được ký vào tháng 9 năm 2018 giữa ông Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan; việc cần thiết phải thúc đẩy sự hình thành của Ủy ban Hiến pháp; và việc điều chỉnh tiến trình đàm phán giữa Nhóm nhỏ về Syria - bao gồm Pháp, Anh, Đức, Hoa Kỳ, Saudi Arabia, Jordan và Ai Cập - với diễn đàn Astana do Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran chủ trì.

Paris vẫn kiên quyết phản đối bất kỳ giải pháp quân sự nào ở Idlib, và đã kêu gọi tất cả các bên liên quan tuân thủ thỏa thuận Sochi tháng 9 năm 2018 để bảo vệ khu vực giảm leo thang này. Điều này đã được nêu rõ kể từ hội nghị thượng đỉnh bốn bên được tổ chức vào tháng 10 năm 2018 tại Istanbul, nơi quy tụ cả bà Merkel, ông Macron, ông Putin và ông Erdogan.

Cơ hội nào cho Nga – Pháp đột phá tại chiến trường Syria? - Ảnh 1.

Ông Macron cũng đang theo đuổi việc xây dựng vị thế ngoại giao của Pháp trong hồ sơ Syria. (Nguồn: Reuters)

Paris là một trong những nhà sáng lập - và có lẽ là một trong những thành viên hàng đầu - của một cơ chế được gọi là Nhóm Năm – sau đó đổi tên thành Nhóm nhỏ ở Syria khi đưa thêm Đức và Ai Cập tham gia. Nhóm nhỏ đã khẳng định vào tháng 1 về sự cần thiết phải thành lập một Ủy ban Hiến pháp dưới sự bảo trợ của Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, và kêu gọi các bên liên quan khởi xướng càng nhanh càng tốt việc soạn thảo Hiến pháp Syria mới.

Hội nghị thượng đỉnh Istanbul và sự hình thành của Nhóm nhỏ là cả hai điều mà Paris rất tự hào vì họ được cho là tăng cường vị thế của Pháp đối với hồ sơ Syria. Sau khi Nhóm nhỏ có được sức bật, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian vào cuối tháng 1 đã hướng đến việc xây dựng cầu nối giữa nhóm này và diễn đàn Astana. Tuy nhiên, cho đến nay, những liên hệ này dường như chỉ mang lại kết quả khiêm tốn. Một trong những lý do tiềm tàng là sự khác biệt sâu sắc trong các chương trình nghị sự của hai diễn đàn này. Trong khi cái trước được tạo ra tập trung xung quanh vấn đề nhân đạo cũng như sự đồng thuận mạnh mẽ chống lại việc sử dụng vũ khí hóa học và sự cần thiết phải trừng phạt bất kỳ bên nào sử dụng chúng, thì cái sau lại là nơi thảo luận để giải quyết các vấn đề kỹ thuật (khu vực giảm leo thang, việc trao đổi của tù nhân và thi thể, v.v.).

Kì vọng quá cao?

Những kỳ vọng cao về các liên hệ giữa Nhóm nhỏ và diễn đàn Astana dường như còn xa xôi. Tình trạng này chưa có khả năng phát triển tích cực vì ba lý do cấu trúc chính. Đầu tiên, tại Paris, các quan chức ngoại giao cấp cao của Pháp gần đây đang được luân chuyển và quá trình này có thể sẽ tiếp tục trong vòng vài tuần tới. Do đó, Philippe Etienne -cố vấn của ông Macron, được biết đến với quan điểm cân bằng về Nga và Syria, được cho là sẽ rời khỏi Cung điện Elysee để đảm nhiệm vị trí đại sứ Pháp tại Hoa Kỳ.

Một nguồn tin ngoại giao của Pháp nói với Al-Monitor với điều kiện giấu tên rằng, người thay vị trí của ông Etienne đã được bổ nhiệm là Emmanuel Bonne – người có kinh nghiệm về Trung Đông. Điều này có thể gợi ý phần nào về ý định của ông Macron, nhằm nhấn mạnh hơn vào khu vực Trung Đông-Bắc Phi trong ngoại giao của mình. Tuy nhiên, vẫn còn phải xem liệu các quan điểm của Bonne liên quan đến Nga sẽ ra sao.

Thứ hai, việc định vị Pháp trong hồ sơ Syria chủ yếu dựa vào mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ. Paris đã ủng hộ lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề người tị nạn, cố gắng bằng cách tương tự để làm giảm bớt những lo ngại của Thổ Nhĩ Kỳ về mối quan hệ hợp tác được tạo ra ở Syria giữa các lực lượng đặc biệt của Pháp và Lực lượng Dân chủ Syria (SDF). SDF phần lớn là người Kurd - nhóm mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố.

Vào ngày 19/4, ông Macron đã có một cuộc họp với các đại diện của SDF tại Paris, điều khiến Ankara tức giận. Mối quan hệ làm việc mong manh này giữa Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề Syria dựa trên giả thuyết rằng Paris và Ankara chia sẻ một lợi ích nhất định ở Syria - chống khủng bố, những lo ngại liên quan đến số phận của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và, như đã đề cập, câu hỏi về người tị nạn. Tuy nhiên, Pháp có kế hoạch về một căn cứ hải quân ở Síp- bên cũng đang có kế hoạch tìm kiếm và khai thác khí đốt tự nhiên ngoài khơi ở khu vực tranh chấp ngoài khơi đảo Síp và điều này có thể đe dọa tới những hội tụ chiến thuật trên.

Do đó, lời đề nghị gần đây của Paris đưa ra cho Thổ Nhĩ Kỳ để tạm thời gửi các hệ thống phòng không SAMP-T trên đất Thổ Nhĩ Kỳ có thể được coi là một nỗ lực để làm giảm bớt mối quan tâm của Thổ Nhĩ Kỳ đối với kế hoạch trên của Pháp. Thêm vào đó, người Pháp có thể hy vọng rằng lời đề nghị này sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ phải suy nghĩ kỹ trước khi hoàn thành thỏa thuận S-400 với Moscow.

Thỏa thuận S-400 và cũng là lý do thứ ba - có khả năng kích hoạt kích hoạt Đạo luật trừng phạt của Mỹ đối với Ankara. Viễn cảnh căng thẳng Mỹ-Thổ thậm chí còn lớn hơn do các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng làm hỏng các liên hệ vốn đã mong manh giữa Nhóm nhỏ và diễn đàn Astana, gây nguy hiểm hơn nữa cho cơ hội của Pháp nhằm giành lại chỗ đứng ngoại giao về vấn đề Syria.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ