(Tổ Quốc) - Theo tờ Eurasia review, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đòi hỏi sự phối hợp hiệu quả toàn cầu, trong đó châu Á đã nắm bắt cơ hội xác định vai trò của mình trong nỗ lực chung toàn cầu.
Tờ Eurasia review cho biết, người dân toàn cầu đang đối mặt với thực tế về một thế giới đang phải chậm lại trong bối cảnh các quốc gia cố hết sức ngăn chặn mức độ lây lan của Covid-19. Trong ba tháng kể từ khi đại dịch bùng phát, cuộc sống của người dân đã ảnh hưởng nặng nề. Các biện pháp cách ly, giãn cách xã hội đã được áp dụng khiến hàng triệu người mất việc và hàng nghìn người tử vong.
Theo các chuyên gia, mọi thứ chưa thể kết thúc nếu dịch bệnh chưa thể ngăn chặn. Các quốc gia đang phải vật lộn để duy trì hệ thống y tế quốc gia và ngăn chặn các hậu quả thảm khốc có thể xảy ra. Có khoảng 170 quốc gia bị ảnh hưởng, tác động của việc đóng cửa biên giới và tạm ngừng đi lại trong nước và quốc tế đã dẫn đến kinh tế thế giới suy thoái, khiến nhiều người bị ảnh hưởng hơn.
Cơ hội bỏ lỡ
Nhằm ngăn chặn kịch bản tồi tệ nhất có thể xảy ra, bao gồm các thách thức an ninh quốc gia và con người, điều đó cần một ý chí tập thể, nỗ lực và cam kết của cả một cộng đồng quốc tế cùng nhau nỗ lực và chiến đấu dịch bệnh.
Giới quan sát cho rằng, sự phối hợp đi đầu của Mỹ và Trung Quốc trong nỗ lực ngăn chặn đại dịch là điều cần thiết đầu tiên để có thể mang đến hiệu quả trong công tác chống Covid-19.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới - Tedros Adhanom Ghebreyesus đã mô tả rằng "việc bỏ lỡ cơ hội" đã có thể nhìn thấy qua cánh cửa bùng phát dịch bệnh đầu tiên tại Trung Quốc.
Trong bối cảnh thế giới có thể phải đối mặt với diễn biến phức tạp của toàn cầu, giới chuyên gia cho rằng, động lực thúc đẩy một hành động toàn cầu cụ thể ở nhiều cấp độ chống đại dịch sẽ trở nên khẩn thiết hơn bao giờ hết.
Mặc dù căng thẳng Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp tục nhưng đã có một số sáng kiến cho rằng có thể phân tích các tác nhân ở cấp độ khác nhau để đối phó với mức độ lây lan của Covid-19. Nhận thức về các nỗ lực mới của quốc tế sẽ tạo nên nhiều hơn sự chung tay và đưa ra nhiều sáng kiến hơn giúp các quốc gia và cộng đồng ngăn chặn đại dịch lần này.
Thúc đẩy ngoại giao y tế toàn cầu
Tổ chức Y tế thế giới, Quỹ Liên Hợp Quốc và Quỹ từ thiện Thụy Sĩ đã ra mắt Quỹ phản ứng đoàn kết nhằm trợ giúp các nước, đặc biệt là đối với các quốc gia có hệ thống y tế yếu trong công tác phòng chống dịch bệnh. Các biện pháp đưa ra bao gồm cải thiện khả năng phát hiện bệnh, cung cấp các thiết bị bảo hộ cho nhân viên y tế và mở rộng hệ thống y tế công cộng.
Trong cuộc chạy đua tìm vaccine phòng Covid-19, các nhóm bao gồm Liên minh Đổi mới sáng tạo Sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI) đang nỗ lực dẫn đầu tài trợ và phối hợp phát triển vaccine với Đại học Oxford và Novavax – công ty công nghệ sinh học có trụ sở tại Mỹ.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới cũng phát động dự án đoàn kết toàn cầu nhằm mục đích đưa ra các liệu pháp tiềm năng điều trị Covid-19.
Theo tờ báo, một số các quốc gia cho thấy họ đã sẵn sàng tham gia vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng đa quốc gia, trong đó có Thái Lan và Malaysia. Các tổ chức tư nhân khác bao gồm, Quỹ Bill và Melinda Gates hay Facebook cũng đã quyên góp 25 triệu đô la cho quá trình nghiên cứu vaccine và các phương pháp trị liệu khác.
Gần đây, nhóm các nước G-20 cũng đã cam kết 5 nghìn tỷ đô la Mỹ nhằm kích thích kinh tế giúp phục hồi tăng trưởng toàn cầu và mang lại thị trường ổn định. Các bộ trưởng G-10 đã cam kết thương mại, giảm rủi ro chuỗi cung ứng y tế toàn cầu.
Bước chuyển mình của châu Á?
Trong khi nỗ lực quốc tế tăng cường nguồn tài chính và phát triển vaccine cho quá trình phòng bệnh thì châu Á nằm trong nỗ lực toàn cầu chống Covid-19.
Châu Á đã thiết lập chất lượng, tiêu chuẩn trong khâu phản ứng và chuẩn bị đối phó đại dịch Covid-19. Các chuyên gia và phân tích y tế đã chỉ ra cách mà Singapore, Hàn Quốc, Hong Kong, Đài Loan và Việt Nam có phản ứng hiệu quả chống dịch Covid-19. Tốc độ, quyết đoán và cấp độ là các yếu tố mà chính phủ các nước này đã làm được trong công tác kiểm soát mức độ lây lan của dịch bệnh, tờ báo cho biết.
Theo giới phân tích, các biện pháp nghiêm khắc bao gồm cấm đi lại, giãn cách xã hội, xét nghiệm quy mô rộng và phong tỏa đã có tác động hiệu quả trong việc kiềm chế lây nhiễm mới.
Theo tờ báo, ba khung pháp lý và cơ chế hiện có mà các quan chức y tế và bộ trưởng y tế đưa ra trong nỗ lực thúc đẩy hợp tác trong khẩn cấp y tế công cộng bao gồm: kiểm soát về tài nguyên, tạo nhóm các chuyên gia y tế và tăng cường nhận thức cộng đồng.
Theo chuyên gia, đại dịch Covid-19 được xem là mối đe dọa y tế nhưng châu Á có thể học hỏi và nắm bắt cơ hội để định hình vai trò của mình trong ngoại giao y tế.