(Tổ Quốc) - Đơn khởi kiện của Công ty CP Thép Dana – Ý dài 24 trang và công ty này nêu những thiệt hại phải gánh chịu từ những quyết định của UBND TP Đà Nẵng là gần 400 tỷ đồng.
- 27.11.2018 Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP Đà Nẵng lên tiếng về quyết định dừng hoạt động hai nhà máy thép
- 24.11.2018 Đà Nẵng xử phạt, đình chỉ hoạt động 6 tháng hai nhà máy thép
- 20.11.2018 Doanh nghiệp đề nghị thành phố Đà Nẵng công bố kết quả quan trắc môi trường của nhà máy thép
- 06.11.2018 Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng nói gì về “giải quyết dứt điểm” hai nhà máy thép?
- 02.10.2018 Số phận nào đối với hai nhà máy thép Dana-Ý và Dana-Úc?
Liên quan đến hoạt động của hai nhà máy thép Dana-Ý và Dana-Úc (đóng tại Cụm công nghiệp Thanh Vinh, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng, Báo điện tử Tổ Quốc đã có nhiều bài phản ánh thời gian qua), ngày 6/6, Tòa án Nhân dân thành phố Đà Nẵng cho biết vừa qua đã nhận được đơn khởi kiện của Công ty CP Thép Dana Ý và Công ty này đã nộp tạm ứng án phí để khởi kiện UBND TP Đà Nẵng, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đòi bồi thường thiệt hại là gần 400 tỷ đồng.
Đơn khởi kiện của Công ty CP Thép Dana - Ý.
Theo đơn khởi kiện của Công ty CP Thép Dana – Ý (Cty Dana - Ý) thì công ty này khởi kiện UBND TP Đà Nẵng và Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng 4 nội dung gồm: Công văn 1446 ngày 2/3/2018 của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng (người ký công văn là Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh); Thông báo số 30/TB-UBND ngày 23/3/2018 của UBND TP Đà Nẵng (người ký công văn là Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh); Hành vi không giải quyết việc người dân bao vây Nhà máy thép Dana - Ý từ ngày 26/9/2018 đến nay của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng; Quyết định số 5585/QĐ-XPVPHC ngày 23/11/2018 của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng (người ký Quyết định là Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh).
Đơn khởi kiện của Cty Dana – Ý nêu rõ, năm 2006, trong giai đoạn 1 Cụm công nghiệp (CCN) Thanh Vinh, UBND TP Đà Nẵng đã khuyến khích và kêu gọi Cty Dana – Ý (tiền thân là Công ty CP thép Thành Lợi) di dời nhà máy từ KCN Hòa Khánh về CCN Thanh Vinh.
Thời điểm đó, CCN còn là mảnh đất hoang sơ, cơ sở hạ tầng kém…và hầu như chưa có dự án đầu tư. Nhưng để hưởng ứng kêu gọi đầu tư của thành phố công ty vẫn chấp nhận di dời đến CCN Thanh Vinh để kích thích đầu tư và phát triển CCN này.
Năm 2007, UBND TP Đà Nẵng cấp Giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) cho Công ty CP thép Thành Lợi. Đến tháng 12/2008, cấp GCNĐT cho Công ty CP thép Đà Nẵng – Ý (nay đổi thành Công ty CP thép Dana Ý) thay thế cho GCNĐT trước đó.
Hoạt động của nhà máy luôn tuân thủ quy định của pháp luật về môi trường. Phía công ty đã đầu hơn 200 tỷ đồng để khắc phục một số lỗi về môi trường ở mức độ thấp. Các kết quả quan trắc định kỳ cho thấy an toàn với môi trường. Cty Dana – Ý đã được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt 03 Báo cáo đánh giá tác động môi trường tương ứng với từng Dự án sản xuất.
Nhà máy thép Dana - Ý và Dana - Úc nằm trong Cụm CCN Thanh Vinh.
Theo đơn khởi kiện, lúc đầu công ty vào CCN Thanh Vinh khu vực này chỉ có 30 hộ dân. Từ năm 2006, thành phố thống nhất chủ trương di dời các hộ dân để tạo vành đai phân cách với khu dân cư cho phù hợp với tiêu chuẩn quy hoạch cụm công nghiệp (tối thiểu 500m). Nhằm không gây ảnh hưởng đến đời sống người dân khi nhà máy hoạt động. Chủ trương này được doanh nghiệp và nhân dân hưởng ứng.
Tuy nhiên, việc giải tỏa đền bù của thành phố không thông suốt, "treo" hàng chục năm dẫn đến bức xúc cho người dân. Không những thế, cơ quan có thẩm quyền vẫn tiếp tục cấp đất cho người dân làm nhà sát nhà máy (dù biết là vi phạm khoảng cách ly tối thiểu). Từ 30 hộ dân ban đầu, đến thời điểm hiện tại, con số đã lên đến 400 hộ dân, làm tình hình thêm phức tạp.
Đầu năm 2016, các hộ dân rất bức xúc và phản ứng gay gắt về việc "treo" chủ trương giải tỏa, UBND TP Đà Nẵng đã ra quyết định phải di dời nhà dân theo các Thông báo số 197/TB-UBND ngày 29/12/2016, số 05/TB-UBND ngày 22/2/2017.
Người dân nhiều lần tụ tập trước cổng nhà máy thép Dana - Ý để ngăn chặn, không cho nhà máy hoạt động vì họ cho rằng ô nhiễm...
Thủ tục tiến hành việc giải tỏa được triển khai nhanh chóng. Cơ quan chức năng đã thực hiện kiểm định, kê khai đền bù. Người dân chờ nhận tiền đền bù, bố trí địa điểm tái định cư. Và công ty đã có chứng thư bảo lãnh kinh phí giải tỏa từ ngân hàng theo yêu cầu của UBND TP. Tuy nhiên, đầu năm 2018, UBND TP lại đột ngột thu hồi, hủy bỏ chủ trương giải tỏa, di dời các hộ dân sát nhà máy. Việc này càng làm cho người dân phản ứng dữ dội. Ngày 26/2/2018, hàng trăm người dân đã đến bao vây nhà máy để gây áp lực với UBND TP di dời dân đến khu tái định cư mới.
Sau đó, chính quyền Đà Nẵng đưa ra các quyết định buộc công ty ngừng hoạt động sản xuất trong gây thiệt hại nghiêm trọng đến hoạt động của công ty. Hậu quả là công ty bị thiệt hại hàng trăm tỷ đồng do ngừng sản xuất, gây ảnh hưởng tới thương hiệu và hình ảnh của công ty khi mang tiếng xấu là "doanh nghiệp gây ô nhiễm".
Đơn khởi kiện của Cty Dana – Ý dài 24 trang và công ty này nêu những thiệt hại phải gánh chịu từ những quyết định của UBND TP Đà Nẵng là gần 400 tỷ đồng.
Các nội dung Công ty CP Thép Dana - Ý đề nghị giải quyết.
Từ đó, Cty Dana – Ý đề nghị giải quyết 4 nội dung: Một là hủy Công văn 1446/UBND-QLĐTư ngày 2/3/2018 và buộc Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng bồi thường thiệt hại do việc thi hành nội dung của công văn này gây ra là hơn 109 tỷ đồng.
Hai là, buộc UBND TP Đà Nẵng bồi thường thiệt hại do việc thi hành Thông báo số 30/TB-UBND ngày 23/3/2018 gây ra là hơn 11 tỷ đồng.
Ba là, buộc Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng bồi thường thiệt hại gây ra bởi hành vi không giải quyết việc người dân bao vây Nhà máy thép từ ngày 27/9/2018 đến ngày 22/11/2018 gây ra là hơn 120 tỷ đồng.
Bốn là hủy một phần Quyết định 5585/QĐ-XPVPHC ngày 23/11/2018 và buộc Chủ tịch UBND TP bồi thường thiệt hại gây ra bởi việc thực thi quyết định này là hơn 156 tỷ đồng.
Ông Huỳnh Văn Tân, Tổng Giám đốc Công ty CP Thép Dana - Ý cho biết công ty đã có đơn khởi kiện UBND TP Đà Nẵng và Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng trong tháng 1/2019, đồng thời yêu cầu bồi thường thiệt hại với tổng số tiền gần 400 tỷ đồng.
Sau đó, công ty đã tiến hành hòa giải với UBND TP Đà Nẵng và yêu cầu tòa tạm ngưng giải quyết vụ án. Tuy nhiên, thời gian hòa giải theo quy định đã hết hiệu lực và do áp lực của cổ đông nên công ty đã tiến hành nộp án phí để TAND tiếp tục thụ lý giải quyết.