• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đại dịch có giúp Tổng thống Macron "vượt thế khó", tái khẳng định vị thế trên chính trường Pháp?

Thế giới 29/04/2020 14:37

(Tổ Quốc) - Khởi đầu ấn tượng với sự trẻ trung và tràn đầy năng lượng, tuy nhiên kể từ khi nhậm chức vào tháng 5/2017, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lại liên tục sụt giảm và chỉ duy trì ở mức dưới 50%.

Từng là Bộ trưởng Kinh tế và Công nghiệp, ông Macron được kỳ vọng sẽ thúc đẩy kinh tế, giải quyết vấn nạn thất nghiệp (lên tới 9%) của đất nước thông qua dỡ bỏ các rào và gánh nặng cho doanh nghiệp, khuyến khích kinh doanh và tái cơ cấu hệ thống phúc lợi xã hội có chi phí cao hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới của Pháp.

Tuy nhiên, một loạt các cải cách lớn của ông lại vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các cử tri Pháp. Đối với một số người, tổng thống của họ thậm chí đã trở thành một "biểu tượng" cho một chính phủ kỹ trị, cấp cao và ngoài tầm với.

Tờ US News nhận định, đại dịch COVID-19 có thể thay đổi quỹ đạo sự nghiệp tổng thống của ông Macron. Các cuộc thăm dò dư luận hồi tháng 3 cho thấy, 96% người dân ủng hộ cách ông xử lý đại dịch. Hai thăm dò gần đây chỉ ra, tỷ lệ ủng hộ của ông đã tăng 10% kể từ khi dịch bệnh bùng phát – và lần đầu tiên trong gần 2 năm trở lại đây, tỷ lệ ủng hộ ông Macron vượt mức 50%.

Mặc dù vậy, theo giới quan sát chính trị, không thể chắc chắn rằng, cuộc khủng hoảng y tế sẽ để lại những hệ quả lâu dài tới khả năng ông Macron tái đắc cử vào năm 2022. Thực tế là, trong những cuộc thăm dò tiếp đó, tỷ lệ người dân tin tưởng vào năng lực đối phó đại dịch của chính phủ đã bắt đầu giảm.

Đại dịch có giúp Tổng thống Macron "vượt thế khó", tái khẳng định vị thế trên chính trường Pháp? - Ảnh 1.

Một gia đình tại Lyon theo dõi bài phát biểu trên truyền hình của Tổng thống Macron vào ngày 13/4 (ảnh: AP)

Khủng hoảng liên tiếp

Các vấn đề của ông Macron thực sự bắt đầu từ loạt cải cách thuế sớm không được lòng tầng lớp trung lưu và lao động. Nhiều người cũng nhắc tới một đề xuất đánh thuế xăng dầu nhằm đối phó biến đổi khí hậu, nhưng lại ảnh hưởng nhiều hơn tới những người có thu nhập thấp sống tại miền quê. Phong trào biểu tình Áo Vàng bắt đầu vào mùa thu năm 2018 khiến hàng trăm nghìn người đổ xuống đường phố, chặn giao thông, đốt xe, làm gián đoạn kinh doanh và đụng độ bạo lực với cảnh sát.

Mùa thu năm 2019, đề xuất cải cách lương hưu tiếp tục trở thành một trong những chương trình nghị sự bị phản đối nhiều nhất của Tổng thống Macron. Hơn 800.000 người - từ luật sư tới nhân viên y tế, tài xế lái tàu… tiếp tục xuống đường biểu tình vào ngày 5/12. Cho tới tận giữa tháng 1/2020, người dân thành thị Pháp vẫn phải sống trong cảnh không có phương tiện giao thông công cộng do 80% hoạt động tàu điện ngầm bị ngưng trệ.

Và chỉ khi cuộc sống vừa mới quay trở lại bình thường tại Pháp thì dịch bệnh COVID-19 lại ập tới vào đầu tháng 3. Tính tới ngày 28/4, Pháp đã có hơn 160.000 ca nhiễm và hơn 23.000 tử vong vì COVID-19.

"Tại Pháp, chúng tôi liên tục gặp khủng hoảng mà không có bất kỳ gián đoạn nào trong gần 2 năm qua", nhà nghiên cứu Bruno Cautres tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa hoc Quốc gia Pháp nói.

Để kiềm chế virus lây lan, chính phủ của ông Macron phải đóng cửa trường học, dừng các ngành kinh doanh không thiết yếu và áp dụng phong tỏa toàn xã hội trong vòng 1 tháng từ ngày 16/3. Lệnh phong tỏa được gia hạn tới hết ngày 11/5, sau đó các hạn chế sẽ dần dần được nới lỏng. Hơn 100.000 cảnh sát và binh lính quân đội đã tuần tra trên đường phố trong khi những người vi phạm lệnh phong tỏa đối mặt với mức phạt từ 135 euro. Chỉ trong một tuần, tỷ lệ ủng hộ cho ông Macron tăng vọt.

Theo ông Cautres và nhà báo chính trị Etienne Jacob của tờ Le Figaro, sự ủng hộ cho một nhà lãnh đạo quốc gia thường có xu thế tăng trong một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Công chúng trông chờ vào giới lãnh đạo và công nhận những nỗ lực bảo vệ lợi ích quốc gia của chính phủ.

Sau vụ khủng bố Charlie Hebdo năm 2015, Tổng thống Pháp Francois Hollande được coi là "một tổng thống thời chiến" với tỷ lệ ủng hộ tăng 22 điểm. Tại Mỹ, sau khi kết thúc Chiến tranh Vịnh Ba tư năm 1991, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống George H. W. Bush vọt lên tận 89%. Chính phủ của Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng nhận được sự ủng hộ cao vì những phản ứng quyết liệt và hợp lý trước dịch bệnh COVID-19.

Tuy nhiên, ông Cautres cảnh báo, bất kỳ tác động tích cực nào lên tỷ lệ ủng hộ các nhà lãnh đạo sẽ sớm biến mất. Ví dụ, Tổng thống Hollande kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2017 với tỷ lệ ủng hộ thấp kỷ lục trong lịch sử là 22%. Tương tự, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Bush giảm dưới 50% khi ông thất bại trong chiến dịch tái tranh cử vào năm 1992. "Công chúng bắt đầu đặt câu hỏi về cách nhà điều hành xử lý mọi việc", ông Cautres chỉ ra.


Con đường tới đích tái đắc cử còn rất xa

Hiện tại, ông Macron đang phải nỗ lực để đứng vững trước làn sóng chỉ trích. Hai nhà phân tích Cautres và Jacob đánh giá, các bộ trưởng Pháp không có đủ chuyên môn y tế đã đưa ra loạt thông điệp gây tranh cãi về đại dịch. Tuần trước, ông Macron tuyên bố, đội ngũ của ông đang lập ra một kế hoạch thông tin về COVID-19 "đơn giản và có để hiểu được".

Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng lưu ý, đại dịch đã làm nổi bật nhu cầu phải có một mạng lưới an toàn xã hội mạnh mẽ. Tại Pháp, an sinh xã hội đảm bảo người dân nhận được chăm sóc y tế có thể chấp nhận được, nhưng các bệnh viện lại không được đầu tư đủ và đội ngũ nhân viên y tế đã đình công trong nhiều tháng. Đáp lại, Tổng thống Macron đã công bố một "kế hoạch khổng lồ" để đầu tư vào hệ thống bệnh viện - vốn đang gần tới mức quá tải trong mùa dịch COVID-19.

Quan trọng hơn, hiện chưa rõ cuộc khủng hoảng sẽ ảnh hưởng như thế nào tới cơ hội tái đắc cử của ông Macron vào năm 2022. Nhà báo Jacob dự đoán, nó sẽ không có nhiều tác động do các biện pháp cách li có thể giúp kiểm soát dịch bệnh tại Pháp trong vài tháng tới, sau đó chính phủ sẽ tung ra gói biện pháp tài khóa giúp tái khởi động nền kinh tế. Mặc dù vậy, một cuộc suy thoái toàn cầu là điều khó tránh khỏi.

"Ông Macron dựa đáng kể vào chương trình kinh tế của mình. Tuy nhiên, một số công ty sẽ biến mất và điều đó có thể đem tới khó khăn", ông Jacob nói. Theo ông, quy mô khủng hoảng toàn cầu nhiều khả năng cũng đem tới ảnh hưởng. "Nếu nó chỉ là một cuộc khủng hoảng tại Pháp, anh có thể nghĩ tới một sự lựa chọn tồi tệ của chính phủ. Nhưng tôi không nghĩ người dân sẽ đòi ông Macron và chính phủ phải chịu trách nhiệm", ông Jacob phân tích.

Tuy nhiên, chuyên gia Cautres nhận định, ông Macron có thể sẽ gặp thách thức nghiêm trọng. Tổng thống Pháp sẽ cần phải giải thích được tại sao lại theo đuổi một nền tảng cải cách mà gần như chắc chắn mình sẽ không hiện thực hóa hoàn toàn được. "Liệu có những ưu tiên khác quan trọng hơn không? Không dễ dàng để ông Macron đưa ra câu trả lời", ông Cautres nói.

Cả hai chuyên gia đều nhất trí rằng, ông Macron cần phải tập trung thời gian còn lại của nhiệm kỳ vào vấn đề phúc lợi xã hội. "Sẽ có nhu cầu rất lớn về dịch vụ công và các câu hỏi lớn về sự bền vững của dịch vụ công trong tình huống khủng hoảng", ông Cautres cảnh báo. "Đó là chương trình nghị sự cho ngày mai. Và nó không hề nằm trong chương trình ban đầu của ông Macron".

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ