• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đại dịch COVID-19 đẩy thế giới vào "thế nguy" trong cuộc chiến đối phó loạt bệnh chết người khác

Thế giới 16/04/2020 16:07

(Tổ Quốc) - Nhân lực và vật lực dồn vào cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 đã có thể khiến các bệnh nguy hiểm như lao, sốt rét, viêm gan, tả... có nguy cơ bùng phát.

Trong khi toàn cầu tập trung vào COVID-19, nhiều chuyên gia y tế lại lo ngại thế giới sẽ mất đi lợi thế trong cuộc chiến chống lại các bệnh truyền nhiễm khác đang cướp đi sinh mạng hàng triệu người mỗi năm như HIV/AIDS, lao, tả…

Tiến sỹ John Nkengasong, người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh châu Phi cho hay, "nỗi sợ hãi lớn nhất của chúng tôi" là các nguồn lực dành cho các bệnh khác bị giảm đi hoặc bị chuyển hướng.

Đại dịch COVID-19 đẩy thế giới vào "thế nguy" trong cuộc chiến đối phó loạt bệnh chết người khác - Ảnh 1.

Một bệnh nhân khám lao tại Ấn Độ vào ngày 24/3/2014 (ảnh: Rajesh Kumar Singh)

Điều đó đang xảy ra ở các nước có hệ thống y tế đã bị quá tải như Sudan. Tại Bệnh viện Quốc gia Al-Ribat tại thủ đô Khartoum, số bệnh nhân được đưa vào phòng cấp cứu ít đi, một số ca mổ bị hoãn lại vô thời hạn, chăm sóc ban đầu cho các ca không nghiêm trọng bị tạm ngưng và các bác sỹ giỏi đều tập trung điều trị cho các bệnh nhân COVID-19.

Tình trạng tương tự xuất hiện ngày càng nhiều trên khắp thế giới. Ngay cả ở các nước có hệ thống y tế phát triển như Hàn Quốc, bệnh nhân muốn điều trị lao đều bị từ chối nhập viện.

Bác sỹ Hojoon Sohn từ Trường Y tế công cộng Johns Hopkins Bloomberg và hiện đang làm việc tại Hàn Quốc cho hay, khoảng 30% trong số hơn 10 triệu bệnh nhân lao toàn cầu không bao giờ được chẩn đoán; và các cách biệt trong điều trị tập trung ở 10 nước có số ca nhiễm lao cao nhất.

"Những người này không đi chữa trị ngay cả trong điều kiện bình thường", ông Sohn nói. "Do COVID-19 khiến hệ thống y tế bị quá tải và các chính phủ yêu cầu người dân ở trong nhà, số người mắc lao không được phát hiện chắc chắn sẽ tăng cao".

Còn theo bà Anne-Marie Connor, giám đốc quốc gia của tổ chức viện trợ nhân đạo Tầm nhìn thế giới, tại Congo, COVID-19 xuất hiện cùng lúc với dịch sởi bùng phát - vốn đã khiến hơn 6.000 người tử vong. Quốc gia châu Phi còn chưa kịp hồi phục sau đợt bùng phát dịch bệnh Ebola cũng như nhiều năm chìm trong nội chiến.

"Chúng ta sẽ chứng kiến các cái chết 'gián tiếp' từ các căn bệnh khác", bà Connor dự báo.

Đại dịch COVID-19 đẩy thế giới vào "thế nguy" trong cuộc chiến đối phó loạt bệnh chết người khác - Ảnh 2.

Nhân viên y tế chuẩn bị cho bệnh nhân xét nghiệm COVID-19 tại Cape Town, Nam Phi (ảnh: Nardus Engelbrecht)

Tác động khổng lồ của đại dịch không chỉ giới hạn ở điều trị. Các yếu tố khác như tiếp cận với giao thông trong thời gian phong toả, cũng đang đe dọa tới tình hình bệnh lao tại Ấn Độ. Các bác sỹ và bệnh nhân không thể tới phòng khám và rất khó để gửi mẫu bệnh phẩm đi xét nghiệm. Ấn Độ chiếm khoảng 1/3 số bệnh nhân lao toàn cầu và việc chẩn đoán cho bệnh nhân hiện bị gián đoạn tại nhiều khu vực trên toàn quốc. Bác sỹ Yogesh Jain đến từ Chhattisgarh – một trong những bang nghèo nhất tại Ấn Độ - và nhiều bác sỹ khác lo ngại, điều đó đồng nghĩa với khả năng "số bệnh nhân mắc lao sẽ tăng mạnh".

Còn Tiến sỹ Marc Biot, giám đốc điều hành tổ chức Bác sỹ Không Biên giới chỉ ra, các lệnh phong tỏa vì COVID-19 cũng đã làm gián đoạn nguồn cung cấp, bao gồm các dược phẩm thiết yếu, thiết bị bảo hộ và bình oxy. "Hiện rất khó để tìm thấy những thứ này bởi vì mọi người đều muốn mua chúng cùng một lúc", ông Biot giải thích.

Nỗi lo ngại về sự gia tăng của các loại bệnh càng thêm trầm trọng khi hơn 13,5 triệu người trên thế giới có nguy cơ bị tiêm phòng chậm. Liên minh vaccine GAVI ước tính, 21 nước đang xảy ra tình trạng thiếu vaccine do biên giới bị đóng cửa và đường hàng không bị tạm ngưng. Ít nhất 14 chiến dịch cổ súy tiêm vaccine cho các bệnh như sởi và bại liệt đã bị hủy bỏ.

Theo tổ chức Sáng kiến Sởi và Rubella, các chiến dịch tiêm phòng sởi tại 24 nước đã bị trì hoãn, và họ lo ngại rằng, hơn 117 triệu trẻ em tại 37 quốc gia có thể sẽ bỏ lỡ cơ hội tiêm ngừa căn bệnh này.


Tiến sỹ Jay Wenger, người đứng đầu chương trình xóa đói, giảm nghèo của Quỹ Bill & Melinda Gates đánh giá, khuyến nghị hủy bỏ tiêm vaccine bại liệt tận nhà là việc khó khăn. Mặc dù điều này có thể dẫn tới việc số ca mắc bại liệt bệnh tăng vọt, nhưng "đó cũng là một động thái cần thiết để làm giảm nguy cơ nhiễm COVID-19".

Tương tự, các chương trình phòng chống các bệnh do muỗi gây ra cũng bị ngưng trệ. Bác sỹ Anura Jayasekara, giám đốc Đơn vị Kiểm soát Bệnh sốt rét Quốc gia Sri Lanka cho hay, tại Sri Lanka - nơi số người nhiễm sốt xuất huyết vào năm 2019 cao gần gấp đôi năm trước các điều tra viên y tế được giao nhiệm vụ truy soát các tiếp xúc của bệnh nhân nhiễm COVID-19. Do vậy, họ không thể tiếp tục "công việc thường ngày" là dập các ổ sản sinh muỗi tại địa phương.

Trong một đại dịch, lịch sử cho thấy, các bệnh khác có thể "trỗi dậy" ở quy mô lớn. Giữa thời điểm dịch Ebola bùng phát tại Guinea, Liberia và Siera Leone vào năm 2014-16, số người chết vì HIA, lao và sốt rét gần tương đương với số người thiệt mạng vì Ebola.

Ông Rashid Ansumana, một chuyên gia y tế cộng đồng tại Siera Leono cho hay, "tác động của COVID-19 chắc chắn sẽ còn cao hơn".

Tiến sỹ Biot của tổ chức Bác sỹ Không Biên giới cho hay, một trong những giải pháp mà các y bác sỹ đang áp dụng nhằm cố gắng làm giảm nhẹ cuộc khủng hoảng, đó là cách cung cấp cho các bệnh nhân mắc HIA, lao, viêm gan C… số thuốc đủ dùng trong nhiều tháng.

Trong bối cảnh các nước đang đối mặt với những thách thức y tế giữa đại dịch, Tiến sỹ Nkengasong cảnh báo, không thể lơ là các nỗ lực đối phó với các bệnh tật khác. "Thời điểm để tán thành các chương trình này không phải là khi COVID-19 kết thúc. Mà thời điểm chính là hiện tại", ông kêu gọi.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ