• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Dân công sở Hàn Quốc ăn trưa ở cửa hàng tiện lợi vì lạm phát leo thang

Thế giới 29/06/2022 19:32

(Tổ Quốc) - Những nhân viên văn phòng Hàn Quốc thường tìm đến các cửa hàng tiện ích ăn trưa là xu hướng gần đây.

Park Mi-won, một nhân viên văn phòng chưa bao giờ phải đến cửa hàng tiện ích để ăn trưa trước đây. Cho đến gần đây, những bữa trưa tự chọn yêu thích của bà thường là những cửa hàng tiện ích. Trong bối cảnh lạm phát cao ở Hàn Quốc, giá cả thực phẩm đang được ghi nhận cao nhất trong 14 năm qua.

Dân công sở Hàn Quốc ăn trưa ở cửa hàng tiện lợi vì lạm phát  - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters

"Sau khi giá cả tăng mạnh, tôi thường tìm đến các cửa hàng tiện ích để ăn trưa. Tôi cho rằng giá mua ở đây hợp lý và đồ ăn cũng khá ngon", bà Park Mi-won nói. "Hiện tại, tôi thường ăn trưa ở cửa hàng tiện lợi từ 2 đến 3 lần/ tuần".

Theo thống kê của Liên hợp quốc, giá lương thực toàn cầu đã tăng 23% vào tháng trước so với cách đây một năm. Căng thẳng leo thang ở Ukraine đã ảnh hưởng đến nguồn cung ngũ cốc trên toàn cầu đồng thời đẩy giá lương thực và phân bón tăng cao. Những mặt hàng như mì ăn liền, bánh mì sandwich và kimbap giá chỉ dưới 5 đô la Mỹ tại các cửa hàng tiện lợi, vì vậy, những người làm công ăn lương như bà Park thường tìm đến cửa hàng ăn trưa để cắt giảm chi phí.

Theo trang SCMP, chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25 của Hàn Quốc bất ngờ thông báo tăng hơn 30% doanh số bán hàng trong danh mục bữa ăn nhanh tại cửa hàng từ tháng Một đến tháng Năm so với một năm trước. Đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng, GS25 đã phát động dịch vụ đăng ký bữa ăn mới cho nhân viên văn phòng đi kèm với chiết khấu giá và giao hàng trực tiếp đến văn phòng.

Tương tự, các cửa hàng tiện lợi tương tự như CU và 7-Eleven cũng phục vụ nhu cầu tăng mạnh của khách hàng trong những tháng qua. Emart 24 chứng kiến doanh số bán cơm trưa văn phòng tăng 50% ở những khu vực có nhiều khối văn phòng. Xu hướng này đang nổi trội ở Hàn Quốc trong bối cảnh hầu hết các nhà hàng ở nước này đều tăng giá lên tới 7,4% trong tháng trước so với cách đây một năm. Các chuyên gia đánh giá đây là mức tăng nhanh nhất trong 24 năm qua.

Các nhà hàng ăn uống đồng loạt tăng giá

Khi khái niệm "lạm phát bữa trưa" không còn xa lạ thì giá các món ăn yêu thích như bò hầm với cơm đã tăng 12,2 % hay mì lạnh Hàn Quốc cũng đã tăng 8,1%.

Mặc dù giá cả hàng hóa ở các cửa hàng tiện lợi cũng tăng nhưng mức giá tổng thể vẫn thấp hơn nhiều so với việc ăn trưa ở các nhà hàng. Vì vậy, dân công sở Hàn Quốc thường thích ăn trưa nhanh ở những cửa hàng này.

Tại thủ đô Seoul, mức giá trung bình của món mì lạnh đã tăng trên 10.000 won trong khi mì ramen ăn liền chỉ tăng nhẹ trên 1000 won ở các cửa hàng tiện lợi. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc ước tính mỗi lần tăng giá 1% đối với nông sản nhập khẩu sẽ đẩy giá thực phẩm chế biến tăng 0,36% trong năm tới và giá ăn tại nhà hàng tăng 0,14% trong ba năm tới.

Một số chủ nhà hàng lớn cũng cho biết giá ăn uống tại nhà hàng vẫn có thể tiếp tục tăng cao hơn.

"Trên thực tế, nhà hàng của chúng tôi sẽ phải tăng giá cao hơn nữa", ông Lee Sang-jae, chủ nhà hàng galbitang (món canh sườn bò) ở một quận thuộc trung tâm Seoul nói và khẳng định nhà hàng đã tăng giá hai lần trong năm nay từ 10.000 won lên 12.000 won với món canh sườn bò.

Trong cuộc khảo sát ở một công ty nhân sự Incruit vào tháng trước, 96% trong số 1.004 nhân viên văn phòng đều nhận định giá ăn uống bữa trưa đang quá cao. Trong số những người tham gia khảo sát, 1/2 nói rằng họ đang tìm cách cắt giảm chi tiêu cho bữa trưa.

Ở Hàn Quốc, những bữa ăn trưa luôn được đánh giá là quan trọng đối với nhân viên văn phòng để thúc đẩy cơ hội giao lưu cùng bạn bè và đồng nghiệp.

"Ăn trưa ở các cửa hàng tiện lợi thường rẻ hơn so với ăn ở nhà hàng nhưng nhược điểm là chúng tôi không thể ăn cùng nhau trong một thời điểm", Ku Dong-hyun, một nhân viên công ty đang ăn trưa tại GS25 chia sẻ.

Trong khi nhiều nhà hàng nhỏ vẫn đang hưởng lợi từ việc phục vụ ăn uống buổi tối sau nhiều tháng tuân thủ các quy định giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19 nhưng các nhà kinh tế đã cảnh báo áp lực kéo dài về giá tiêu dùng sẽ đè nặng lên túi tiền của khách hàng.

Ông Lee Seung-hoon, nhà kinh tế trưởng của Meritz Securities cho rằng sức mua đang thực sự bị thu hẹp trong bối cảnh áp lực gia tăng vì lạm phát cao. Tuy nhiên, người dân cũng không hề muốn cắt giảm các cuộc tụ tập ăn uống sau thời gian dài Covid-19.

Một khi giá cả tiêu dùng tăng cao kéo dài, áp lực chi phí sẽ đè nặng lên tiêu dùng tư nhân. Hiện tại, chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ của ngân hàng trung ương Hàn Quốc đang đặt ra thách thức lớn, ông Lee Seung-hoon nhấn mạnh./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ