(Tổ Quốc) - Vì giá điện thấp, Iran từng là miền đất hứa, ưu tiên di cư số 1 của các tay đào tiền ảo Trung Quốc. Nhưng nay, nó đang dần trở thành miền đất chết.
Vào đầu năm 2020, giới bitcoin toàn cầu lại một lần nữa chao đảo.
Vào ngày 3/1, tướng chỉ huy quân đội Iran Suleimani đã bị giết bởi một máy bay không người lái của Mỹ. Vào ngày 8/1, Iran đã phát động một cuộc phản công quân sự chống lại căn cứ quân đội Mỹ tại Iraq.
Và đang chung hoàn cảnh với hàng triệu người dân Iran, là vô số những thợ đào tiền ảo Trung Quốc, những người từng ôm giấc mộng giàu sang, di cư cả dây chuyền hệ thống sản xuất kinh doanh sang quốc gia này để tìm miền đất hứa.
Vì giá điện thấp, Iran đã từng là lựa chọn đầu tiên cho các thợ mỏ Trung Quốc khi tiến ra nước ngoài, sau các khó khăn về chính sách từ phía chính quyền nước này với vấn đề "đào mỏ" ở trong nước. Nhiều thợ mỏ Trung Quốc đã dựng trại ở đây, vận chuyển cả dây chuyền máy móc thiết bị đồ sộ sang.
Giờ đây, khi phải đối mặt với tình huống căng thẳng này, họ đang cảm thấy lo lắng. Những người khai thác tiền ảo, với nguồn sống không tách rời máy móc và hệ thống điện lưới, đột nhiên nhận ra rằng họ đang ngồi ở giữa miệng núi lửa của thế giới.
Tôi nên rời đi hay ở lại? Mỗi người có những lựa chọn khác nhau. Một số người quyết định rút khỏi Iran, tìm kiếm vùng đất mới.
Những người khác thì quyết định bám trụ ở lại, chờ con sóng dữ đi xa.
Đám mây chiến tranh u ám
Vào đầu năm 2020, mối quan hệ giữa Mỹ và Iran đột nhiên xấu đi. Cả thế giới nín thở.
Mọi thứ bắt đầu khi chỉ huy Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran Qasem Soleimani, người chịu trách nhiệm về các hoạt động quân sự ở nước ngoài, đã bị giết bởi máy bay không người lái của Mỹ. Iran giận dữ và bắt đầu đánh trả. Vào ngày 8/1, hàng chục tên lửa Iran đã tấn công các căn cứ của Mỹ ở Iraq.
Cùng ngày, một chiếc máy bay chở khách của Ukraine đã bị rơi gần thủ đô Tehran của Iran và không ai trong số 176 người sống sót. Mặc dù các quan chức Iran nói rằng vụ tai nạn là do lỗi động cơ, nhưng thảm kịch này chắc chắn đã phủ lên thêm một đám mây u ám.
"Những người thợ mỏ Trung Quốc ở Iran đang rất đau lòng", Lão Hồ, một người khai thác tiền ảo tại Iran, chia sẻ trên một diễn đàn về blockchain.
Và trong bầu không khí mà cuộc chiến tranh Mỹ-Iraq dường như sắp bắt đầu, giá Bitcoin bắt đầu tăng mạnh.
Chỉ trong vòng vài giờ sau cái chết của Suleimani hôm 3/1, giá Bitcoin đã tăng từ 6.800 USD lên 7.200 USD. Vào ngày 8/1, sau cuộc phản công của Iran, giá Bitcoin đã tăng từ 7.800 USD lên 8.400 USD.
Ở Iran, bitcoin thậm chí còn có giá giao dịch cao hơn. Vào ngày 8/1, trên sàn giao dịch Bitcoin OTC LocalBitcoins - với dịch vụ cho phép giao dịch ngoại tệ của đồng nội tệ lấy bitcoin - giá Bitcoin quy đổi theo tiền Iran tương đương 28.500 USD. Một phần vì sự mất giá của Rial, đồng tiền chính thức của iran. Dữ liệu cho thấy giá thị trường chợ đen hiện tại ở Iran là 1 USD đổi 140.000 rial. Dựa trên tính toán này, giá bitcoin ở Iran rơi vào khoảng 8.500 USD, cao hơn 100 USD so với giá chung, bởi bao gồm cả chi phí bảo hiểm rủi ro.
Nói một cách dễ hiểu hơn, điều này có nghĩa là người Iran đang sử dụng Bitcoin để chuyển tài sản của họ đi. Iran cũng có người giàu và người nghèo. Dữ liệu xu hướng tìm kiếm của Google cho thấy ở Iran, chỉ số tìm kiếm cho cụm từ "bitcoin" đã tăng 30% so với tuần trước và "làm thế nào để có được bitcoin miễn phí trên Internet" đã trở thành một từ khóa tìm kiếm nóng.
Và để đáp ứng nhu cầu, các thương nhân bitcoin của Iran đã vắt cạn kiệt mọi tài nguyên có thể sử dụng.
Khi tình hình kinh tế chính trị càng hỗn loạn, Bitcoin càng lên giá.
Trên LocalBitcoins, nhiều thương nhân Iran không chỉ hỗ trợ các giao dịch bằng đồng rial mà còn hỗ trợ thanh toán bằng thẻ quà tặng từ Amazon, App Store... Ở Iran, thẻ quà tặng được thanh toán bằng USD từ lâu cũng đã trở thành một loại tiền tệ.
Khi những đám mây của chiến tranh bao trùm Iran ngày càng dày đặc, những người khai thác tiền ảo, chủ yếu gốc Trung Quốc, đang lang thang kiếm sống trên khắp Iran cũng chịu chung số phận.
"Máy móc của chúng tôi ở Iran vẫn đang tiếp tục hoạt động", chủ một công ty khai thác tên là Liu Yang chia sẻ. "Bây giờ, chỉ hi vọng Mỹ và Iran chỉ đe dọa chứ không nổ súng. Nếu có chiến tranh thực sự, mọi người có thể chạy đi nhưng những người khai thác tiền ảo thì sẽ phải ở lại."
Tất nhiên, có những người quý trọng mạng sống hơn. Họ đã rút về Trung Quốc, bán tháo toàn bộ số máy khai thác cho những người muốn trụ lại tại vùng đất nguy hiểm này.
Lịch sử khai thác huy hoàng
Một mỏ khai thác Bitcoin cỡ nhỏ nằm giữa sa mạc, bên ngoài Tehran, thủ đô Iran.
Khai thác tiền ảo ở Iran nói riêng hay khu vực Tây Á nói chung đã từng là giấc mơ của các "thợ mỏ" Trung Quốc. "Truyền thuyết kể rằng" chi phí điện ở quốc gia này chỉ tương đương 5 xu tiền Trung, hay 165 đồng (VND) một số điện. Đó là một thiên đường với dân đào tiền ảo, công việc yêu cầu lượng điện khổng lồ mỗi ngày để chạy hàng nghìn máy đào tiền ảo.
Vào cuối năm 2018, khi thị trường tiền ảo giảm mạnh và giá bitcoin thấp tới 3.000 USD, tại hầu hết các quốc gia, dân đào tiền ảo vỡ nợ do chi phí lớn hơn doanh thu. Các máy khai thác thậm chí được bán dưới dạng sắt vụn. Nhưng Iran khi đó, với giá điện thấp, đã trở thành niềm hy vọng cuối cùng của nhiều thợ mỏ Trung Quốc. Một số lượng lớn các nhà khai thác tiền ảo Trung Quốc đã di cứ đến Iran để tìm kiếm cơ hội đổi đời, sống sót qua mùa đông băng giá.
Tuy nhiên, cho dù giá tiền điện thấp, nhưng hóa ra việc khai thác tiền ảo ở Iran không hề dễ dàng. Ban đầu, đây là một ngành công nghiệp ngầm và chỉ có thể được thực hiện bí mật.
"Hoặc nhà máy điện bán điện cho các công ty khai thác tư nhân, hoặc bạn phải hợp tác với các công ty khai thác để cùng khai thác", Lão Hồ nói.
Và chưa kể, vấn đề đầu tiên là làm thế nào để vào đưa máy khai thác qua đây. Bằng đường biển, các máy khai thác được vận chuyển đến các cảng của Iran và chi phí cho một máy khai thác chưa đến 2 USD. Nhưng không dễ để nhập hải quan số hàng hóa khổng lồ có phần "kỳ lạ" với hầu hết người dân nước này.
Năm 2018, hải quan Iran đã cho tồn đọng 30.000 đến 40.000 máy khai thác tiền ảo của Trung Quốc cùng một lúc. Không thể đi đường chính ngạch, buôn lậu đã trở thành một lựa chọn duy nhất lúc bấy giờ.
"Vào tháng 6/2019, chính phủ Iran cũng đã ra lệnh đóng cửa hai mỏ khai thác, trong đó có khoảng 1.000 máy đào tiền", Lão Hồ chia sẻ. Ông cho biết khi đó những người khai thác tiền ảo ở Iran vô cùng hoảng loạn. Họ sợ rằng người tiếp theo bị điều tra sẽ là chính mình.
Theo một phát ngôn viên của Cơ quan Năng lượng Iran, việc đóng cửa mỏ tiền ảo là do mức tiêu thụ điện cao ngất của nó vào mùa hè, khiến tổng nhu cầu năng lượng của cả Iran đã tăng 7%, chỉ trong tháng 6. Việc khai thác này đã ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của người dân Iran.
Dữ liệu cho thấy ở Iran, năng lượng cần thiết để khai thác ra 1 bitcoin đủ để cung cấp cho 24 hộ gia đình bình thường dùng điện trong vòng một năm.
Cuối cùng thì đó vẫn là vấn đề tiền bạc. Chính phủ Iran trợ cấp 1 tỷ USD tiền điện mỗi năm cho người dân. Do đó, họ không thể để những người khai thác tiền ảo hưởng lợi. Chính phủ do đó phải quản lý việc này. Tuy nhiên, không mất nhiều thời gian để các doanh nghiệp khai thác ở Iran có thể thay đổi và trở nên tốt hơn.
Iran từng kỳ vọng tiền ảo sẽ giúp giảm bớt áp lực kinh tế từ các chính sách trừng phạt của Mỹ.
Vào ngày 22/7/2019, Ủy ban Kinh tế của Chính phủ Iran đã phê duyệt việc thành lập cơ chế khai thác tiền kỹ thuật số. Về cơ bản, miễn là các doanh nghiệp có liên quan được cấp giấy phép từ Bộ Công nghiệp Iran, họ có thể khai thác tiền ảo hợp pháp.
Trong việc nhập khẩu máy móc khai thác, Tổng cục Hải quan Iran cũng đã xác định các tiêu chuẩn thuế suất đối với thiết bị là máy móc khai thác tiền ảo. Một máy khai thác được coi là một thiết bị máy tính và được hưởng tiêu chuẩn thuế suất tương tự như một chiếc máy tính.
Một số ý kiến cho rằng việc hợp pháp hóa ngành khai thác tiền ảo là một cách hữu hiệu để Iran đáp trả các lệnh trừng phạt của Mỹ. Một quan chức Iran là ông Elias Hazrati cũng nói rằng ngành công nghiệp tiền điện tử nên được coi là một ngành chính thức của Iran, làm tăng doanh thu từ thuế và hải quan cho Iran.
Nhưng, các thợ mỏ Trung Quốc đã nghiên cứu cẩn thận và thấy rằng hợp pháp hóa khai thác là điều... không tốt.
Bởi Iran đã đặt giá điện riêng cho việc khai thác bitcoin. Các doanh nghiệp sử dụng điện ở mức giá 0,07 USD, còn cá nhân là 0.05 USD một số điện. Mỏ khai thác của Lão Hồ đang chờ phê duyệt từ chính phủ Iran. Sau khi giấy phép phê duyệt được ban hành, mức giá này sẽ được áp đặt thực hiện.
Trong khu vực thương mại tự do của Iran, giá điện cũng đã tăng lên, không thấp hơn nhiều so với mức giá chung.
"Tôi có một người bạn đã đầu tư một mỏ 200.000 kilowatt ở Iran và đầu tư vào nó hơn nửa triệu USD. Bây giờ việc hoàn vốn là một giấc mơ không thể thành hiện thực trong tương lai gần", Tôn Băng, một thợ đào tiền ảo ở Iran, chia sẻ.
"Giá điện 5 xu trước đây đã không còn ở đó nữa", anh ngậm ngùi. Thiên đường khai thác tiền ảo huyền thoại đang dần trôi xa.
Trốn tránh và di cư
Trước tình hình giá điện không ngừng gia tăng, số phận của những người khai thác tiền ảo ở Iran ngày càng chông chênh. Nhiều người đã bắt đầu gặp rắc rối khi chuyển hệ thống của mình sang hình thức hoạt động ngầm. Kết quả là họ đã bị các quan chức Iran truy quét.
Chính phủ Iran thậm chí ra chính sách thưởng cho những người báo cáo về tình trạng khai thác tiền ảo, với số tiền thưởng chiếm đến 20% tổn thất của hóa đơn điện lưới.
Vào tháng 12 năm ngoái, cảnh sát Iran đã thu giữ 12 máy khai thác tiền ảo bí mật tại một trang trại bò sữa, cũng như số bitcoin trị giá chỉ 21 USD.
"5 người khai thác khác cũng đã bị bắt ở Tehran. Giờ rất ít người Iran đến Trung Quốc để mua máy khai thác", Vương Kiến Nghĩa, người điều hành doanh nghiệp khai thác tiền ảo ở Iran, chia sẻ.
Truyền thông địa phương Iran báo cáo việc các công ty khai thác bitcoin lậu bị bắt giữ.
Vào cuối tháng 11, bạo loạn đã nổ ra ở một số vùng của Iran do giá dầu tăng. Để dập tắt cuộc bạo loạn, chính phủ Iran đã làm gián đoạn các dịch vụ Internet. Hệ quả của nó là nhiều công ty khai thác tiền ảo buộc phải đóng cửa.
Nhiều thợ mỏ Trung Quốc khác đang khai thác tiền ảo trong khu vực thương mại tự do của Iran. Dịch vụ Internet ở đây không bị ảnh hưởng, nhưng mọi người vẫn rất lo lắng.
"Tất cả chúng tôi đang tìm biện pháp", Tôn Băng nói, "Tình hình không tốt và những người khai thác đang chuẩn bị nhảy vào lĩnh vực này đã bắt đầu chùn chân, chờ đợi."
Lựa chọn đầu tiên cho họ là rời khỏi Iran, chuyển sang Kazakhstan hay Uzbekistan, nơi có nguồn lực hỗ trợ dồi dào không kém và tình hình ổn định hơn. Một số công ty khai thác Trung Quốc đã bắt đầu rút khỏi Iran. Số máy móc được họ bán lại cho những người Iran bản địa đang muốn nhảy vào lĩnh vực này.
Ở Iran, nơi tiền tệ mất giá và giá cả tăng vọt, các cửa hàng bán thịt thậm chí đã bắt đầu hạn chế mua bán. Do đó, người dân địa phương sẵn sàng chấp nhận rủi ro và đặt một vài máy đào tiền ảo tại nhà. Hơn nữa, xác suất bị điều tra tại nhà là không cao.
Tôn Băng đang tiếp tục chào bán doanh nghiệp khai thác tiền ảo ở Iran của mình. Nhưng ông nói rằng ngày càng ít người Trung Quốc đến Iran để khai thác và những người đã ra đi chắc chắn sẽ không quay trở lại. Ông nói có lẽ mình sẽ là người cuối cùng rời khỏi đây.
Quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Iran khiến giá bitcoin đã tăng vọt, nhưng các công ty khai thác tiền ảo lại phải ra đi. Mọi thứ đang trở nên vô cùng phức tạp. Mất lợi thế về giá điện và môi trường ổn định, chạy trốn khỏi Iran có thể là lối thoát duy nhất của họ.
Giới đào tiền ảo, giờ đây được ví như những người du mục, những thay vì sống bằng "nước và cỏ", họ chỉ cần nguồn điện giá rẻ. Và họ vẫn đang tìm kiếm điểm dừng chân tiếp theo của mình, trên khắp toàn cầu.
Tham khảo iFeng