• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Dấu ấn rõ nét trong định hướng "trục xoay châu Á" của Mỹ

Thế giới 06/10/2021 14:17

(Tổ Quốc) - Theo Thời báo toàn cầu (Asia Times), chính sách châu Á của Mỹ được định hình từ thời cựu Tổng thống Obama nhưng phải đến chính quyền Tổng thống Joe Biden mới làm rõ nét về "trục xoay châu Á" của Mỹ.

Dấu ấn "trục xoay châu Á"

Gần đây, Mỹ đang tăng cường các hoạt động tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Sau liên minh AUKUS với sự góp mặt của Mỹ, Anh và Australia, Washington tiếp tục triệu tập quân lính tham gia diễn tập quân sự ở khu vực. Giới quan sát cho rằng đây là động thái "xoay trục châu Á" mà chính quyền Tổng thống Joe Biden đang thể hiện ngày càng "sắc nét" hơn.

Dấu ấn rõ nét trong định hướng "trục xoay châu Á" của Mỹ - Ảnh 1.

Tàu sân bay USS Carl Vinson. Ảnh: AFP

"Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang thực hiện theo đúng cam kết chính sách trục xoay châu Á", một cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định.

Theo cựu quan chức này, thỏa thuận AUKUS vào ngày 23/9 giữa Australia, Mỹ va Anh là tín hiệu rõ ràng đầu tiên của Washington trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và rời xa mối quan hệ ràng buộc với Trung Đông hay Afghanistan. Liên minh AUKUS và Đối thoại An ninh Tứ giác (QUAD) được xem là nỗ lực của Mỹ nhằm gia tăng ảnh hưởng ở khu vực này.

Các quan chức Mỹ cho rằng chiến lược quốc phòng của Trung Quốc có lợi thế về hạm đội tàu ngầm và khả năng tên lửa đối đất của hải quân. Trong khi đó, Mỹ lại có lợi thế năng lực về tàu sân bay. Mỹ hiện đang sở hữu hai tàu sân bay lớp Nimitz là USS Carl Vinson và USS Ronald Reagan cùng với tàu sân bay trực thăng vũ trang USS America ở Sasebo, Nhật Bản và tàu sân bay thứ ba ở Tây Thái Bình Dương.

Theo Asia Times, chỉ mới tuần trước, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Michael Chase và Huang Xueping – Phó Giám đốc văn phòng hợp tác quân sự Trung Quốc đã kết thúc hai ngày đàm phán, nhấn mạnh sự cần thiết phải mở lại các kênh liên lạc. Đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa hai đại diện phía Mỹ và Trung Quốc kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức vào tháng Một năm nay.

Mặc dù vậy, thông qua thỏa thuận AUKUS, nhiều khả năng Washington sẽ giúp Australia mua tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân để giúp ngăn chặn căng thẳng gia tăng trong khu vực.

Ông Kerry Brown, Giáo sư nghiên cứu Trung Quốc tại King's College, London cho rằng, Trung Quốc hiện là cường quốc đang trỗi dậy với ảnh hưởng gia tăng mạnh trong khu vực. Sự hợp tác giữa Mỹ, Australia và Anh là cơ sở cho các thỏa thuận về tàu ngầm năng lượng hạt nhân, trí tuệ nhân tạo và công nghệ lượng tử, động thái mở đường cho các tiếp cận của Mỹ tới các căn cứ của Australia.

Giới chuyên gia phương Tây cũng tin tưởng rằng thỏa thuận mới sẽ cho phép phát triển công nghệ mã hóa mới và giúp các đối tác phát hiện cũng như ngăn chặn các thách thức ở khu vực trong vấn đề cáp quang dưới biển – một phần liên quan đến mạng liên lạc quân sự và dân sự.

Trong một hội thảo trên website do Cộng đồng Chính sách Đối ngoại Indonesia tổ chức, Tổng Giám đốc Bộ Ngoại giao châu Á và châu Phi - Abdul Kadir Jailani đang kêu gọi xây dựng "cuộc gặp gỡ sâu sắc hơn" giữa liên minh AUKUS và ASEAN trong thời gian tới.

Củng cố chuẩn mực toàn cầu

Ông William Choong – nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) đã mô tả AUKUS là "một dạng phản ứng tự nhiên trước diễn biến hiện tại và nỗ lực khôi phục sự cân bằng quyền lực trong khu vực".

Ông Mukesh Aghi – Chủ tịch Diễn đàn Chiến lược và Đối tác Mỹ Ấn cho rằng, liên minh QUAD sẽ tận dụng tiềm năng kinh tế thương mại đồng thời củng cố chuỗi cung ứng và tăng cường ngoại giao vaccine đối phó với đại dịch cũng như biến đổi khí hậu – thách thức lớn trong thời gian qua.

Tốc độ ảnh hưởng của QUAD là minh chứng cho tầm nhìn và ưu tiên chung của 4 quốc gia thành viên.

"Đặc biệt trong nhóm bộ Tứ, chúng tôi nhìn thấy Ấn Độ và Mỹ được xem như đối tác mạnh mẽ thông qua việc thúc đẩy lợi ích chiến lược nhằm giảm thiểu các mối đe dọa trong khu vực và đảm bảo một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở", ông Aghi nhấn mạnh.

Theo ông Dhruva Jaishankar – Giám đốc điều hành của Quỹ Nghiên cứu ORF, QUAD là liên minh đối tác giữa bốn thành viên có cùng chí hướng và năng lực, định hướng quyền lực khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

"Giờ đây, các thách thức đối mặt dẫn đến các kế hoạch hành động chung giữa các thành viên, bắt đầu từ sản xuất công nghệ, biến đổi khí hậu, an ninh hàng hải, tài trợ cơ sở hạ tầng đến chuỗi cung ứng an toàn và sáng kiến giáo dục", ông Jaishankar nhận định.

"Liên minh AUKUS và bộ Tứ QUAD đang cho thấy mối quan hệ đối tác bền chặt, ứng phó với các thách thức trước mắt. Trong bối cảnh hiện tại, vai trò của các quốc gia cùng chí hướng thúc đẩy nỗ lực củng cố chuẩn mực toàn cầu là rất quan trọng", ông Rick Rossow khẳng định./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ