• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đe dọa đưa lính vào khu vực phi quân sự, Triều Tiên hướng tới mục đích thực sự là gì?

Thế giới 16/06/2020 15:50

(Tổ Quốc) - Quân đội Triều Tiên lên tiếng đe dọa sẽ quay trở lại những khu vực vốn đã được đặt dưới hình thức phi quân sự hóa theo các thỏa thuận ký kết trước đây với Hàn Quốc.

AP đưa tin, hôm thứ 3 (16/6), quân đội Triều Tiên lên tiếng đe dọa sẽ quay trở lại những khu vực vốn đã được đặt dưới hình thức phi quân sự hóa theo các thỏa thuận ký kết giữa hai miền Triều Tiên trước đây. Động thái của Bình Nhưỡng diễn ra trong bối cảnh họ không ngừng gia tăng áp lực lên Hàn Quốc, còn các cuộc đàm phán hạt nhân với chính quyền Tổng thống Donald Trump vẫn chưa thoát khỏi bế tắc.

Bộ Tham mưu Quân đội Triều Tiên cho biết, họ đang xem xét một khuyến nghị từ đảng cầm quyền kêu gọi đưa binh lính vào những khu vực biên giới chưa xác định, đã được phi quân sự hóa theo các hiệp định với Hàn Quốc. Tinh thần chủ đạo được đặt ra là "biến tiền tuyến thành một pháo đài".

Vài ngày trước đó, em gái của Chủ tịch Kim Jong-un là bà Kim Yo-jong tuyên bố, Triều Tiên sẽ phá bỏ một văn phòng liên lạc liên Triều "vô dụng" tại thị trấn biên giới Kaesong (theo thông tin mới nhất đăng tải trên một số tờ báo như SCMP, AP..., văn phòng này đã bị Triều Tiên cho nổ vào gần 3h chiều, giờ địa phương ngày 16/6) . Ngoài ra, bà cũng sẽ để quân đội quyết định các bước trả đũa tiếp theo trước "kẻ thù" Hàn Quốc.

"Quân đội của chúng ta đang theo dõi chặt chẽ tình hình hiện tại khi mối quan hệ (Bắc-Nam) trở nên ngày càng tồi tệ hơn; đồng thời chuẩn bị sẵn sàng để đem tới một sự bảo đảm quân sự cho bất kỳ biện pháp mở rộng nào do đảng và chính phủ tiến hành", Bộ Tham mưu quân đội Triều Tiên nhấn mạnh.

Đe dọa đưa lính vào khu vực phi quân sự, Triều Tiên hướng tới mục đích thực sự là gì? - Ảnh 1.

Binh lính Hàn Quốc tuần tra dọc hàng rào dây thép tại Paju, Hàn Quốc gần biên giới với Triều Tiên (ảnh: Ahn Young-joon)

Hãng thông tấn KCNA đăng tải một thông cáo từ quân đội Triều Tiên tiết lộ, họ đang nghiên cứu "một kế hoạch hành động nhằm triển khai các biện pháp đưa quân đội tiến vào các khu vực đã bị phi quân sự hóa theo thỏa thuận giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, biến tiền tuyến thành một pháo đài và gia tăng cảnh giác trước Hàn Quốc".

Hiện chưa rõ Bình Nhưỡng sẽ thực hiện những hành động quân sự nào đối với Seoul, tuy nhiên Triều Tiên đã đe dọa sẽ từ bỏ hiệp định quân sự song phương ký kết vào năm 2018 với mục đích lúc đó là làm giảm căng thẳng dọc biên giới hai nước.

Theo hiệp định năm 2018, hai miền Triều Tiên cam kết cùng triển khai các bước nhằm giảm các nguy cơ quân sự thông thường, như thiết lập vùng đệm biên giới trên mặt đất, biển và khu vực cấm bay. Hai nước cũng đồng ý dỡ bỏ các điểm canh gác tiền tuyến như một động thái mang tính biểu tượng tích cực. Tuyên bố của Triều Tiên có thể mang ý nghĩa rằng, họ sẽ không còn tôn trọng các vùng đệm nữa cũng như dựng lại các trạm gác.

Giới chức quân đội Triều Tiên còn đề cập tới dự kiến mở một số khu vực gần biên giới mặt đất và vùng lãnh hải tây nam, từ đó Triều Tiên có thể gửi các tờ rơi tuyên truyền chống Hàn Quốc tới chính Hàn Quốc. Đây cũng là một động thái đáp trả việc những người Triều Tiên trốn sang Hàn Quốc và những nhà hoạt động vẫn phân phát tờ rơi chống Bình Nhưỡng dọc theo biên giới giữa hai nước.

Nhà phân tích Kim Dong-yub từ Viện Nghiên cứu Viễn Đông tại Seoul nhận định, đe dọa từ Bình Nhưỡng có thể khiến Seoul "đau đầu" nếu các tàu chiến của Triều Tiên hộ tống các tàu dân sự khi đi qua hoặc tiếp cận với phần biên giới hàng hải phía tây đang tranh chấp.

Các vùng lãnh hải này từng là nơi diễn ra một số các cuộc đụng độ gây đổ máu như cuộc tấn công năm 2010 vào tàu hải quân Hàn Quốc Cheonan khiến 46 thủy thủ thiệt mạng. Triều Tiên không công nhận ranh giới hàng hải phía tây do Liên Hợp Quốc thiết lập sau khi Chiến tranh Triều Tiên 1950-53 kết thúc, đồng thời phủ nhận trách nhiệm tới vụ tàu Hàn Quốc bị chìm.


Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Choi Hyun-soo nói, Hàn Quốc và Mỹ đang theo dõi chặt chẽ các động thái của quân đội Triều Tiên. Ngoài ra, hiệp định quân sự liên Triều cần được các bên tuân thủ.

Sau khi được công bố là quan chức hàng đầu về các vấn đề liên Triều của Bình Nhưỡng, trong những tuần gần đây bà Kim Yo-jong liên tục công kích Seoul vì mối quan hệ song phương xuống dốc cũng như hoạt động thả tờ rơi tuyên truyền qua biên giới.

Triều Tiên hiện đã hủy bỏ hầu hết các quan hệ hợp tác với Hàn Quốc trong khi bày tỏ thái độ tức giận trước tình trạng bế tắc trong đàm phán hạt nhân với Washington. Mỹ từ chối yêu cầu của Bình Nhưỡng là gỡ một số lệnh trừng phạt chủ chốt để đổi lấy Triều Tiên chấm dứt một phần các hoạt động phát triển hạt nhân của mình. Triều Tiên cũng đe dọa từ bỏ các thỏa thuận hòa bình song phương đã đạt được trong 3 hội nghị thượng đỉnh giữa Chủ tịch Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào năm 2018. Bình Nhưỡng tỏ ra đặc biệt không hài lòng trước việc Hàn Quốc không phản đối các lệnh trừng phạt quốc tế do Mỹ dẫn đầu lên Triều Tiên cũng như do dự chưa tái khởi động hợp tác quốc tế liên Triều.

Hôm thứ 2 (22/6), Tổng thống Moon kêu gọi Triều Tiên ngừng gia tăng thù địch và quay trở lại đàm phán.

Theo một số chuyên gia, Triều Tiên đang cố tình chĩa mũi dùi về phía Hàn Quốc để củng cố tinh thần người dân, đồng thời chuyển hướng sự chú ý của dư luận ra khỏi những khó khăn của nền kinh tế. Mặc dù Chủ tịch Kim Jong-un từng tuyên bố đạt được một "thành tựu trước mắt" chống lại các lệnh trừng phạt; tuy nhiên, giới phân tích nhận định, gần như chắc chắn cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19 đã để lại nhiều ảnh hưởng lên các mục tiêu kinh tế của Triều Tiên.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ