• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Diễn biến mới nhất về quan hệ Hàn Quốc và Triều Tiên

Thế giới 31/05/2022 20:12

(Tổ Quốc) - Vào đầu tháng này, trả lời trong cuộc phỏng vấn quốc tế đầu tiên, tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã nhấn mạnh đến lập trường cứng rắn của Hàn Quốc với Triều Tiên.

Lập trường cứng rắn của tân Tổng thống Hàn Quốc

Theo trang SCMP, một số nhà quan sát vẫn nhìn nhận chính sách cứng rắn của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol có thể khiến tình hình trên bán đảo Triều Tiên rơi vào bế tắc.

Diễn biến mới nhất về quan hệ Hàn Quốc và Triều Tiên   - Ảnh 1.

Tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol. Ảnh: Reuters

Tuần trước, hãng CNN đã có bài viết trích dẫn lời tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol khẳng định thời điểm mềm mỏng với Triều Tiên đã kết thúc và bất kỳ đối thoại nào diễn ra trong thời gian tới đều phải xuất phát từ thiện chí của Bình Nhưỡng.

Một số nhà phân tích cảnh báo diễn biến này có thể gây ra tình trạng leo thang mới trên bán đảo Triều Tiên.

"Tôi cho rằng từ đây, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un phải tự đưa ra lựa chọn bày tỏ thiện chí đối thoại với chúng tôi thay vì ngỏ ý trước từ phía Hàn Quốc", ông Yoon nói.

Giáo sư khoa học chính trị Andrei Lankov thuộc Đại học Kookmin nhận định các chính phủ tiền nhiệm trước đây của Hàn Quốc cũng từng đưa ra yêu cầu tương tự, cho rằng Triều Tiên nên từ bỏ chương trình hạt nhân trước khi mong muốn nhận được sự đáp lại "hoan hỉ" từ quốc tế.

"Tất nhiên, Triều Tiên không muốn họ có động thái trước và cũng không từ bỏ vũ khí hạt nhân. Vì vậy chính sách cứng rắn với Bình Nhưỡng có thể tiếp tục rơi vào bế tắc", ông nói.

Trong 5 năm nhiệm kỳ, cựu Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in từng bày tỏ lập trường mềm mỏng với Bình Nhưỡng, thể hiện thái độ sẵn sàng đàm phán nhưng chưa hề có kết quả. Ông Moon đã gặp Nhà lãnh đạo Kim Jong-un 3 lần vào năm 2018 và là cầu nối cho thượng định Mỹ-Triều trước khi tiến tới đối thoại phi hạt nhân nhưng không có kết quả.

Triều Tiên đã phóng 3 tên lửa đạn đạo vào tuần trước, trong đó được cho là có tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), đánh dấu vụ phóng tên lửa thứ 17 trong năm nay. Bên cạnh đó, Triều Tiên cũng được cho là đang chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân mới. Nếu được tiến hành, đây là vụ thử đầu tiên kể từ tháng 9/2017 và lần thử tên lửa hạt nhân thứ 7 về tổng thể.

Căng thẳng liên Triều gia tăng?

Ông Leif-Eric Easley, Giáo sư Đại học Ewha, Seoul cho rằng Bình Nhưỡng đang đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội bất chấp các thách thức của đại dịch và khả năng bị chia rẽ giữa các cường quốc do cạnh tranh thương mại Mỹ-Trung và khủng hoảng Ukraine.

Bài học mới nhất từ căng thẳng Ukraine là thúc đẩy ngoại giao trên bán đảo Triều Tiên nhưng chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-un vẫn "thờ ơ" với các cuộc đàm phán, ông Easley nói.

Tuy nhiên, một số ý kiến khác cũng bày tỏ ủng hộ lập trường chính quyền Tổng thống Yoon, kêu gọi Hàn Quốc tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD, thậm chí là theo đuổi chia sẻ hạt nhân trong liên minh đồng thời triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ.

Quyết định của Hàn Quốc về việc triển khai hệ thống phòng thủ chống tên lửa cực kỳ tinh vi của Mỹ trong năm 2017 cũng xuất phát từ lý do này.

"Bắc Kinh có thể sẽ chỉ trích chính sách ngoại giao cứng rắn của chính quyền Tổng thống Yoon. Gần đây, Trung Quốc và Triều Tiên cũng gia tăng quan hệ hợp tác kinh tế. Căng thẳng leo thang có thể sẽ khiến Bình Nhưỡng chuẩn bị có vụ thử hạt nhân khác", ông Easley nhận định.

Trong thượng đỉnh đầu tiên diễn ra vào đầu tháng này, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bắt đầu các thảo luận về mở rộng phạm vi cũng như quy mô các cuộc tập trận, huấn luyện quân sự kết hợp trên và xung quanh bán đảo Triều Tiên. Do đại dịch Covid-19 trong suốt hai năm qua, các cuộc diễn tập đã thu nhỏ lại.

Các cuộc tập trận chung giữa Hàn Quốc và Mỹ đã lên kế hoạch vào tháng Tám tới. Triều Tiên đã lên án các cuộc tập trận như vậy trong suốt thời gian dài.

Ông Choi Kang, nhà nghiên cứu Viện nghiên cứu chính sách Asan cho biết Tổng thống Yoon đang nỗ lực điều chỉnh chính sách với Triều Tiên, có thể sẽ tìm cách gây sức ép thông qua các lệnh trừng phạt và củng cố quan hệ đồng minh với Mỹ trước các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa ngày càng gia tăng ở Bình Nhưỡng sau các nỗ lực không thành từ lập trường mềm mỏng của cựu Tổng thống Moon.

Tuy nhiên, cựu Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Jeong Se-hyun cho rằng các chiến thuật gây áp lực sẽ không bao giờ hiệu quả với Triều Tiên đồng thời khuyến nghị các biện pháp khuyến khích từ chương trình lương thực nhằm đưa nước này trở lại đối thoại.

"Kể từ khi khủng hoảng hạt nhân vào nằm 1993, các chính sách với Bình Nhưỡng luôn xen kẽ chiến lược "cây gậy và củ cà rốt". Tuy nhiên, tất cả biện pháp vẫn khiến Triều Tiên tiếp tục mở rộng năng lực hạt nhân", ông Jeong nói.

"Trở lại đối thoại là lựa chọn tốt nhất. Nếu không, chúng ta có thể phải chứng kiến căng thẳng leo thang trong thời gian tới", ông Jeong nhấn mạnh. "Bình Nhưỡng có xu hướng thúc đẩy những gì cần thiết nhất vì lợi ích của chính họ".

Tương tự, Giáo sư Khoa học chính trị Yang Moo-jin thuộc Đại học Nghiên cứu Triều Tiên cũng cho rằng khi Bình Nhưỡng tiến hành các vụ thử hạt nhân tiềm năng thì bán đảo Triều Tiên sẽ là tiền tuyến với "cuộc đối đầu Chiến tranh Lạnh mới" liên quan đến các cường quốc thế giới với liên Triều.

Liên quan đến động thái mới của Mỹ và Hàn Quốc với Bình Nhưỡng, ông Kim Yeon-chul, cựu Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc nhấn mạnh thượng đỉnh giữa Tổng thống Yoon và Tổng thống Mỹ Biden mới chỉ nhắc đến sự răn đe quân sự nhưng vẫn giữ im lặng trong đối thoại với Triều Tiên.

"Căng thăng liên Triều có khả năng tiếp tục leo thang trong thời gian tới", ông Kim nói./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ