• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Diễn biến mới nhất về tình hình chống dịch bệnh Covid-19 ở Triều Tiên

Thế giới 27/05/2022 19:17

(Tổ Quốc) - Theo thông tin từ phía Triều Tiên, kết quả chống Covid-19 của nước này rất ấn tượng. Thống kê nước này ghi nhận khoảng 3,3 triệu người bị sốt nhưng chỉ 69 người tử vong.

Theo truyền thông Triều Tiên, tỷ lệ tử vong chỉ đạt 0,002%. Giới chuyên gia cho rằng, đây là tín hiệu mà không quốc gia nào, kể cả nước giàu nhất thế giới cũng khó có trong cuộc chiến dịch bệnh.

Diễn biến mới nhất về tình hình chống dịch bệnh Covid-19 ở Triều Tiên - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn:AP

Thông báo của Triều Tiên đưa ra sau khi nước này thừa nhận đang trong đợt bùng phát dịch bệnh. Các chuyên gia cho rằng Bình Nhưỡng có thể phải trải qua giai đoạn khó khăn vì Covid-19 bởi kinh tế cũng như hệ thống y tế nước này không đảm bảo. Rất ít người dân Triều Tiên đã tiêm vaccine, tỷ lệ cao người dân bị suy dinh dưỡng và thiếu cơ sở chăm sóc y tế quan trọng.

Một số nhà quan sát cho rằng có thể số ca tử vong do Covid của Triều Tiên đang được báo cáo thấp hơn con số chính thức.

"Xét về khía cạnh khoa học, thống kê của Triều Tiên chưa thể khẳng định chắc chắn", ông Lee Yon Han, Giáo sư Đại học Ajou của Hàn Quốc cho biết.

Trước đó, vào tháng 6 năm ngoái, Triều Tiên từng tuyên bố là chiến thắng Covid-19 trong cuộc họp Bộ Chính trị, đồng thời nhấn mạnh sự tín nhiệm với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Giới quan sát khẳng định dịch bệnh hiện tại đang ảnh hưởng lớn đến Triều Tiên trong bối cảnh kinh tế suy yếu nghiêm trọng do đóng cửa biên giới suốt thời gian dịch bệnh. Bình Nhưỡng cũng chịu trừng phạt của Liên hợp quốc .

"Trong thời gian qua, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un luôn đi đầu trong cuộc chiến chống dịch bệnh. Cuộc chiến chống Covid của ông được đánh giá là thành công và tăng cường củng cố quyền lực của nhà lãnh đạo Triều Tiên", ông Choi Kang, Chủ tịch Viện Nghiên cứu chính sách Asan của Seoul cho biết.

Triều Tiên ngày 12/5 đã thừa nhận đợt bùng phát dịch bệnh do biến thế Omicron. Ông Kim khẳng định đợt bùng phát này là một biến động lớn và khẳng định quyết tâm sẽ ngăn chặn dịch bệnh. Trước đó, Bình Nhưỡng khẳng định không có ca mắc nào trong nước suốt hai năm dịch bệnh.

Ban đầu, các chuyên gia dự báo việc Triều Tiên lên tiếng về số ca mắc và tử vong là động thái kêu gọi hỗ trợ nhân đạo từ quốc tế. Một số ý kiến còn cho rằng viện trợ khả thi của Seoul và Washington có thể giúp nối lại chính sách ngoại giao bị đình trệ lâu nay liên quan đến chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Nhà lãnh đạo Kim cũng tổ chức một số cuộc họp của Bộ Chính trị nhằm tìm cách ứng phó với dịch bệnh.

Số ca mắc giảm đáng kể

Theo truyền thông Triều Tiên, số ca mắc Covid hàng ngày của Triều Tiên đạt đỉnh khoảng 400.000 vào đầu tuần trước nhưng đã giảm xuống còn khoảng 100.000 ca trong vài ngày qua. Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA ngày 24/5 cũng thông báo Covid-19 có xu hướng giảm ổn định, số bệnh nhân có triệu chứng ghi nhận dưới 200.000 trong ngày thứ ba liên tiếp. Đến ngày 27/5, Bình Nhưỡng vừa ghi nhận thêm một ca tử vong sau khi thông báo không ca tử vong nào trong ba ngày trước đó.

"Triều Tiên đã đạt được thành tích kỷ lục trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 chỉ trong thời gian ngắn. Điều này rõ ràng đã chứng minh tính chất khoa học trong nỗ lực chống dịch khẩn cấp của đất nước chúng tôi", tờ Rodong Sinmun của Triều Tiên ghi nhận vào ngày 26/5.

Các chuyên gia y tế bày tỏ nghi ngờ về tính hợp lệ trong thống kê tỷ lệ tử vong của Triều Tiên chỉ ở mức 0.002%. Ông Shin Young-jeon, Giáo sư về y tế phòng ngừa dịch bệnh tại Đại học Hanyang nhận định tỷ lệ tử vong của Triều Tiên có thể cao hơn vì năng lực điều trị bệnh của nước này thấp.

Một nghiên cứu vào năm ngoái thuộc Đại học Johns Hopkins ghi nhận, Triều Tiên xếp hạng 193 trong số 195 quốc gia về khả năng đối phó với dịch bệnh. Các báo cáo của Liên hợp quốc trong những năm gần đây lên tiếng khoảng 40% người dân Triều Tiên rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng. Hệ thống chăm sóc y tế công cộng của nước này cũng không đảm bảo trong nhiều thập kỷ.

Ông Moon Jin Soo, Giám đốc Viện Nghiên cứu sức khỏe và Thống nhất thuộc Đại học Quốc gia Seoul nhận định đợt bùng phát ở Triều Tiên có thể phải kéo dài vài tháng. Vì vậy, giải pháp tốt nhất là các chương trình hỗ trợ quốc tế cần khẩn cấp cung cấp thuốc kháng virus hoặc các thiết bị thiết yếu khác kịp thời lúc này.

"Triều Tiên có thể mất thêm vài tháng nữa để kiểm tra số liệu thống kê chính xác nhưng lại đột ngột công bố chiến thắng dịch bệnh vào cuối tuần này. Rất khó để có thể đoán được diễn biến dịch bệnh của Bình Nhưỡng hiện tại", ông Ahn Kyung-su, Người đứng đầu trang web DPRKHEALTH.ORG cho biết

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ