(Tổ Quốc) - Hàn Quốc ngày 13/9 đã có phản ứng mạnh mẽ trước tuyên bố của Triều Tiên về việc sử dụng vũ khí hạt nhân trước đó.
Theo hãng AP, Hàn Quốc cảnh báo việc Triều Tiên sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ đưa nước này vào "con đường tự hủy diệt". Phản ứng của Hàn Quốc được đưa ra sau khi Triều Tiên ban hành luật mới cho phép nước này sử dụng vũ khí hạt nhân.
Triều Tiên có lẽ sẽ có phản ứng mạnh mẽ trước tuyên bố lần này của Hàn Quốc bởi trước đây Seoul thường tránh bày tỏ lập trường cứng rắn như vậy trong nỗ lực giảm căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên. Cùng với học thuyết hạt nhân ngày càng mạnh mẽ từ phía Triều Tiên, một số chuyên gia đã cho rằng những diễn biến gần đây đang làm gia tăng căng thẳng tình hình bán đảo Triều Tiên.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết đạo luật mới của Triều Tiên chỉ đẩy Bình Nhưỡng rơi vào thế cô lập và thúc đẩy Seoul cũng như Washington tăng cường hơn nữa năng lực răn đe và phản ứng mạnh từ phía hai nước.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 8/9 cho biết, Hội đồng Nhân dân Tối cao Triều Tiên đã ban hành luật về các chính sách liên quan tới lực lượng hạt nhân. Văn kiện quy định nhiệm vụ của các lực lượng hạt nhân Triều Tiên, cũng như các nguyên tắc, điều kiện sử dụng vũ khí hạt nhân của nước này. Theo văn kiện này, việc đưa ra chính sách về các lực lượng hạt nhân và quy định pháp lý về sử dụng vũ khí hạt nhân là nhằm giảm tối đa nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân. Thông qua đạo luật này, Triều Tiên sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân để đối phó với bất kỳ cuộc tấn công nào sắp xảy ra và cũng là nhằm mục tiêu ngăn chặn cuộc khủng hoảng thảm khốc "không xác định" nhắm vào dân thường nước này.
Để ngăn chặn Triều Tiên sử dụng vũ khí hạt nhân, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết nước này sẽ tăng cường mạnh mẽ kế hoạch tấn công phủ đầu, phòng thủ tên lửa và khả năng đáp trả mạnh của đất nước trong bối cảnh tiếp tục tìm kiếm cam kết an ninh Mỹ để bảo vệ đồng minh dựa trên tất cả các phương tiện sẵn có, bao gồm cả phương tiện hạt nhân.
"Chúng tôi cảnh báo rằng chính phủ Triều Tiên phải đối mặt với phản ứng mạnh mẽ của liên minh quân sự giữa Mỹ và Hàn Quốc nếu họ vẫn tăng cường sử dụng vũ khí hạt nhân", ông Moon Hong Sik, phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết.
Về phía Mỹ, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết Mỹ hoàn toàn cam kết bảo vệ Hàn Quốc, sử dụng đầy đủ các khả năng phòng thủ. Bà Karine Jean-Pierre khẳng định Mỹ không có ý định thù địch với Triều Tiên và vẫn tập trung theo đuổi hợp tác chặt chẽ với các đồng minh nhằm thúc đẩy mục tiêu chung là phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.
Leo thang căng thẳng bán đảo Triều Tiên
Theo AP, động thái này làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu trong bối cảnh các cuộc đàm phán ngoại giao giữa Bình Nhưỡng với Hàn Quốc và Washington đã bị trì hoãn từ lâu. Một số chuyên gia cũng cho rằng động thái của Triều Tiên nhằm tăng cường năng lực kiểm soát của nhà lãnh đạo Kim Jong-un trước những khó khăn do đại dịch và việc đóng cửa biên giới.
Trong suốt cuộc họp, nhà lãnh đạo Kim Jong-un khẳng định Triều Tiên sẽ không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân và đây là công cụ để đối phó với các thách thức từ Mỹ. Ông Kim cáo buộc Mỹ đang thúc đẩy làm suy yếu khả năng phòng thủ của Triều Tiên và muốn làm sụp đổ chính quyền Triều Tiên. Đầu năm nay, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cho biết vũ khí hạt nhân của Triều Tiên sẽ không bao giờ bị giới hạn trong nhiệm vụ duy nhất là răn đe chiến tranh và có thể được sử dụng nếu lợi ích quốc gia của Triều Tiên bị đe dọa. Bình Nhưỡng sau đó đã thông qua kế hoạch giao nhiệm vụ mới cho quân đội tuyến đầu, làm dấy lên các đồn đoán rằng đây là một bước tiến nhằm triển khai vũ khí hạt nhân trên thực địa dọc biên giới của Triều Tiên và Hàn Quốc.
Cũng trong năm nay, ông Kim đã tăng cường các cuộc thử nghiệm vũ khí với tốc độ kỷ lục bằng việc phóng thử hàng loạt tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân nhằm vào hướng lãnh thổ Mỹ và Hàn Quốc. Trong nhiều tháng, Mỹ và Hàn Quốc cho biết Bình Nhưỡng có thể sắp thực hiện vụ thử hạt nhân đầu tiên sau 5 năm.
Kể từ khi lên nắm quyền vào tháng Năm, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã tuyên bố sẽ có lập trường cứng rắn hơn với Triều Tiên nhưng cũng đưa ra các kế hoạch hỗ trợ lớn nếu Triều Tiên phi hạt nhân hóa. Bình Nhưỡng vẫn từ chối lời đề nghị giải trừ quân bị và đề nghị của Hàn Quốc.
Lần này, các chuyên gia cho rằng việc Seoul sử dụng những từ như "tự hủy hoại" là điều bất thường nhưng đây không phải là lần đầu tiên. Các lãnh đạo tiền nhiệm của Hàn Quốc cũng từng đưa ra các tuyên bố mạnh mẽ đối với các vụ thử tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng trước đây.
Trước đó, cựu Tổng thống Moon Jae-in mong muốn thực hiện các hình thức giải quyết ôn hòa giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. Ông Moon được cho là người đã tạo cơ hội cho ngoại giao hạt nhân giữa Bình Nhưỡng và Washington, mặc dù chưa đạt được kết quả thuyết phục./.