• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đối sách Trung Đông của Mỹ áp đảo mục tiêu khu vực của Iran

Thế giới 15/09/2020 16:54

(Tổ Quốc) - Theo tờ National Interest, Iraq từ lâu đã luôn nỗ lực hết mình tìm ra cơ hội tách ra khỏi các ảnh hưởng của Iran nhưng chỉ có thể làm được dưới thời Thủ tướng Mustafa al-Khadimi lên nắm chính quyền.

Trong thời gian dài, chiến dịch gây sức ép tối đa của Bộ Ngoại giao Mỹ đối phó với các ảnh hưởng của Iran là tín hiệu cho thấy sự rạn nứt nghiêm trọng giữa chính quyền Tổng thống Trump và ba quốc gia bao gồm Anh, Pháp và Đức. Châu Âu không chỉ liên tục từ chối tham gia chiến dịch trừng phạt kinh tế mạnh mẽ lên Iran mà còn bác bỏ nỗ lực của Mỹ trong việc gia hạn lệnh cấm vũ khí của Ngoại trưởng Mike Pompeo đối với Iran.

Đối sách Trung Đông của Mỹ áp đảo mục tiêu khu vực của Iran - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters

Iran nhiều lần bị cáo buộc liên quan đến chủ nghĩa khủng bố. Nước này cũng liên tục gia tăng ảnh hưởng của mình thông qua việc hỗ trợ các quốc gia như Lebanon, Syria và Yemen. Các biện pháp trừng phạt kinh tế đã ảnh hưởng đáng kể đến Tehran nhưng quốc gia này nhiều lần đã chứng minh họ vẫn có thể đứng vững.

Theo tờ National Interest, các trừng phạt của Mỹ đối với Iran đã liên tục bị kích hoạt trong suốt 40 năm qua. Tehran dường như đã vượt qua các khó khăn này để chứng minh sự kiên cường của một quốc gia Hồi giáo. Giới quan sát nhận định rằng, chiến lược đối phó với Iran đòi hỏi cách tiếp cận toàn diện và hoàn chỉnh hơn khiến Tehran không thể lường trước được các thách thức.

Bước ngoặt lịch sử trong đối sách Trung Đông của Mỹ

Đối mặt với tất cả điều này, Tổng thống Trump có lẽ đã làm nên lịch sử. Chính quyền Mỹ đã tạo bước ngoặt quan trọng đánh dấu bình thường hóa quan hệ giữa Israel với hai quốc gia lớn của Ả rập là Các Tiều vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) và Vương quốc Bahrain. Nỗ lực bình thường hóa quan hệ diễn ra nhanh chóng giữa các quốc gia Ả rập và Israel được cho là bước khởi đầu cho chiến lược khu vực gây áp lực tối đa lên Iran. Quan trọng hơn, giới quan sát gọi đây là kiểu phát động chiến lược khiến giới lãnh đạo Iran không thể lường trước được trong thời gian tới.

Với sự ủng hộ hoàn toàn của Tổng thống Trump, Cố vấn cấp cao Nhà Trắng Jared Kushner và nhóm cấp cao đã xây dựng kế hoạch lớn cho hòa bình Trung Đông. Thay vì cố gắng thuyết phục các đối tác xuyên Đại Tây Dương áp đặt thêm các trừng phạt đối với Tehran thì ông Kushner lại theo đuổi chiến lược ngoại giao khác trong khu vực kể từ năm 2017. Sức mạnh thực sự của chiến lược này là sự thống nhất giữa người Ả rập và Israel trong cùng một thỏa thuận công nhận chung.

Việc bình thường hóa quan hệ với Israel đánh dấu chiến lược quan trọng. Ai Cập, Jordan và Bahrain đều là những đối thủ quyền lực ở Trung Đông. Các nghi ngờ cho rằng Bahrain sẽ tiến tới bình thường hóa quan hệ mà không có sự chấp thuận ngầm từ Saudi Arabia. Nhìn chung, các quốc gia này có đủ ảnh hưởng để mở ra kỷ nguyên xác định sự thống nhất của các nước Ả rập và tạo ra rào cản tham vọng của Iran trong khu vực. Nỗ lực hướng tới sự thống nhất của các nước Ả rập sẽ giảm đi ảnh hưởng của Iran trong khu vực.

Bắt đầu với Israel và UAE, Hiệp định Abraham thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Israel và các quốc gia Ả rập đồng thời giảm đi các hạn chế đối với việc di chuyển của người dân và thương mại trong toàn khu vực. Khi người Do Thái và Ả rập nhìn thấy các đóng góp sâu sắc và rõ ràng hơn vì thịnh vượng, hòa bình và cơ hội chung thì Iran khó có thể chia rẽ và gia tăng ảnh hưởng khắp Trung Đông.

Thêm vào đó, Iraq cũng là một phần trong chiến lược Trung Đông của chính quyền Tổng thống Trump. Kể từ khi Mỹ xâm lược Iraq vào năm 2003, Baghdad đã có quan hệ căng thẳng với các quốc gia láng giềng Ả rập, đáng chú ý nhất là giữa các quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh. Iran đã giành được sự tin tưởng của các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự Baghdad. Ảnh hưởng của Tehran ở Baghdad là vấn đề lo lắng đối với các nước láng giềng Ả rập của Iraq.

Iraq trong thời gian dài chật vật tìm kiếm cơ hội đi ra khỏi các ảnh hưởng của Iran cho đến khi Thủ tướng Mustafa al-Khadimi lên nắm chính quyền. Vào thời điểm này, ông Mustafa al-Khadimi đã thúc đẩy hợp tác gần gũi hơn với Mỹ trong các vấn đề chính sách đối ngoại, đặc biệt là về Iran.

Là một phần của Đối thoại chiến lược giữa Mỹ và Iraq vào ngày 19/8/2020, Mỹ đã nhắc lại sự ủng họ đối với cuộc cải cách kinh tế của Iraq, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng. Các kế hoạch đề cập đến việc gia tăng sản xuất điện và khí đốt của Iraq nhưng quan trọng hơn là thỏa thuận năng lượng với Mỹ bao gồm General Electric, Honeywell UOP, and Stellar Energy. Iraq cũng đã ký kết Biên bản ghi nhớ với Chevron và Baker Hughes, bao gồm quan hệ đối tác năng lượng giữa Mỹ và Iraq.

Các thỏa thuận với trị giá ít nhất 8 tỷ đôla sẽ giúp Iraq thoát khỏi phụ thuộc vào năng lượng của Iran. Tổng thống Trump đã nhắc lại mối quan hệ đối tác này trong cuộc gặp với Thủ tướng Iraq - ông Al-Khadimi tại Nhà Trắng vào ngày 20/8, đồng thời thừa nhận mối đe dọa về ảnh hưởng của Iran.

Việc thúc đẩy hợp tác kinh tế với Iraq trong khu vực là cách tiếp cận toàn diện làm giảm đi các ảnh hưởng Iran đối với nước này. Nếu Iraq không còn phụ thuộc vào thương mại và năng lượng của Iran thì Tehran buộc phải rời Baghdad.

Iraq, UAE và Bahrain đã thiết lập quan hệ đối tác kinh tế độc lập tại Trung Đông. Tập trung vào định hướng quan hệ đối tác bằng cách bỏ qua các khác biệt, thu hẹp khoảng cách và tìm đến sự ổn định chung sẽ đóng vai trò quan trọng cho ba nước và tạo nên rào cản cho ảnh hưởng của Iran tại Trung Đông.

Chính sách ngoại giao khéo léo của Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ - ông Jared Kushner và các quan chức khác trong chính quyền Mỹ đang góp phần mang lại sự thống nhất cho các quốc gia Ả rập và làm giảm đi ảnh hưởng của Iran trong khu vực. Việc tìm ra điểm chung đã mang lại sự thống nhất giữa các đối tác Ả rập. Bình thường hóa quan hệ với Israel cho thấy tín hiệu hòa bình Trung Đông có thể đạt được mà không phải từ bỏ các nguyên tắc của Ả rập.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ