(Tổ Quốc) - Thời báo châu Á (Asia Times) đưa ra các đánh giá khách quan về sáng kiến cơ sở hạ tầng của Mỹ, mang tên "Blue Dot Network" (Mạng lưới Điểm xanh).
Mỹ "hồi sinh" sáng kiến "Mạng lưới các điểm xanh"
Theo Asia Times, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi hợp tác với đồng minh và đối tác nhằm gia tăng ảnh hưởng toàn cầu thông qua sáng kiến "Mạng lưới Điểm xanh".
Tổng thống Biden đang mong muốn tiếp tục duy trì sáng kiến "Mạng lưới Điểm xanh", trong đó thúc đẩy hợp tác giữa Australia và các đồng minh khác.
"Mạng lưới Điểm xanh" là sáng kiến phát triển cơ sở hạ tầng của Mỹ - Australia – Nhật Bản do chính quyền cựu Tổng thống Trump phát động tại Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ - Thái Bình Dương vào năm 2019. Sáng kiến này nhằm thúc đẩy cạnh tranh với mô hình sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc.
"Mạng lưới Điểm xanh sẽ tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng bền vững, minh bạch và định hướng theo thị trường", Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định.
Theo đó các nước sẽ đề ra các tiêu chí, tiêu chuẩn tham gia các dự án cơ sở hạ tầng chất lượng cao. Kể từ khi vào Nhà Trắng, chính quyền Tổng thống Biden đã liên tục khởi động các chương trình phát triển chuỗi cung ứng do Đại diện Thượng mại Mỹ dẫn đầu.
Bộ Thương mại Mỹ đã tiến hành cuộc điều tra về tác động an ninh quốc gia trong bối cảnh Mỹ phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu đất hiếm của Trung Quốc, đặc biệt là loại nam châm neodymium. Trước động thái của Washington, Bắc Kinh cũng đã áp dụng trừng phạt đối với phương Tây. Động thái "có đi có lại" này đã khiến cho thương mại ngày càng mở rộng và tồn tại các căng thẳng giữa hai bên.
Trong bài phát biểu tại liên bang vào tháng Tư, Tổng thống Biden đã lên tiếng về cuộc chạy đua công nghệ và kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc trong thế kỷ 21.
"Trung Quốc và các nước khác đang có tốc độ phát triển rất nhanh. Chúng ta phải phát triển và dẫn đầu công nghệ trong tương lai", Tổng thống Biden nhấn mạnh.
Ông Biden cũng cảnh báo Trung Quốc đang trở thành một quốc gia có ảnh hưởng lớn trong nhiều lĩnh vực trên thế giới.
Cạnh tranh Mỹ-Trung
Thượng viện Mỹ ngày 8/6 đã thông qua chính sách công nghiệp lớn nhằm tăng cường đầu tư vào lĩnh vực công nghệ của đất nước.
Trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ vào đầu năm nay, nhà đồng sáng lập Google và là cựu Giám đốc điều hành Eric Schmidt đã nhắc đế sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc về công nghệ thế hệ mới, kêu gọi Mỹ tăng cường xúc tiến đầu tư trong các lĩnh vực quan trọng như trí tuệ nhân tạo (AI).
"Mỹ có thể đi trước Trung Quốc một hoặc hai năm nhưng không thể là 5 hay 10 năm. Và Trung Quốc hiện tại đang phát triển rất mạnh trong nhiều lĩnh vực, chẳng hạn như công nghệ nhận dạng khuôn mặt. Đây là một thách thức rất lớn", ông Schmidt nói trong phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện hồi tháng Hai.
Trong khi đó, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai cũng cho rằng "hành vi thương mại không công bằng" của Trung Quốc đã làm "xói mòn chuỗi cung ứng quan trọng" và khuyến nghị "tăng cường các biện pháp trừng phạt phù hợp".
"Chuỗi cung ứng của chúng ta [Mỹ] không thể để các quốc gia cạnh tranh thao túng", Giám đốc cấp cao về chính sách thương mại tại Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ - Peter Harrell nhấn mạnh.
Trong tuần này, Nhà Trắng cũng đã công bố kế hoạch nhằm củng cố an ninh chuỗi cung ứng quan trọng của Mỹ – sản phẩm là sự hợp tác liên ngành giữa quốc phòng, thương mại, năng lượng, y tế và dịch vụ an sinh.
Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan khẳng định đây là nỗ lực quan trọng nhằm giảm đi sự phụ thuộc của Mỹ vào hàng nhập khẩu nước ngoài, đặc biệt là các sản phẩm quan trọng như chất bán dẫn, đất hiếm và dược phẩm.
"Chúng tôi mong muốn Mỹ sẽ tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng sản xuất và đổi mới của quốc gia", ông Sameera Fazili, Phó Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia cho biết.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross mô tả sáng kiến này là cách tiếp cận đa phương, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững thông qua phát triển cơ sở hạ tầng.
Mục tiêu sáng kiến đa phương của Mỹ không phải để thích nghi với các dự án hạ tầng khổng lồ của Trung Quốc, thay vào đó, Washington tập trung vào củng cố sáng kiến minh bạch theo tiêu chuẩn toàn cầu nhằm duy trì môi trường bền vững.
Trong bài phát biểu tại Đối thoại Raisina ở Ấn Độ vào năm ngoái, cựu Phó Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Matthew Pottinger đã thúc đẩy sáng kiến "Mạng lưới Điểm xanh" với mục tiêu "thay đổi cuộc chơi" trong bối cảnh phát triển cơ sở hạ tầng toàn cầu.
"Mạng lưới Điểm xanh" không chỉ huy động vốn và chuyên môn mà còn đóng vai trò là cơ chế toàn cầu ưu việt để tăng cường các dự án lớn.