(Tổ Quốc) - Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gia tăng ảnh hưởng tại Syria nhằm thúc đẩy uy tín của Nga và củng cố vị trí của Moscow tại khu vực này.
Kế hoạch dài hơi tại Syria
Nga sẽ sử dụng Syria giống như một khu vực huấn luyện quân đội trên thực địa trong nhiều năm. Giới quan sát cho rằng, động thái này cũng nhằm củng cố quyền lực ảnh hưởng toàn cầu của Tổng thống Vladimir Putin.
Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Syria Assad. Ảnh:AP
"Lý do chính trị của Nga liên quan đến Syria nhằm tạo nên ảnh hưởng toàn cầu. Moscow đang là trung tâm của các mâu thuẫn địa chính trị giữa các siêu cường hiện tại", nhóm nghiên cứu thuộc Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh(Rusi) cho biết.
Tổng thống Putin đã cho thông báo, Nga đã gửi lực lượng thực địa tại Syria vào năm 2015 nhằm hỗ trợ chính quyền Tổng thống Bashar Al Assad. Tổng thống Putin lên tiếng rằng, động thái này nhằm ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan sang Nga trong thời điểm nội chiến Syria bùng nổ. Tuy nhiên, giới quan sát cho biết, việc can thiệp vào Syria của Nga đã gây ảnh hưởng cho Moscow nhưng đồng thời cũng gia tăng căng thẳng với Mỹ và các đồng minh trong bối cảnh các siêu cường đang cạnh tranh mạnh mẽ về ảnh hưởng toàn cầu.
Cả Nga và Iran hiện đang tìm cách hỗ trợ quân sự cho chính quyền Tổng thống Assad nhằm định hình tương lai cho đất nước khi lực lượng quân chính phủ Syria đang trên lộ trình đi đến điểm kết cho cuộc nội chiến dai dẳng gần chục năm qua.
"Syria đang trở thành mảnh đất giằng co giữa các nước bên ngoài bao gồm Iran và Nga. Moscow đang tìm cách định hình lại thể chế Syria với cam kết gắn bó dài lâu với mảnh đất này",
Báo cáo từ nhóm nghiên cứu các vấn đề quốc tế Chatham House cho biết.
"Chiến lược quân sự Nga nhằm khai thác các sức mạnh không quân và lực lượng đặc biệt đã chứng minh tính hiệu quả trong việc đạt được các mục tiêu của Moscow mà không làm mất đi tầm ảnh hưởng của nước này. Chính điều này đã gia tăng tín nhiệm cao của Tổng thống Putin, tác giả báo cáo Rusi", giáo sư Rod Thornton cho biết.
Chiến tranh Syria đã cho phép quân đội Nga có thể có được nhiều kinh nghiệm quân sự giá trị và giúp Moscow nắm giữ được các quan hệ ngoại giao đáng kể trong khu vực . Vũ khí Nga liên tục phát triển và nhiều hơn các thương vụ vũ khí từ Nga với lời thỉnh cầu từ các nước khác, bao gồm Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc…Tuy nhiên, chính điều này lại càng khiến Washington giận dữ.
Nga đã nâng cấp căn cứ hải quân tại Tartus trên bờ biển phía Tây Syria nhằm cho phép nhiều tàu cập bến sau khi đã gia hạn cho thuê thêm 49 năm. Điều này sẽ giúp Nga sẽ dễ dàng đối phó với Mỹ, NATO cũng như làm chủ khu vực Trung Đông. Căn cứ hải quân Tartus có ý nghĩa chiến lược đối với vị thế của Hải quân Nga nói riêng và nước Nga nói chung ở khu vực Trung Đông. Đây là căn cứ quân sự duy nhất của Nga ở nước ngoài không nằm trên lãnh thổ các nước Liên Xô cũ. Tartus được thành lập vào năm 1970 trong thời gian chiến tranh lạnh. Khi đó, căn cứ này được triển khai để hỗ trợ các hoạt động của Hải quân Liên Xô tại khu vực Địa Trung Hải.
"Thỏa thuận đó chỉ ra rằng, Moscow sẽ tìm cách duy trì trong một thời gian dài trong tương lai. Điều đó là cam kết quân sự không chỉ với Syria mà còn cả khu vực phía đông Địa Trung Hải rộng lớn", giáo sư Thornton nói thêm.
"Thực tế, đây là một cam kết. Và phỏng đoán sẽ tồn tại các xung đột cấp thấp trong khu vực vẫn có thể diễn ra. Syria sẽ vẫn có ích cho việc thử nghiệm các thiết bị quân sự Nga và cơ hội cho các cuộc huấn luyện chiến đấu quân sự cho các quân nhân", ông Thornton nói.
Xung đột Mỹ - Nga vẫn dai dẳng tại Syria?
Tổng thống Syria Bashar al-Assad từng cho biết, sự can thiệp của Nga vào Syria đã giúp quân đội và các đồng minh của ông đánh bại mối đe dọa từ các lực lượng đối lập, cũng như các tay súng khủng bố. Trong khi chính phủ Syria đang nhanh chóng giành lại quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ, ông Assad khẳng định, Damascus vẫn rất cần quân đội Nga hiện diện tại Syria.
"Quân đội Nga là yếu tố quan trọng để đối trọng trong khu vực, ít nhất là tại Trung Đông, cho tới khi cân bằng chính trị của thế giới thay đổi. Có thể điều đó sẽ không xảy ra, chúng tôi không biết được, nên nó rất quan trọng và cần thiết", Tổng thống Assad nói.
Một nhà ngoại giao Nga đã cáo buộc Mỹ đang cố gắng chia rẽ Syria thông qua việc hỗ trợ lực lượng người Kurd tại phía bắc và đông Syria. Đây là một mối đe dọa cho chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã cáo buộc Mỹ đang cố gắng vi phạm tại phía Đông Syria thông qua việc hỗ trợ lực lượng người Kurd.
Ngoại trưởng Lavrov giải thích rằng, Mỹ đang có kế hoạch thiết lập lãnh thổ với sự tham gia của người Kurd và đây là một trò chơi nguy hiểm nhất với ý tưởng người Kurd thống nhất.
"Tôi không loại trừ rằng Mỹ đang ở trong khu vực này. Giống như một quy luật, họ[Mỹ] đang duy trì trạng thái nóng lên mà không ai có thể giữ được bình tĩnh", Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói.
Ngoại trưởng Syria Walid al-Muallem từng đỗ lỗi cho Mỹ gây nên đổ vỡ trong đàm phán với Hội đồng dân chủ Syria (SDC) do người Kurd kiểm soát.
Ngoại trưởng Walid al-Muallem cho biết, ông hoàn toàn hoan nghênh việc thảo luận về một số hình thức tự quản trong vòng biên giới Cộng hòa Ả rập Syria sau khi khủng bố bị đánh bại.
Chính quyền Tổng thống Assad cam kết sẽ lấy lại toàn bộ khu vực.
"Câu chuyện kết thúc chỉ khi quyền lực thuộc về người dân Syria được khôi phục và tất cả những người không liên quan sẽ rời khỏi khu vực này", Ngoại trưởng Nga Lavrov nói thêm./.