• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đón đầu các thay đổi của Mỹ trong kế hoạch hiện diện quân sự ở nước ngoài

Thế giới 11/01/2022 19:33

(Tổ Quốc) - Theo trang Asia Times, cạnh tranh giữa các nước tiếp tục gia tăng cùng với áp lực chính trị ngày càng lớn có thể là một trong các lý do khiến Mỹ giảm số quân hiện diện ở nước ngoài trong năm 2021.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã quyết định rút quân khỏi Afghanistan vào tháng 8/2021 và Taliban đã giành quyền kiểm soát quốc gia này mặc dù chưa được các nước công nhận tính chính thức.

Đón đầu các thay đổi của Mỹ trong kế hoạch hiện diện quân sự ở nước ngoài - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: AFP.

Bên cạnh Afghanistan, Mỹ cũng đã giảm hiện diện quân sự ở một số khu vực xung đột khác trong những năm gần đây. Cụ thể, Washington đã giảm quân số ở Iraq từ 170.000 người trong năm 2007 xuống còn 2.500 người vào năm 2021. Tại Syria, chính quyền Mỹ cũng quyết định giảm quân số từ 1.700 vào năm 2018 xuống còn khoảng 900 người hiện tại.

Cho dù quá trình rút quân của Mỹ ra khỏi một số nước trên thế giới đã thấy rõ nhưng quân số Mỹ hiện tại ở nước ngoài vẫn được đánh giá là con số lớn.

Các chuyên gia chính trị cho rằng mặc dù phạm vi và địa điểm triển khai quân đội của Mỹ ở nước ngoài có thể thay đổi nhưng tính theo số lượng tổng thể, quân đội Mỹ vẫn có ảnh hưởng trên toàn cầu.

Một số chuyên gia cho rằng, áp lực giảm ngân sách quốc phòng đã khiến cho chương trình triển khai quân ở nước ngoài của Mỹ phải cắt giảm theo. Để tiếp tục duy trì ảnh hưởng, Washington sẽ phải thích ứng với các áp lực ngày càng gia tăng trong nước cũng như quốc tế bởi việc rút lui dần khỏi các cam kết ở nước ngoài sẽ khiến cho Washington khó duy trì các liên minh và thể chế quốc tế đã tạo dựng trong thời gian dài.

Sự hiện diện thay đổi

Theo Asia Times, quá trình triển khai và xây dựng căn cứ quân đội của Mỹ sẽ thúc đẩy các mục tiêu như trấn an các đồng minh, răn đe các đối thủ, hỗ trợ các sự mệnh nhân đạo và huấn luyện quân sự. Quân đội Mỹ ở nước ngoài cũng hoạt động như một trung tâm chỉ huy bao gồm các hoạt động khác nhau là ngăn chặn ma túy và chống khủng bố đồng thời tăng cường khả năng đối phó với các mối đe dọa và khủng hoảng đang nổi lên trong khu vực. Bên cạnh đó, Mỹ cũng sở hữu hơn 600 căn cứ quân sự ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.

Mặc dù Washington đã duy trì sự hiện diện quân sự trên toàn cầu trong suốt 70 năm qua nhưng cách tiếp cận của Mỹ đã thay đổi theo thời gian. Đáng lưu ý, gần đây, các cuộc triển khai quân sự của Mỹ liên tục gia tăng ở châu Phi.

Mặc dù sự tham gia của Trung Quốc ở châu Phi tập trung chủ yếu vào kinh tế nhưng việc nước này thành lập căn cứ hỗ trợ quân sự đầu tiên ở Djibouti vào năm 2017 cùng với các tin tức gần đây xung quanh kế hoạch Trung Quốc muốn thiết lập một căn cứ quân sự ở Guinea Xích đạo khiến giới quan sát cho rằng khả năng Trung Quốc đang muốn gia tăng ảnh hưởng ở châu Phi trong tương lai.

Về sự hiện diện quân sự của Mỹ ở châu Phi từ năm 2001 đến năm 2021, quân đội Mỹ cũng cho biết sẽ tiếp tục gia tăng số lượng quân hiện diện ở châu lục này. Mỹ cũng duy trì số lượng lớn các cuộc triển khai quân trên khắp châu Phi trong suốt thời gian này. Nhiều đơn vị bao gồm các hoạt động đặc biệt và các đơn vị lực lượng đặc biệt tập trung vào các hoạt động chống khủng bố và huấn luyện quân sự. Djibouti ở khu vực Sừng châu Phi là một trong những quốc gia nhỏ nhất châu lục. Mặc dù diện tích nhỏ nhưng nước này lại giữ một vị trí chiến lược khi nhìn ra eo biển Bab el-Mandeb - vị trí án ngữ giữa Biển Đỏ và Vịnh Aden. Hiện Mỹ, Trung Quốc, Pháp và Anh đều có các căn cứ ở Djibouti.

Dấu chân quân đội Mỹ ở nước ngoài

Phạm vi ảnh hưởng của quân đội Mỹ trên toàn cầu luôn là các chủ đề nóng trong các cuộc họp Quốc hội ở nước này. Chính quyền cựu Tổng thống Trump từng tìm cách giảm sự hiện diện quân sự đối với một số quốc gia không chia sẻ chi phí chịu trách nhiệm với quân đội Mỹ.

Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Biden đã đảo ngược một số chính sách từ thời cựu Tổng thống Trump. Cụ thể, Mỹ đã dừng lại kế hoạch rút quân khỏi Đức.

Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục đưa ra các cách để Mỹ có thể điều chỉnh dấu ấn quân sự. Vào tháng 11/2021, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố hoàn thành Báo cáo Đánh giá hoạt động bố trí quân của nước này trên toàn cầu (GPR) nhằm kiểm tra sự hiện diện quân sự của quân đội Mỹ ở nước ngoài.

Căn cứ để cắt giảm số lượng quân ở nước ngoài trong chính quyền Mỹ bắt nguồn từ chi phí chính trị và tài chính để đảm bảo việc duy trì triển khai. Khả năng sử dụng công nghệ mới, chẳng hạn như máy bay không người lái đã cho phép các nhà hoạch định chính sách của Mỹ chuyển hướng giảm quân ở một số các căn cứ ngoài nước. Mỹ cũng chi hơn 100 triệu đô la để triển khai các hoạt động của máy bay không người lái tại Căn cứ Không quân Niger 201./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ