• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đồn đoán 10 nghìn lính Mỹ tới Trung Đông: Đảo chiều sức mạnh Mỹ giữa "sôi sục" Iran?

Thế giới 23/05/2019 09:54

(Tổ Quốc) - Hãng AP cho biết, Lầu Năm Góc trong ngày thứ Năm sẽ trình bày kế hoạch tới Nhà Trắng về gửi thêm 10.000 quân tới Trung Đông.

Đây có thể là một động thái tăng cường phòng thủ chống lại các mối đe dọa tiềm tàng từ Iran, AP dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết hôm thứ Tư – ngày 23/5.

Các quan chức này cho hay, chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra, và không rõ liệu Nhà Trắng có chấp thuận gửi tất cả số quân hay chỉ một số lực lượng trong yêu cầu hay không. Các quan chức này nói, động thái trên không nhằm đáp trả bất kỳ mối đe dọa mới nào từ Iran, mà là nhằm tăng cường an ninh trong khu vực. Họ nói rằng quân đội sẽ là lực lượng phòng thủ, và các cuộc thảo luận sẽ bao gồm cả triển khai thêm các khẩu đội tên lửa Patriot, nhiều tàu hơn và tăng cường nỗ lực giám sát Iran.

Các quan chức này tiết lộ với điều kiện giấu tên vì kế hoạch chưa được công bố chính thức.

Đảo chiều chiến lược Trung Đông?

Cuộc họp sáng thứ Năm diễn ra khi căng thẳng với Iran tiếp tục sôi sục, và không rõ liệu quyết định về vấn đề trên có được đưa ra trong phiên họp này hay không. Bất kỳ động thái nào về triển khai thêm lực lượng đến Trung Đông sẽ báo hiệu một sự thay đổi trong chính sách của Tổng thống Donald Trump, người đã nhiều lần nhấn mạnh sự cần thiết phải giảm sự hiện diện của quân đội Mỹ trong khu vực.

Đồn đoán 10 nghìn lính Mỹ tới Trung Đông: Đảo chiều sức mạnh Mỹ giữa sôi sục Iran? - Ảnh 1.

Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. (Nguồn: AP)

Các quan chức Hoa Kỳ mới chỉ cung cấp rất ít chi tiết về các mối đe dọa tiềm tàng từ Iran, nhưng ban đầu cho thấy là những mối đe dọa này liên quan đến việc các tên lửa được đưa lên các tàu nhỏ của Iran. Các quan chức tuần này cho biết các tên lửa đã được đưa ra khỏi những chiếc thuyền gần bờ của Iran, nhưng các mối đe dọa hàng hải khác vẫn tiếp tục.

Việc gửi thêm quân đội cũng có thể dấy lên nhiều câu hỏi tại Quốc hội Mỹ. Trong cuộc họp giao ban kín tại Hạ viện và Thượng viện hôm thứ ba, các nhà lãnh đạo quốc phòng nói với các quan chức quốc hội rằng Hoa Kỳ không muốn gây chiến với Iran và muốn giảm leo thang tình hình.

Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan và Ngoại trưởng Mike Pompeo nói với các nhà lập pháp Hoa Kỳ đang tìm cách răn đe, chứ không kích động Iran, ngay cả khi có các cáo buộc Tehran đe dọa lợi ích của Hoa Kỳ tại Trung Đông. Ông Shanahan nói với các phóng viên: "Trọng tâm lớn nhất của chúng tôi tại thời điểm này là ngăn chặn tính toán sai lầm của Iran".

Nhiều người trong Quốc hội hoài nghi về cách tiếp cận của chính quyền Mỹ đối với Iran, đặt câu hỏi liệu họ có đang đối phó với các mối đe dọa mới đáng kể của Iran hay là đang leo thang một tình huống có thể dẫn đến chiến tranh.

CNN là đơn vị truyền thông đầu tiên đưa tin rằng Lầu năm góc sẽ thông tin tới Nhà Trắng về kế hoạch có thể gửi hàng ngàn lính Mỹ bổ sung đến Trung Đông.

Đại tá Không quân Patrick Ryder, phát ngôn viên của Tham mưu trưởng Liên quân, từ chối bình luận, và cho biết: "Là một vấn đề trong chính sách dài hạn, chúng tôi sẽ không thảo luận hoặc đồn đoán về các hoạt động hay kế hoạch tiềm tàng hay bị cáo buộc sẽ diễn ra trong tương lai."

Loạt tín hiệu quân sự mạnh

Đầu tháng 5, Hoa Kỳ đã tăng tốc triển khai một nhóm tấn công tàu sân bay đến Trung Đông và gửi bốn máy bay ném bom B-52 tới khu vực này. Lầu Năm Góc cũng quyết định chuyển khẩu đội tên lửa phòng không Patriot tới một quốc gia không được tiết lộ trong khu vực.

Chính quyền Trump đã sơ tán những nhân viên không cần thiết khỏi Iraq, trong bối cảnh các mối đe dọa không xác định mà chính quyền cho biết có liên quan đến các nhóm dân quân được Iran hậu thuẫn ở nước này.

Vào Chủ nhật, một tên lửa đã được phóng vào Vùng Xanh – nơi được bảo vệ an ninh nghiêm ngặt của Baghdad, và rơi cách Đại sứ quán Hoa Kỳ chưa đầy một dặm. Không có thương tích và không có nhóm nào nhận trách nhiệm, nhưng tên lửa được cho là đã bị bắn từ phía đông Baghdad - nơi sinh sống của các dân quân Shiite do Iran hậu thuẫn.

Một số thành viên đảng Dân chủ cho rằng ông Trump phải chịu trách nhiệm vì đã dấy lên sự tức giận từ Iran. Năm ngoái, Tổng thống Trump đã đột ngột rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015- được đàm phán và kí kết dưới thời chính quyền Obama để ngăn Iran sản xuất vũ khí hạt nhân – mà ông Trump cho rằng không giải quyết được các hành vi khác của Iran như việc họ hỗ trợ các tổ chức cực đoan. Ông cũng đã tái áp đặt các biện pháp trừng phạt nặng nề - có tác động không nhỏ tới nền kinh tế của Tehran và chỉ định Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran IRGC là một tổ chức khủng bố nước ngoài vào tháng Tư.

"Tôi vẫn chưa thấy bất kỳ chiến lược nào được đưa ra", nghị sĩ đảng Dân chủ Abigail Spanberger của Virginia, một cựu sĩ quan CIA cho biết. Bà nói rằng bà thấy nhiều tuyên bố gần đây của chính quyền Mỹ về Iran là "gây lo lắng sâu sắc".

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ