(Tổ Quốc)- Hiện nay, chỉ với những chiếc điện thoại thông minh hoặc máy tính có kết nối internet, du khách ở bất kỳ đâu cũng có thể để tìm hiểu thông tin, đặt vé máy bay, đặt phòng khách sạn để đi du lịch. Du lịch trực tuyến đang là xu hướng ngày càng thịnh hành trên thế giới và cả Việt Nam.
- 01.07.2017 Bản đồ du lịch thế giới sẽ viết tên Đà Nẵng: Thành phố pháo hoa
- 01.07.2017 Lần đầu tiên tổ chức Ngày Du lịch trực tuyến 2017
- 01.07.2017 Xin lỗi muộn màng sau “dậy sóng” khi bắt người khuyết tật bò lên máy bay
- 03.07.2017 “Nhiều tư tưởng của Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đã được chuyển tải vào Luật Du lịch”
- 03.07.2017 Chính phủ đánh giá cao nỗ lực trong việc tăng trưởng du lịch Việt Nam
- 03.07.2017 Hàng khách rúng động khi động cơ máy bay bốc cháy ngùn ngụt
- 04.07.2017 Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Khách du lịch tới 4 tỉnh miền Trung tăng cao hơn cả trước khi xảy ra sự cố
- 04.07.2017 Cần có chiến lược truyền thông hiệu quả cho Giải thưởng Du lịch Việt Nam
Cơ hội lớn cho du lịch trực tuyến tại Việt Nam
Theo ước tính của Công ty nghiên cứu thị trường eMarketer, tổng thu du lịch trực tuyến toàn cầu năm 2016 tăng trưởng 13,8%, ước đạt gần 565 tỷ USD, và dự báo đến năm 2020 sẽ lên đến 817 tỷ USD. Đáng chú ý, theo Báo cáo về nền kinh tế điện tử (e-economy) của khu vực Đông Nam Á do Google và Tập đoàn Temasek Holdings (Singapore) thực hiện năm 2016, quy mô thị trường du lịch trực tuyến của khu vực Đông Nam Á được dự báo tăng gấp 4 lần, từ 21,6 tỷ USD năm 2015 lên 89,6 tỷ USD năm 2025. Trong gần 22 tỷ USD thu từ du lịch trực tuyến năm 2015, đặt vé máy bay đạt 12,5 tỷ USD, đặt phòng khách sạn đạt 6,6 tỷ USD, còn lại 2,5 tỷ USD là doanh thu từ đặt dịch vụ vận chuyển (như taxi, xe bus, tàu hỏa…, trừ vận chuyển hàng không).
Tiềm năng và dư địa phát triển du lịch Việt Nam còn nhiều là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên môi trường lý tưởng cho du lịch trực tuyến bùng nổ. (Ảnh minh họa) |
Tại Việt Nam, kinh doanh du lịch trực tuyến được đánh giá là một lĩnh vực đầy triển vọng và hứa hẹn sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, đặc biệt là khi Việt Nam luôn được lựa chọn là một trong những điểm đến an toàn, hấp dẫn trên bản đồ du lịch thế giới với việc đón hơn 10 triệu lượt khách quốc tế đến trong năm 2016 (+26% so với năm 2015). Trong 6 tháng đầu năm 2017, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 6,2 triệu lượt, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm 2016.
Theo Báo cáo về nền kinh tế điện tử (e-economy) của khu vực Đông Nam Á do Google và Tập đoàn Temasek Holdings, doanh thu du lịch trực tuyến của Việt Nam năm 2015 (chỉ tính vận chuyển hàng không và khách sạn) đạt 2,2 tỷ USD, dự báo đến năm 2025 sẽ tăng lên đến 9 tỷ USD. Tiềm năng và dư địa phát triển du lịch Việt Nam còn nhiều là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên môi trường lý tưởng cho du lịch trực tuyến bùng nổ.
Việt Nam còn lép vế trong triển khai du lịch trực tuyến
Chính sách lớn của Việt Nam là đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Luật Du lịch sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua ngày 19/6/2017 tạo cơ sở pháp lý tốt hơn cho kinh doanh du lịch. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia du lịch, trong lĩnh vực du lịch trực tuyến – xu thế đang thịnh hành trên thế giới, Việt Nam chưa thực sự chủ động và dường như còn lép vế. Việc triển khai du lịch trực tuyến chưa đồng hành xứng tầm với “Vẻ đẹp bất tận” của đất nước.
Doanh thu du lịch trực tuyến của Việt Nam năm 2015 (chỉ tính vận chuyển hàng không và khách sạn) đạt 2,2 tỷ USD, dự báo đến năm 2025 sẽ tăng lên đến 9 tỷ USD (Nguồn: Google và Tập đoàn Temasek Holdings) |
Thực tế, hiện nay phần lớn các dịch vụ chủ chốt liên quan đến du lịch trực tuyến như: đặt vé máy bay, đặt phòng khách sạn… đều có sự tham gia của các tên tuổi nước ngoài, như: Agoda, Booking, Tripadvisor.com, Expedia.com. Trong khi đó tại Việt Nam, một số tên tuổi của các doanh nghiệp trong nước như: Chudu24.com, Ivivu.com, Vinabooking.vn, Mytour.vn, VNTrip… vẫn chưa thực sự nổi bật khi phần lớn chỉ cung cấp cho thị trường khách nội địa và không phải ai cũng biết.
Mới đây, Bộ VHTTDL đã đề xuất Chính phủ các giải pháp để đạt mức tăng trưởng 30% trong năm 2017, phấn đấu đưa du lịch nước ta trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, bao gồm đẩy mạnh hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch và mở rộng danh sách các nước được thí điểm áp dụng cấp thị thực điện tử (e-visa).
Hai giải pháp trên đều gắn với việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông được kỳ vọng sẽ tạo ra cơ hội mới giúp du lịch trực tuyến tại Việt Nam có bước phát triển đột phá.
Ngoài ra, để nắm bắt cơ hội và phát huy lợi thế vốn có, theo các chuyên gia du lịch, các bên liên quan, nhất là cộng đồng doanh nghiệp cần hiểu rõ vai trò của thương mại điện tử, du lịch trực tuyến; ứng dụng hiệu quả những công cụ hỗ trợ; lựa chọn giải pháp phù hợp như tăng cường đầu tư cho công nghệ thông tin, phần mềm quản lý du lịch trực tuyến, thiết kế website, xúc tiến quảng bá, đổi mới chiến lược kinh doanh…
Những vấn đề này sẽ được đặt ra tại “Ngày du lịch trực tuyến 2017” lần đầu tiên tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh vào ngày 05/7/2017 do Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL) phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Hiệp hội Thương mại điện tử tổ chức. Mục tiêu của chương trình là thu hút sự quan tâm cao hơn từ các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp tới du lịch trực tuyến, thúc đẩy sự liên kết giữa doanh nghiệp du lịch với doanh nghiệp trong các lĩnh vực liên quan như công nghệ thông tin, tiếp thị trực tuyến, thanh toán trực tuyến, bảo hiểm.../.