(Tổ Quốc) - Đây là nhận định của hầu hết các thí sinh gửi bài dự thi về Ban Tổ chức Cuộc thi "Gia đình đọc sách - Gắn kết yêu thương".
- 17.06.2020 Những cuốn sách thiếu nhi khiến người lớn cũng không thể bỏ qua
- 16.06.2020 Ra mắt sách về những 'bóng hồng điệp viên' nổi tiếng thế giới
- 15.06.2020 Lễ phát động cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2020 tại Hà Nội
- 11.06.2020 Khảo sát xây dựng Đề án "Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong hoạt động thư viện ở Việt Nam"
- 10.06.2020 Ra mắt sách "Con đã về nhà"
Cuộc thi 'Gia đình đọc sách - Gắn kết yêu thương' do Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) phối hợp với Hội Người mù Việt Nam tổ chức. Chỉ trong một gian ngắn phát động, Ban Tổ chức đã nhận được rất nhiều bài dự thi từ các vùng miền trên cả nước. Trong đó, nhiều bài dự thi thể hiện sự tâm huyết với văn hóa đọc.
Một trong những người gửi bài dự thi sớm nhất là em Nguyễn Văn Hoàng ở huyện Gia Lâm, Hà Nội. Em đã khẳng định vai trò của việc đọc sách và nghe sách nói đối với các gia đình nói chung và gia đình của người khiếm thị nói riêng. Trong Bài dự thi có đoạn viết: “Việc đọc sách giúp con người mở rộng hiểu biết, nuôi dưỡng tâm hồn và hoàn thiện bản thân bởi sách là nguồn tri thức khổng lồ của nhân loại. Và điều tất nhiên để có tri thức thì mỗi người cần không ngừng rèn luyện thói quen đọc sách.
Hoạt động cùng nhau đọc sách trong gia đình tạo không gian gần gũi, góp phần gắn kết các thành viên và các thành viên có thể chia sẻ với nhau những điều hay mà nguồn tri thức từ sách mang lại. Mỗi cuốn sách đều mang trong mình tâm huyết của tác giả muốn gửi gắm đến người đọc. Đọc sách nuôi dưỡng tâm hồn, trí tuệ của con người, sách là tài sản quý giá thật xứng đáng là người thầy, người bạn tin cậy. Hình thành thói quen đọc sách của mỗi thành viên trong gia đình có vai trò quan trọng trong việc phát triển trí tuệ, làm giàu thêm vốn tri thức, hoàn thiện nhân cách. Bởi vậy, đọc sách sẽ giúp con người hướng đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Rất nhiều người cho rằng “Người khiếm thị là vô dụng”, “Người khiếm thị không cần đọc sách”. Liệu rằng điều ấy có đúng hay không? Câu trả lời là không! Người khiếm thị có thể thành công, thành công hơn bất kỳ ai, có thể hạnh phúc và hạnh phúc hơn bất kỳ ai. Và việc đọc sách, nghe sách nói là vô cùng cần thiết để tích lũy tri thức, để chứng tỏ bản thân và để hạnh phúc.
Đối với người khiếm thị, do gặp vấn đề về thị lực, khó khăn trong điều kiện sống nên khả năng tiếp cận thông tin, sách báo của người khiếm thị là rất hạn chế. Người khiếm thị chỉ có thể tiếp cận được một số tài liệu nhất định như sách chữ nổi, sách nói hoặc dùng một số phần mềm đọc màn hình để đọc tài liệu bản word.
Người khiếm thị là nhóm người yếu thế, chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội, tuy không có khả năng nhìn nhưng người khiếm thị vẫn có nhu cầu tiếp cận tri thức, văn hóa, được cập nhật những tri thức mới. Mặc dù hiện nay đã có hệ thống chữ nổi dành cho người khiếm thị nhưng chi phí in ấn tài liệu bằng chữ nổi là rất tốn kém, cũng như để chuyển hóa tất cả các nguồn tri thức sang dạng chữ nổi là một điều khó có thể thực hiện được. Hoạt động cùng nhau đọc sách đối với gia đình của người khiếm thị có vai trò đặc biệt quan trọng là nguồn để người khiếm thị tiếp cận thông tin, sách báo. Được tiếp cận với sách góp phần bồi đắp tri thức, hoàn thiện nhận cách, giúp người khiếm thị xóa bỏ mặc cảm, tự ti. Có tri thức người khiếm thị sẽ tự tin hơn, có thêm cơ hội tìm kiếm việc làm và được hòa nhập với cộng đồng, xã hội. Bởi vì, sách nuôi dưỡng trí tuệ, tâm hồn và sách là ánh sáng tri thức của người khiếm thị”.
Cảm nhận về kênh “Cùng bạn đọc sách: Truyền cảm hứng, kết nối và lan tỏa tri thức” cho mọi người, đặc biệt là cho người khiếm thị, em đã chia sẻ: “Vừa qua, Trung ương Hội Người mù Việt Nam tổ chức buổi gặp mặt sinh viên khiếm thị trên địa bàn Hà Nội. Mục đích của buổi gặp mặt nhằm chia sẻ, hỗ trợ và đồng hành với sinh viên khiếm thị trong quá trình học tập. Trong buổi gặp mặt, em được nghe giới thiệu về cuộc thi Gia đình đọc sách - Gắn kết yêu thương. Cuộc thi với những thông điệp vô cùng ý nghĩa thôi thúc em muốn tìm hiểu và tham gia.
Với mong muốn được hiểu rõ hơn, em tìm hiểu về cuộc thi thông qua Facebook và biết đến fanpage Chương trình Cùng bạn đọc sách và kênh Youtube “Cùng bạn đọc sách”. Em cũng đã tìm nghe những clip của kênh mà em yêu thích và giới thiệu đến những bạn khiếm thị và gia đình của người khiếm thị.
Kênh “Cùng bạn đọc sách” là kênh truyền tải tri thức ý nghĩa đến người khiếm thị với nhiều chuyên mục như: Đại sứ văn hóa đọc, góc dành cho người tâm huyết với văn hóa đọc, đọc sách cùng bạn, sách hay nên đọc... và chuyên mục em yêu thích nhất là chuyên mục Đọc sách cùng bạn.
Đặc biệt, em đã nghe đi nghe lại clip giới thiệu cuốn sách “Không gục ngã” của nhà văn Nguyễn Bích Lan. Những cảm nhận của độc giả và chia sẻ của nhà văn Nguyễn Bích Lan đã làm em thật sự xúc động. Nguyễn Bích Lan cái tên thật đẹp mà hành trình vượt lên số phận của chị khiến bao người phải cúi đầu thán phục. Căn bệnh loạn dưỡng cơ dường như đã lấy hết đi sức khỏe thể chất của chị nhưng với sức mạnh của ý chí chị đã kiên cường vượt qua khó khăn để tự học Tiếng Anh, tự dạy học Tiếng Anh, dịch những cuốn sách và tự học để trở thành nhà văn. Câu chuyện thần kì vượt lên số phận của nhà văn, dịch giả Nguyễn Bích Lan đã thắp lên niềm tin hy vọng cho những số phận không may mắn về ngày mai tươi sáng. Hành trình vượt lên số phận của chị đã truyền cảm hứng cho em là một người khiếm thị có thêm động lực để tự không ngừng học hỏi vươn tới ánh sáng của tri thức. Nhà văn, dịch giả Nguyễn Bích Lan thật xứng đáng là biểu tượng của ý chí và nghị lực.
Câu chuyện của chị khiến em có động lực để tiếp tục cố gắng để trở thành một con người có ích cho xã hội. Mất đi thị giác là điều em thiệt thòi hơn người khác, nhưng em có sức khỏe đấy là điều em hơn chị. Bởi vậy, em tin rằng em có thể làm được những điều có ích, có thể sống hạnh phúc và thành công trên con đường mình đã chọn. Có lẽ câu chuyện của chị sẽ mãi là điểm tựa để mỗi khi vấp ngã, mỗi khi thấy nản lòng em có thể mạnh mẽ đứng lên bước tiếp”.
Trên là một phần nội dung trong bài dự thi của mình em Nguyễn Văn Hoàng. Em cũng đã đề xuất và nêu những nguyện vọng để cộng đồng và kênh “Cùng bạn đọc sách” ngày một hoàn thiện, phát huy những ý nghĩa nhân văn và sẽ có thêm nhiều hỗ trợ cho người khiếm thị tiếp cận với thông tin và tri thức, phục vụ học tập, nghiên cứu và giải trí.
Có thể thấy, Cuộc thi 'Gia đình đọc sách - Gắn kết yêu thương' chính là diễn đàn dành cho người khiếm thị, gia đình khiếm thị trao đổi những kinh nghiệm khuyến đọc, nghe sách nói nhằm tăng cường cơ hội tiếp cận thông tin và tri thức, phát triển trí tuệ, tâm hồn, kỹ năng, góp phần cải thiện và làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.
Lễ trao giải Cuộc thi dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 6 năm 2020.