(Tổ Quốc) - Trong dịp Giỗ tổ sân khấu dân tộc, CLB Sân khấu Thử nghiệm (Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam) tái diễn vở Dưới ánh đèn- vở diễn về nỗi lòng của người nghệ sĩ gắn bó cùng sân khấu.
- 29.07.2016 Xã hội hóa sân khấu Hà Nội: Vẫn chỉ là cuộc “dạo chơi”
- 11.10.2009 Xã hội hóa sân khấu: Tín hiệu mừng của ngành kịch nghệ
- 07.10.2008 Bàn về xã hội hoá sân khấu
Tối 27/9, vở diễn Dưới ánh đèn được các nghệ sĩ diễn lại tại Nhà hát Âu Cơ, Hà Nội sau 2 năm ra mắt. Vở diễn mang nhiều nỗi lòng và cả sự trăn trở với "nghiệp" rút ruột nhả tơ của người nghệ sĩ với sân khấu. Dưới ánh đèn từng mang về 2 Huy chương vàng, 1 Huy chương bạc cho các nghệ sĩ tại Liên hoan sân khấu kịch nói toàn quốc năm 2018.
Câu chuyện về kiếp tằm nhả tơ
Không phải ngẫu nhiên mà Đạo diễn vở Dưới ánh đèn, NSND Trần Nhượng- Chủ nhiệm CLB Sân khấu thử nghiệm chia sẻ: "Chúng tôi đã mang "tiếng lòng" của cuộc đời người nghệ sĩ bước lên sân khấu và diễn về chính thân phận của mình. Chúng tôi không chỉ khóc trên sàn diễn…".
Dưới ánh đèn nói về Kép Bền- một diễn viên tuồng gặp tai nạn nghề nghiệp lại gặp sự ghen ghét đố kị của đồng nghiệp dẫn tới mang nỗi hận nghề, cấm con trai theo nghiệp của mình. Nhưng con trai của kép Bền, ca sĩ Bảo Long (Long Nhật - PV) vì đam mê con đường nghệ thuật nên đã dứt áo ra đi, quyết tâm theo đuổi ước mơ. Để rồi anh lại bị dính vào cạm bẫy của bầu sô và sự hãm hại của đồng nghiệp dẫn tới tưởng như con đường sự nghiệp tan vỡ…
Vở diễn do nhà viết kịch Chu Thơm (Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật - PV) chắp bút viết kịch bản. Ông là một tác giả luôn đau đáu viết về thân phận những người nghệ sĩ chân chính, theo ông những người làm nghệ thuật "tử tế" thì ít người giàu. Và một bộ phận không nhỏ của những người làm nghệ thuật, đặc biệt là sân khấu truyền thống đang phải đối diện với bài toán cơm áo gạo tiền. Đó là lý do ông viết lên "Dưới ánh đèn".
Ở lần biểu diễn này, Đạo diễn, NSND Trần Nhượng vẫn sử dụng dàn diễn viên của 2 năm trước. Ca sĩ Long Nhật (TPHCM) đóng nhân vật chính ca sĩ Bảo Long, NSƯT Tiến Quang (Quang Tèo - PV) vào vai người cha của Bảo Long đã ngăn cấm con trai đi diễn, nghệ sĩ Vượng Râu vào vai bầu sô, nghệ sĩ cải lương Hồng Gấm vào vai ca sĩ Thanh Phượng (bạn gái của Bảo Long)…. NSND Trần Nhượng cho biết: "CLB lựa chọn biểu diễn lại Dưới ánh đèn trong dịp giỗ tổ nghề sân khấu dân tộc là bởi câu chuyện đơn giản nhưng cảm động, nói về cuộc đời của chính những người nghệ sĩ. Qua đó, chúng tôi muốn gửi cho khán giả thông điệp, người nghệ sĩ như kiếp con tằm nhả tơ, mục đích cuối cùng cũng là vì nghề. Đây là điều tâm huyết, xúc động của tất cả nghệ sĩ chúng tôi".
Trở lại với sân khấu kịch, ca sĩ Long Nhật chia sẻ: "Là ca sĩ nhưng tôi được bước lên sân khấu chuyên nghiệp, biểu diễn với các anh chị nghệ sĩ sân khấu tên tuổi, đó là điều quá hạnh phúc. Để có được sự tự tin trên sân khấu, tôi nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ đạo diễn Trần Nhượng, tác giả kịch bản Chu Thơm. Đó là những người thầy dẫn dắt Long Nhật bước chân vào được lĩnh vực sân khấu. Sau thành công của Dưới ánh đèn năm 2018, tôi không muốn cưỡi ngựa xem hoa với sân khấu kịch mà thực sự coi đây là duyên với nghiệp".
Nỗi lòng của người nghệ sĩ
Trong bối cảnh khó khăn chung của sân khấu hiện nay thì sân khấu xã hội hóa càng khó khăn gấp bội. Những người nghệ sĩ, nếu không vì tình yêu với nghiệp thì không ai có thể đi tiếp hành trình này.
NSND Trần Nhượng chia sẻ: "Sân khấu đang rơi vào tình trạng hết sức khó khăn. Nếu các Nhà hát công lập còn có kinh phí hỗ trợ từ Nhà nước mà vẫn còn gặp không ít khó khăn thì xin thưa là các sân khấu xã hội hóa còn khó khăn gấp bội. Câu lạc bộ sân khấu thử nghiệm là đơn vị tập hợp các nghệ sĩ có cùng sự đam mê với nghề. Chúng tôi tự tìm kinh phí hoạt động, nhiều nghệ sĩ không có cát sê, thậm chí bỏ tiền túi để theo đuổi đam mê. Điều đó, đòi hỏi người nghệ sĩ phải có tình yêu rất lớn, dám hi sinh vì sân khấu mới có thể làm được".
Tác giả Chu Thơm cho biết, bản thân ông đã hợp tác với nhiều sân khấu xã hội hóa như sân khấu kịch Hồng Vân (NSND Hồng Vân - TP HCM), sân khấu Idecaf… Điều ông cảm nhận được là các nghệ sĩ đều vô cùng yêu mến, thậm chí là say nghề. Các nghệ sĩ cùng đóng góp, không nhận thù lao biểu diễn. Sân khấu xã hội hóa tại Thủ đô khó khăn hơn, các nghệ sĩ theo đuổi đều rất lo lắng. "Anh Trần Nhượng nhiều hôm phải lo tiền để tổ chức, dàn dựng. Anh Quang Tèo bỏ hết cả show để đi diễn, ca sĩ Long Nhật không hề nhận thù lao biểu diễn. Các nghệ sĩ đều đang theo đuổi sân khấu với đam mê chứ không vì thù lao"- Tác giả Chu Thơm nhấn mạnh.
Theo ca sĩ Long Nhật cho biết, năm 2018, để tập luyện và biểu diễn Dưới ánh đèn, anh tự bỏ tiền túi để bay đi bay về tập luyện giữa Hà Nội và TP HCM. Chưa kể, anh bỏ hết các show diễn để theo đuổi vai diễn này. Ở lần biểu diễn năm nay, việc tập luyện đã bớt hơn về thời gian, tuy nhiên, nam ca sĩ vẫn tự bỏ tiền túi bay ra, ở lại Hà Nội cả tuần để theo đuổi đam mê dưới ánh đèn sân khấu.
Nghệ sĩ Tiến Quang chia sẻ: "Các nghệ sĩ bỏ show, không lấy tiền để theo đuổi sân khấu. Nếu không yêu nghề sẽ không làm được. Đối với CLB Sân khấu thử nghiệm của chúng tôi, khó khăn vô cùng. Không có sân để tập khiến chúng tôi phải di chuyển nơi tập liên tục. Nhưng xuất phát từ tấm lòng yêu nghề, bản thân chúng tôi coi diễn là nghiệp, chúng tôi vẫn tin tưởng, được "tổ nghề" đãi, chúng tôi phải làm những việc có ích cho đồng nghiệp, cống hiến cho nghề thì sẽ tiếp tục được "tổ nghề" phù hộ.
Tuy nhiên, ngoài tình yêu, đam mê với sân khấu, các nghệ sĩ cũng mong mỏi sẽ có những cơ chế để việc xã hội hóa sân khấu ở Thủ đô được thuận lợi hơn. Như tới đây, CLB sân khấu thử nghiệm mong mỏi nâng cấp lên thành Trung tâm Nghệ thuật biểu diễn hoặc Nhà hát sân khấu thử nghiệm… "Khi nâng cấp lên chúng tôi có tư cách pháp nhân, có sự giao dịch, kí hợp đồng với các doanh nghiệp để vận động tài trợ làm chương trình..."- NSND Trần Nhượng cho biết.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng những hoạt động của sân khấu xã hội hóa cùng với các sân khấu công lập tiếp tục khẳng định sự phát triển của nghệ thuật sân khấu. Hơn lúc nào hết, cần ngọn lửa đam mê của các nghệ sĩ để sân khấu tiếp tục sáng đèn, thu hút khán giả đến rạp./.