(Tổ Quốc) - Một bài bình luận trên tờ Nhật báo Phố Wall (WSJ) của Walter Russell Mead nhận định, vài năm qua đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể sức mạnh của Mỹ.
Máy bay quân sự của Nga và Trung Quốc đã thăm dò lực lượng phòng không của Hàn Quốc và Nhật Bản vào tuần trước, điều đã khiến phía Hàn Quốc bắn hơn 300 phát súng cảnh báo.
Theo WSJ, đây chỉ là biểu hiện mới nhất của một liên minh ngày càng sâu sắc giữa Nga và Trung Quốc. Trước đó, James Dobbins, Howard Shatz và Ali Wyne đã mô tả sự liên kết mới nổi này trong một bài luận tháng Tư trên tờ Diplomat. Năm 2016, Nga đã thay thế Ả Rập Saudi trở thành nguồn dầu nhập khẩu lớn nhất của Trung Quốc. Năm 2017, hai nước đã tổ chức cuộc tập trận hải quân chung đầu tiên ở biển Baltic. Vào tháng 6 năm 2018, ông Tập Cận Bình đã gọi ông Vladimir Putin "là người bạn thân, gần gũi nhất của tôi", và sau đó, trong cùng năm, các lực lượng Trung Quốc đã tham gia cuộc tập trận lớn nhất trên đất Nga kể từ năm 1981.
Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ Dan Coats – người sắp rời chức vụ này- nói rằng hai ông lớn của lục địa Á-Âu đang gần gũi như những năm 1950. Từ Venezuela, Syria đến Serbia, họ đang bắt tay nhằm vô hiệu hóa phương Tây. Họ cũng đang gia tăng hợp tác ở châu Phi cận Sahara và hướng tới tìm ra cách để giảm sự cạnh tranh ở Trung Á.
Câu hỏi về Nga – Trung?
Nhiều nhà phân tích nói rằng không có nhiều triển vọng cho sự hợp tác sâu sắc của Trung-Nga. Mục tiêu chính sách đối ngoại từ lâu của ông Putin là xây dựng nước Nga thành một cường quốc độc lập giữa châu Âu và Trung Quốc; nên liên minh chặt chẽ với một Trung Quốc đang trỗi dậy là chống lại mục tiêu này. Căng thẳng dọc biên giới dài của họ, sự cạnh tranh thương mại và sự nghi ngờ của Nga đối với những động thái của Trung Quốc tại Viễn Đông có xu hướng khiến hai nước tách rời nhau. Trong khi Nga đang từ từ suy giảm còn Trung Quốc thì đang phát triển nhanh chóng, một số người đoán Nga sẽ ủng các nỗ lực của phương Tây để cân bằng Trung Quốc.
Nhưng thay vào đó, Moscow dường như kết luận rằng cánh cửa phía Tây đã bị đóng lại. Liên minh châu Âu quá yếu, quá thiếu quyết đoán và quá tự do để làm đối tác chiến lược với Nga. Tổng thống Trump thì dường như hay thay đổi và Quốc hội Mỹ thì quá thù địch và khó đáp ứng được những yêu cầu của Nga. Điều đó để lại một sự lựa chọn rõ ràng giữa một bên là liên minh với Trung Quốc và bên kia là sự cô lập.
Hai nhà lãnh đạo Trung - Nga đang tăng cường sự hợp tác song phương. Nguồn: Zuma Press
Có một yếu tố khác thúc đẩy Moscow và Bắc Kinh cùng bắt tay. Bầu không khí nóng hổi xoay quanh Tổng thống Trump đôi khi che khuất điều này, nhưng vài năm qua đã chứng kiến sự gia tăng rõ rệt của quyền lực Mỹ. Phạm vi tiếp cận của Washington đang mở rộng, khả năng thực thi ý chí của họ đối với người khác đã tăng lên, và họ trở nên sẵn sàng hơn và có thể sử dụng sức mạnh của mình một cách đột ngột. Như vậy, Nga và Trung Quốc đã quyết định hợp tác chặt chẽ hơn phần lớn vì cả hai nước đều lo lắng hơn về Hoa Kỳ.
Giới tình báo nước này đã bất đồng với chính sách Iran của chính quyền Trump. Và mục tiêu của ông Trump còn lâu mới có thể đạt được, tuy nhiên, vụ việc này đã thể hiện được sức mạnh của nước Mỹ khi đang cô lập được một nhà sản xuất dầu lớn bất chấp sự phản đối cứng rắn của châu Âu, Trung Quốc và Nga. Đối với Nga, một nhà sản xuất dầu lớn khác phụ thuộc vào thương mại với phương Tây, đang nhận thấy sức ép của lệnh trừng phạt của Mỹ thì cảnh tượng trên khá lo ngại.
Thực lực thật của Mỹ
Có ba yếu tố góp phần vào sự gia tăng sức mạnh của Mỹ. Đầu tiên, sự thành công của công nghệ khai thác dầu fracking và các công nghệ liên quan cùng với việc sử dụng năng lượng tái tạo ngày càng tăng ở phương Tây đã khiến thị trường năng lượng thế giới trở nên linh hoạt hơn. Giá dầu ổn định và tương đối thấp mặc dù Iran và Venezuela về cơ bản đã bị buộc rời khỏi thị trường.
Thứ hai, sự tinh vi ngày càng tăng của công nghệ thông tin có nghĩa là chính quyền Hoa Kỳ có thể theo dõi các giao dịch phức tạp và thực thi các biện pháp trừng phạt thứ cấp ở một mức độ chưa từng có. Các chính phủ châu Âu đã bị sốc khi phát hiện ra rằng họ không thể bảo vệ các công ty quốc gia muốn làm ăn với Iran khỏi luật pháp Mỹ. Moscow và Bắc Kinh không thể không chú ý rằng một ngày nào đó những công cụ này có thể sẽ chống lại họ.
Yếu tố thứ ba là ông Trump. Bằng cách sử dụng thương mại và thuế quan làm vũ khí trong các cuộc đàm phán, Tổng thống đã tăng cường sức mạnh của Mỹ. Chẳng hạn, những nỗ lực của châu Âu để chống lại các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran, phải được thực hiện trong bóng tối do các mối đe dọa từ ông Trump rằng sẽ áp đặt thuế quan mạnh tay đối với các sản phẩm quan trọng của châu Âu với lí do "ảnh hưởng xấu đến an ninh quốc gia".
Một số nhà phân tích cho rằng Washington không thể đủ khả năng để xa lánh các đồng minh lâu năm trong khi các đối thủ đang bắt tay chống lại Hoa Kỳ. Họ cũng cảnh báo rằng các tổ chức – được lập ra để hạn chế cạnh tranh quyền lực giữa các nước lớn - đang phân rã với tốc độ ngày càng nhanh. Và các doanh nghiệp trên toàn thế giới cần những dự đoán chính sách mà ngoại giao thời ông Trump đang làm điều đó xói mòn dần.
Điều đó đúng nhưng sự thay đổi của thế giới mới có nguyên nhân sâu xa hơn ông Trump. Có hai cường quốc đang trỗi dậy trên thế giới hiện nay và Hoa Kỳ cũng như Trung Quốc đang hướng tới lập trường mở rộng hơn lợi ích khi sức mạnh của họ tăng lên.