(Tổ Quốc) -Với người dân Việt Nam, thượng nghị sỹ John McCain gắn liền những ngày tháng chiến tranh tại Việt Nam và sau đó là những nỗ lực của ông trong việc hàn gắn quan hệ Việt-Mỹ sau khi chiến tranh kết thúc.
Thượng nghị sỹ John McCain đã ra đi ở tuổi 81.
Thượng nghị sỹ John McCain |
Cách đây 51 năm, tạp chí TIME đã có báo cáo trong năm 1967, máy bay Việt Nam không ít lần gây khó khăn cho các phi công Mỹ trong suốt chiến tranh. Trong số các cuộc chiến trên không nóng bỏng, có một phi công trẻ đáng chú ý thời điểm đó và sau đó bị bắt làm tù binh ở Việt Nam là thượng nghị sỹ John McCain.
Và sau đó, giống như các binh lính Mỹ khác là tù nhân chiến tranh tại Việt Nam, câu chuyện của McCain dường như chỉ dừng lại ở đó. Vào khoảng năm 1969, trong số những tù binh được trả tự do, báo cáo cho biết phi công chiến đấu McCain là người bị thương nặng nhất.
Ông McCain từng trở lại thăm Bảo tàng Nhà tù Hỏa Lò vào năm 2000. McCain cho biết ông đã quay lại Việt Nam nhiều lần trong những chuyến đi dành cho cựu tù binh chiến tranh và các chương trình tìm kiếm quân nhân mất tích (POW/MIA). Đây là một đất nước xinh đẹp, ông được Việt Nam chào đón và cảm thấy vui mừng vì Mỹ và Việt Nam có nhiều nỗ lực xây dựng mối quan hệ tốt đẹp từ đống đổ nát của cuộc chiến tranh tàn khốc.
“Tôi không phải là chính tôi nữa mà vì đất nước tôi”
Vốn sinh ra trong một gia đình có truyền thống binh nghiệp, đã hình thành nên một John McCain đầy cá tính, ưa mạo hiểm. Năm 1958, ông tốt nghiệp Học viện Hải quân Hoa Kỳ và sau đó 2 năm tốt nghiệp khoá đào tạo phi công, trở thành một phi công hải quân lái máy bay cường kích, chính thức phục vụ trên Hàng không mẫu hạm Forrestal.
Thượng nghị sỹ John McCain từng là tù binh trong chiến tranh Việt Nam |
Ông là một người lính Mỹ đã trực tiếp tham gia vào cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Bắt đầu trong chiến dịch Rolling Thunder (Sấm rền, năm 1967), John McCain đã nhiều lần lái máy bay đánh phá các mục tiêu trong chiến tranh. Tính đến giữa tháng 10/1967, ông McCain đã thực hiện 22 phi vụ và trở về an toàn.
Trong chuyến bay ở Thái Bình Dương, ông John McCain đã thoát chết trong một đám cháy lớn trên tàu sân bay USSForrestal. Khi thực hiện cuộc ném bom ngày 26/10/1967, máy bay của McCain bị bắn trúng trên bầu trời Hà Nội và ông trở thành tù binh chiến tranh. Bị bắt sống và 6 năm sau (1973), ông đã được phía Việt Nam trao trả tù binh cho Mỹ.
Ông McCain đã trải qua thời kỳ khó khăn bị giam cầm khi bị các vết thương nặng ở tay và chân. Thượng nghị sỹ McCain cũng từ chối ưu tiên được trả tự do và đợi cho đến khi các đồng đội cùng được trở về quê hương.
Thời kỳ sống trong tù là một phần trong trang sách về cuộc đời của thượng nghị sỹ John McCain.
Sau khi trở thành Thượng nghị sỹ từ năm 1983, ông McCain cũng bày tỏ không bao giờ quên những khoảnh khắc ở Việt Nam.
“Tôi đã từng mắc lỗi, mắc nhiều lỗi”
Nhằm nỗ lực thúc đẩy quan hệ hoà bình hai nước, thượng nghị sỹ McCain cùng với một bạn đồng ngũ trong chiến tranh khác là thượng nghị sỹ John Kerry của bang Massachusetts đã nỗ lực kêu gọi xoá bỏ lệnh cấm vận thương mại của Mỹ đối với Việt Nam và mở ra quan hệ ngoại giao hai nước. Cả hai vị thượng nghị sĩ McCain và John Kerry đã nhiều lần sang Việt Nam để giải quyết vấn đề người Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam (POW/MIA). Ông John Kerry từng là Chủ tịch Ủy ban tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam của Thượng viện Hoa Kỳ.
Thượng nghị sỹ McCain đã ly dị người vợ đầu Carol vào năm 1980 và hiện sống với người vợ khác là Cindy . Mẹ của ông McCain bà Roberta hiện 106 tuổi.
Vợ của thượng nghị sỹ McCain, bà Cindy viết trên Twitter: "Trái tim tôi tan vỡ. Tôi quá may mắn khi được sống trong hành trình yêu người đàn ông tuyệt vời này. Ông ra đi giống như cách ông vẫn sống: bằng lựa chọn của mình, ở nơi mà ông yêu nhất và xung quanh là những người yêu thương".
Với những đóng góp cho quân đội Mỹ, Thượng nghị sỹ John McCain đã từng nhận ngôi sao bạc
Sinh năm 1936 trong một gia đình danh giá, cả cha và ông nội đều là đô đốc hải quân 4 sao, McCain đã mang tên tuổi nổi tiếng của gia đình tới cả chiến trận cũng như các cuộc đấu chính trị trong suốt hơn nửa thế kỷ.
Trong một lần trả lời CNN, ông McCain bộc bạch “Cuộc sống đều phải kết thúc theo cách này hoặc cách khác. Sứ mệnh phục vụ quốc gia không phải lúc nào mọi việc làm đều đúng. Có thể là mắc rất nhiều lỗi, rất nhiều lỗi”.