• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Gia đình có vai trò quan trọng trong bảo vệ trẻ em trên không gian mạng

Văn hoá 25/09/2023 16:58

(Tổ Quốc) - Thời gian qua, Internet phát triển nhanh chóng đã đem lại nhiều thuận lợi cho người sử dụng nhưng cũng kéo theo không ít tác động tiêu cực, đặc biệt đối với trẻ em, lứa tuổi chưa có sự phát triển đầy đủ cả về thể chất và tinh thần. Vì vậy, bảo vệ, hỗ trợ trẻ em trên không gian mạng là vấn đề cần được quan tâm.

Không gian mạng là nơi khiến cho trẻ em có cảm giác như đang bước trên con đường mà phía trước, từng phút, từng giây có rất nhiều điều mới mẻ, hấp dẫn đón đợi nhưng cũng đầy những hố nguy hiểm, những rủi ro rình rập bất cứ lúc nào. Trên con đường đó, việc tự bảo vệ của người lớn trước những rủi ro trên mạng còn khó khăn thì với trẻ em, khó khăn này lớn hơn nhiều.

Không chỉ trẻ em ở Việt Nam, mà trẻ em ở nhiều quốc gia khác trên thế giới, đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi tự bảo vệ mình trên không gian mạng, Theo Ths Đỗ Đức Long – Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: "Sự phát triển của công nghệ thông tin, internet mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng kèm theo những rủi ro cho trẻ em, nhất là trong thời đại công nghệ số, kỷ nguyên số, công dân số như hiện nay. Trẻ em ngày càng dành nhiều thời gian sử dụng Internet với nhiều mục đích khác nhau như: học tập; xem phim; sử dụng mạng xã hội, theo dõi các nhân vật của công chúng; tìm kiếm thông tin; trò chuyện với bạn bè, người thân…

Tuy nhiên, việc này cũng khiến trẻ em sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ tiềm ẩn như: Trẻ em có thể tiếp xúc với nội dung không phù hợp với độ tuổi của mình, bao gồm hình ảnh hoặc video khiêu dâm, bạo lực, hay các trò chơi có nội dung phản động. Trẻ em có thể trở thành nạn nhân của quấy rối, lăng mạ hoặc sỉ nhục từ những người bạn đồng trang lứa trên mạng. Hơn nữa, trẻ em có thể trở thành mục tiêu của các hoạt động gian lận trực tuyến, bao gồm các trò chơi lừa đảo, yêu cầu chia sẻ thông tin cá nhân hoặc tài khoản ngân hàng….".

Cũng theo ông Long, việc trẻ em bị xâm hại không gian mạng sẽ gây ra tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm, sự riêng tư của trẻ em. Cho nên, ở nhà, nếu các bậc cha mẹ thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng, đến trường thầy cô giáo lại không chú trọng giáo dục cho các em về cách ứng xử, sử dụng mạng xã hội thì các em dễ có nguy cơ sa ngã vào những "hố đen" trên mạng xã hội. Từ nguy cơ xâm hại tình dục, bạo lực rồi các vấn đề chế biến thuốc nổ, dạy cách giết người. Cuối cùng các em có thể trở thành kẻ vi phạm pháp luật, gây rối loạn xã hội

Trong khi đó, hiện nay, nhiều em chưa đủ nhận thức về những mối nguy hiểm gặp phải nên đôi khi gặp rồi mà không biết mình gặp và coi đó là chuyện bình thường, hoặc các em quá sợ hãi và ngại ngùng để chia sẻ với người khác, đặc biệt là vấn đề liên quan đến lừa đảo mạng, xâm hại tình dục mạng, bạo lực mạng.

Chính vì thế, để giúp trẻ phòng tránh những nguy hại trên không gian mạng, cha mẹ cần hỗ trợ trẻ xây dựng kiến thức về an toàn mạng và thiết lập các quy tắc cần thiết. Ông Đỗ Đức Long chia sẻ: Gia đình đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ trẻ em trước những tác động tiêu cực trên không gian mạng. Phụ huynh cần tìm hiểu tâm lý của trẻ để góp ý, định hướng cho trẻ; chịu khó lắng nghe, chia sẻ với những mong muốn của trẻ; dành thời gian để gắn kết các thành viên trong gia đình.

Đồng thời, cha mẹ cần phải hướng dẫn trẻ kỹ năng sử dụng Internet một cách thông minh để trẻ tự bảo vệ mình trên môi trường mạng như: Hướng dẫn cách nhận biết và đánh giá các mối nguy tiềm ẩn trên mạng, bao gồm quấy rối, nội dung không phù hợp, và các hoạt động gian lận; Hướng dẫn cho trẻ biết cách tạo mật khẩu mạnh và duy trì tính bảo mật của tài khoản của mình. Đặc biệt, cha mẹ cần phải giúp cho trẻ hình thành kỹ năng đối mặt và ứng phó với các tình huống quấy rối trực tuyến, bao gồm cách báo cáo và tìm sự giúp đỡ.

"Bên cạnh đó, gia đình nên đề ra các quy tắc rõ ràng về việc sử dụng mạng và thiết lập giới hạn thời gian trực tuyến cho trẻ. Thường xuyên kiểm tra hoạt động trực tuyến của trẻ và đảm bảo rằng họ không tiếp xúc với nội dung không phù hợp hoặc nguy hiểm. Tham gia cùng trẻ trên môi trường mạng, thể hiện tình yêu thương và sự quan tâm của gia đình để trẻ em cảm thấy thoải mái khi chia sẻ mọi vấn đề mình gặp phải trên mạng. Những vai trò này sẽ giúp gia đình đóng góp tích cực vào việc bảo vệ trẻ em khỏi những tác động tiêu cực trên không gian mạng và tạo ra một môi trường an toàn cho sự phát triển của họ" – ông Đỗ Đức Long cho biết thêm.

Qua đó, có thể khẳng định, trong các môi trường tác động hình thành đến nhân cách của đứa trẻ thì môi trường gia đình là quan trọng nhất, đặc biệt là cách sống, lối sống, suy nghĩ của cha mẹ. Cha mẹ phải quan tâm, giáo dục con từ khi con còn bé. Những đứa trẻ chính là tấm gương phản chiếu của cha mẹ chúng. Bởi vậy, để giáo dục được trẻ tốt thì trước hết cha mẹ phải biết sửa mình, phải biết làm gương và tạo ra một môi trường sống văn minh, lành mạnh./.

Thương Nguyễn


* Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL thực hiện

NỔI BẬT TRANG CHỦ