(Tổ Quốc) -Cuối cùng vụ án xảy ra tại PVN và PVC đã tuyên án. Nhưng giá như không phải chứng kiến những phiên tòa như thế.
- 08.01.2018 Phiên tòa xét xử bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh sẽ làm việc trong cả ngày nghỉ
- 11.01.2018 Ngày làm việc thứ 4 xét xử ông Đinh La Thăng: Các luật sư tiếp tục đặt câu hỏi với bị cáo
- 11.01.2018 Bị cáo Đinh La Thăng bị đề nghị 14-15 năm tù, Trịnh Xuân Thanh chung thân
- 15.01.2018 Ngày làm việc thứ 8: VKS đưa ra những lập luận bảo vệ quan điểm vụ PVN, PVC
- 16.01.2018 Ngày làm việc thứ 9: Bị cáo Đinh La Thăng không đồng ý với lập luận “lợi ích nhóm”
- 17.01.2018 Ngày xét xử thứ 10: Ông Đinh La Thăng không bao giờ nghĩ phải nói lời sau cùng
- 22.01.2018 Tòa tuyên ông Đinh La Thăng 13 năm tù, Trịnh Xuân Thanh chung thân
- 22.01.2018 Bản án nghiêm khắc tại PVN, PVC: “Cảnh báo cần thiết cho sự lạm dụng quyền lực”
Ngay từ ngày đầu diễn ra phiên tòa xét xử, dư luận đã đặc biệt chú ý bởi những bị cáo trong vụ án đều từng giữ chức vụ quan trọng. Không những vậy, đây cũng là phiên tòa có nhiều yếu tố “lần đầu tiên”: lần đầu tiên xét xử một người từng là Ủy viên Bộ Chính trị; lần đầu tiên Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tiến hành xét xử theo mô hình phòng xử án quy định tại Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC, thay vành móng ngựa bằng bục khai báo.
Dư luận thể hiện sự quan tâm bởi người liên quan trong vụ án đều là những cái tên “nóng” như: Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và một số cựu lãnh đạo khác. Con đường từ Phó chủ tịch tỉnh đến trại giam của Trịnh Xuân Thanh cũng khá bất ngờ, lắm tình tiết: được bắt đầu từ chiếc xe lexus tư nhân gắn biển xanh cho đến khi trốn sang nước ngoài, trở về nước đầu thú.
TAND TP Hà Nội tuyên án trong vụ án xảy ra tại PVN và PVC. Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam |
Còn với Đinh La Thăng, một người từng nắm giữ những trọng trách quan trọng, được không ít người dân biết đến và hi vọng ông sẽ làm nhiều việc có hiệu quả trong tương lai… Vì vậy, ngay khi thông tin Đinh La Thăng bị bắt khiến nhiều người bất ngờ, thậm chí đặt ra câu hỏi, một người như ông cũng có những sai phạm trước đó?. Khoảng thời gian từ khi bị bắt tạm giam đến ngày xét xử cũng khiến dư luận không ngớt quan tâm.
Vì thế có thể nói, đây là một phiên tòa đòi hỏi sự công tâm, khách quan từ phía Hội đồng xét xử. Không chỉ các luật sư bào chữa, mà ngay cả chính các bị cáo – được coi là những người tri thức cũng tự bào chữa cho mình. Trong đó có cả những giọt nước mắt sám hối muộn màng, về hoàn cảnh gia đình, về cái tết sum vầy, đoàn tụ... Những mong ước giản dị nhưng rất đỗi xa vời của người vướng vòng lao lý, mất quyền tự do được thốt lên khiến không ít người thấm thía được cái giá của sự tự do.
Nhiều đòi hỏi là vậy, song Hội đồng xét xử đã nhìn nhận khách quan, công tâm, và đảm bảo sự nghiêm khắc của pháp luật đã tuyên án bị cáo Đinh La Thăng - nguyên chủ tịch HĐQT (nay là hội đồng thành viên) PVN 13 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Còn bị cáo Trịnh Xuân Thanh - nguyên chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc PVC 14 năm tù về tội Cố ý làm trái, tù chung thân về tội tham ô tài sản, tổng hợp hình phạt chung bị cáo Trịnh Xuân Thanh phải chấp hành là tù chung thân.
Hội đồng xét xử đã chứng minh bất cứ ai đứng trước pháp luật đều bình đẳng và chịu trách nhiệm cho những gì mình đã gây ra, những người cầm cân nảy mực, nhân danh luật pháp đã không mủi lòng, bị tình cảm lấn át. Mặc dù các lời bào chữa được đưa ra nhằm có lợi cho bị cáo nhưng Hội đồng xét xử đã căn cứ vào tài liệu điều tra, hồ sơ vụ án, lời khai của các bị cáo cũng như quá trình tranh luận tại tòa để có đủ cơ sở kết luận các bị cáo có hành vi phạm tội.
Bên cạnh bán án đã tuyên, Hội đồng xét xử còn yêu cầu các bị cáo bồi thường cho các doanh nghiệp, trong đó có PVN hơn 119 tỷ đồng. Bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh mỗi người bồi thường 30 tỷ đồng. Điều này cho thấy quyết tâm thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát “cái gì không phải của mình, không thuộc về mình thì hãy trả lại” – của ceras trả lại cho ceras. Nói cách khác, những đồng tiền không phải mồ hôi nước mắt của mình làm ra, nếu cố tình biến thành đồng tiền cá nhân thì trước sau gì không chỉ phải gánh chịu tội lỗi bản thân và còn phải bù lại số tiền tham ô đó. Đây là lời cảnh tỉnh nghiêm khắc cho những ai có chức, có quyền nhưng lạm dụng chức quyền để biến tiền công thành tiền túi thỏa mãn mục đích cá nhân.
Bị cáo Đinh La Thăng bị toàn tuyên phạt 13 năm tù. Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam |
Được biết, với tính chất một vụ án kinh tế, nếu các bị cáo khắc phục, trả lại số tiền mình đã tham ô, tham nhũng thì mức án sẽ được giảm. Đây là tính nhân văn của pháp luật nhưng cũng đầy sức cảnh báo, răn đe.
Án đã tuyên, vụ án đã tạm khép lại, nhưng có lẽ những gì xảy ra xung quanh vụ án sẽ còn được nhiều người nhớ đến và nhắc lại. Giá như chúng ta không phải chứng kiến những vụ án kinh tế, giá như không có thêm những vụ án tương tự thì tốt biết mấy. Lúc đó, trong sâu thẳm con người không phải thốt lên lời sau cùng sám hối cay đắng nhưng đã muộn mằn. Và cách tốt nhất để những hình ảnh này trong cuộc đời mỗi người không xảy ra thì tự mỗi chúng ta hãy đừng mắc sai lầm, làm bất cứ việc gì, quyết định bất cứ việc gì hãy nghĩ đến lợi ích của nhân dân và đất nước lên hàng đầu.
Giá như không phải chứng kiến những phiên tòa giá như thế!