(Tổ Quốc) - Theo hãng AP, Mỹ gần đây kêu gọi Nga tăng cường cung cấp khí đốt cho Liên minh châu Âu (EU) nhằm tránh nguy cơ thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng vào mùa đông tới.
Cố vấn năng lượng cấp cao của Tổng thống Mỹ Joe Biden - Amos Hochstein nhấn mạnh, Nga nên cung cấp thêm nhiều khí đốt tự nhiên cho châu Âu ngay bây giờ, thay vì chờ phê duyệt cuối cùng dự án đường ống dẫn khí mới – Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc).
Theo ông Amos Hochstein, cuộc khủng hoảng khí đốt tự nhiên ở châu Âu xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó bao gồm cả nhu cầu khí đốt lớn của Trung Quốc. Nga có đủ khí đốt để tăng doanh số bán hàng vào hiện tại thay vì chờ đợi các nhà chức trách của Liên minh châu Âu hay Đức công bố phê duyệt cuối cùng đối với Nord Stream 2 - dự án đường ống dẫn khí đốt đặt ngầm dưới biển nối giữa Nga và Đức.
"Moscow có thể tăng sản lượng ở thượng nguồn. Họ nên làm như vậy với đường ống dẫn khí đốt hiện có. Nếu Nga có khí đốt dẫn qua đường ống mới trong dự án Nord Stream 2 thì họ sẽ có sẵn khí đốt để vận chuyển qua đường ống dẫn khí thông thường ở Ukraine hoặc các đường ống khác, thay vì chờ đợi hoàn thành thủ tục của dự án Nord Stream 2", ông Amos Hochstein nhấn mạnh.
Trong thời gian dài, châu Âu vẫn phụ thuộc 90% vào lĩnh vực nhập khẩu khí đốt, chủ yếu từ Nga. Hiện tại, giá khí đốt tự nhiên mà EU phải trả cao gấp 5 lần so với đầu năm nay. Vì vậy, EU đang đối mặt với lo lắng thiếu hụt khí đốt để đáp ứng nhu cầu sưởi ấm của người dân vào mùa đông sắp tới. Tập đoàn Dầu khí Gazprom của Nga cam kết đảm bảo cung cấp khí đốt cho khách hàng châu Âu theo hợp đồng dài hạn nhưng không hề tăng nguồn cung trên thị trường ngay cả khi giá cả tăng chóng mặt.
Giới phân tích và một số chính trị gia cho rằng Nga dường như đang hạn chế nguồn cung khí đốt để gây áp lực cho các nhà chức trách châu Âu, đẩy nhanh tiến độ phê duyệt cuối cùng đối với dự án Nord Stream 2. Đây cũng là giải pháp để khắc phục tình trạng khủng hoảng khí đốt của châu Âu vào thời điểm hiện tại.
Ông Hochstein cũng nhắc lại cảnh báo từ tháng Chín cho rằng việc thiếu khí đốt và nhiệt có thể ảnh hưởng đến cuộc sống người dân khi mùa động lạnh hơn bình thường.
"Cuộc khủng hoảng năng lượng mà chúng ta đang đối mặt không chỉ về vấn đề tiền bạc và giá cả mà có thể ảnh hưởng đến tính mạng con người", ông Hochstein nhấn mạnh.
Giải quyết khủng hoảng năng lượng?
Mỹ từng phản đối dự án đường ống Nord Stream 2 của Nga. Đường ống này được xây dựng bên dưới biển Baltic dẫn khí trực tiếp từ Nga đến Đức, thay thế cho đường ống thông thương chạy qua Ukraine. Washington cho rằng động thái này có thể gia tăng sự phụ thuộc của EU vào Nga. Cả Ba Lan và Ukraine cũng đã phản đối vì lo ngại về an ninh năng lượng.
Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Biden đã nới lỏng các biện pháp trừng phạt vói Nga sau khi dự án Nord Streams sắp hoàn thành.
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 9/9, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết Nord Stream 2 là dự án không thể ngăn cản và đây là lúc các bên ngừng cản trở, chống phá, hoài nghi về tuyến đường ống này để cùng nhau khai thác hiệu quả lợi ích chung từ dự án.
Bà Zakharova cũng nhấn mạnh, thời điểm để chính thức khai thác dòng khí đốt đầu tiên sẽ tùy thuộc vào quyết định của cơ quan chức năng Đức.
Hôm 10/9, hãng AFP dẫn tuyên bố của công ty dầu khí nhà nước Nga - Gazprom cho biết đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 đã hoàn thành.
Nord Stream 2 dự kiến sẽ giúp tăng gấp đôi nguồn cung khí đốt tự nhiên từ Nga sang Đức, nhưng nó đã gây chia rẽ ý kiến giữa các quốc gia trong châu Âu và làm gia tăng căng thẳng giữa khối này với Mỹ.
Theo Fiancial Times, Nga cho biết sẽ tăng nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu ngay sau khi Đức phê duyệt giai đoạn cuối cùng về đường ống Nord Stream 2 mới, đồng thời nhấn mạnh các điều kiện của Moscow trong nỗ lực giải quyết khủng hoảng năng lượng châu lục.
"Gazprom sẽ tăng dòng chảy khí đốt theo đường ống dẫn mới ngay sau khi cơ quan quản lý của Đức phê duyệt. Nguồn khí đốt gia tăng đáp ứng nhu cầu năng lượng cho châu Âu vào bối cảnh hiện tại", Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định.
Tuy nhiên, động thái này đang khiến EU khó chịu bởi nguồn cung luôn có sẵn nhưng Moscow lại nhất quyết phải chờ dự án Nord Stream 2 hoàn tất mới đáp ứng nhu cầu năng lượng cho châu Âu. Các cáo buộc cho rằng Moscow đang cố tình giữ lại khí đốt vì lợi ích riêng để sản xuất vũ khí. Tuy nhiên, Moscow bác bỏ cáo buộc này, khẳng định đây là bước chuẩn bị cho dự án Nord Stream 2 và không hề mang tính thương mại.
Mỹ và một số nước Đông Âu cho biết, Nga đang muốn sử dụng dự án đường ống trị giá 10 tỷ đô la như một vũ khí địa chính trị khiến EU phải phụ thuộc năng lượng vào Moscow. Gần đây, Moscow đang phải chịu chỉ trích vì không bổ sung thêm nguồn cung khí đốt cho châu Âu bất chấp tuyên bố của Tổng thống Putin sẵn sàng hành động giúp hạ nhiệt khủng hoảng năng lượng/.