(Tổ Quốc) - Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hà Nam, đến hết tháng 7/2021, Trung tâm đã tiếp nhận 2.163 hồ sơ đề nghị hưởng Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), trong đó 1.762 người đã có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp với số tiền trên 25 tỷ đồng.
- 23.08.2021 Đồng Tháp nâng cao năng lực đơn vị thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp
- 19.08.2021 Quảng Trị: Hỗ trợ kịp thời cho người lao động hưởng trợ cấp Bảo hiểm thất nghiệp
- 19.08.2021 Hải Phòng: Nhiều giải pháp để hỗ trợ người lao động hưởng trợ cấp Bảo hiểm thất nghiệp trong giai đoạn dịch Covid-19
- 16.08.2021 Thừa Thiên Huế: Bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ thiết thực cho người lao động trong bối cảnh dịch bệnh
"Phao cứu sinh" đối với người lao động
Dịch COVID-19 bùng phát, diễn biến phức tạp đã khiến nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, nhiều doanh nghiệp khác phải đóng cửa, ngừng hoạt động. Đây là lý do khiến hàng nghìn người lao động rơi vào tình trạng bị giảm lương, tạm nghỉ, không có việc làm... Tình thế này khiến chính sách BHTN trở thành "phao cứu sinh" đối với người lao động trong việc duy trì cuộc sống trước mắt cho đến khi tìm được việc làm mới và quay trở lại thị trường lao động.
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hà Nam, đến hết tháng 7/2021, Trung tâm đã tiếp nhận 2.163 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), trong đó 1.762 người đã có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp với số tiền trên 25 tỷ đồng.
Chị Nguyễn Thị Hạnh (TX Duy Tiên, Hà Nam) cho biết, với khoản trợ cấp thất nghiệp hơn 3 triệu đồng/tháng, gia đình chị đỡ phần nào lo lắng hơn về lương thực, thực phẩm trong lúc giãn cách. Trước đây chị làm nhân viên kinh doanh của một công ty kinh doanh thực phẩm có điểm bán hàng tại Hà Nam với mức lương gần 7 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát cuối tháng 4 vừa qua tại nhiều tỉnh thành trên cả nước đã làm ảnh hưởng đến hoạt động của công ty, dẫn tới công ty bắt buộc phải đóng cửa phần lớn các điểm bán hàng và chị buộc phải nghỉ việc.
"Lúc ban đầu mới nghỉ việc, tôi cũng rất lo lắng. Không có thu nhập, các chi phí sinh hoạt thiết yếu cũng chưa biết tính sao. Cuối tháng 5, tôi làm hồ sơ đăng ký hưởng BHTN, may mắn là hồ sơ được duyệt chỉ sau ít ngày. Mỗi tháng được hưởng hơn 3 triệu đồng tiền trợ cấp thất nghiệp với tôi là hết sức may mắn, giúp tôi trang trải được nhiều việc trong sinh hoạt hàng ngày. Hiện tại tôi chỉ mong dịch sớm được khống chế để tôi có thể tìm việc làm mới", chị Hạnh cho hay.
Đầu tháng 7, khi dịch COVID-19 ở Hà Nội trở nên phức tạp, anh Lê Hoàng Hà (TP Phủ Lý, Hà Nam) đã phải nghỉ việc. Công việc của anh là lái xe cho một doanh nghiệp, chuyên giao hàng trên địa bàn Hà Nội. Anh Hà cho hay, từ khi dịch COVID-19 bùng phát vào đầu năm 2020, công ty đã bị ảnh hưởng nhiều, thu nhập giảm. Trước tình hình này anh cũng từng có ý định nghỉ việc, tuy nhiên tìm kiếm được việc làm mới phù hợp là không dễ nên anh cố gắng duy trì.
"Trong bối cảnh dịch phức tạp như hiện nay thì nghề lái xe không còn phù hợp với tôi nữa nên tôi quyết định nghỉ việc. Sau đó, tôi làm hồ sơ đề nghị hưởng BHTN. Chỉ sau một thời gian ngắn tôi có quyết định được hưởng trợ cấp thất nghiệp 3,6 triệu đồng/tháng. Bắt đầu hưởng từ tháng 8. Tôi cũng được tư vấn, hướng dẫn đăng ký tìm việc làm tại một công ty khác. Tuy nhiên, tôi vẫn đang cân nhắc xem công việc nào sẽ phù hợp với mình trong thời điểm dịch bệnh", anh Hà chia sẻ.
Tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm qua các hình thức trực tuyến
Để làm cầu nối cho người lao động và doanh nghiệp có hiệu quả trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng, Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nam đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm hỗ trợ tối đa cho người lao động.
Cụ thể, Trung tâm chủ trương tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm qua các hình thức trực tuyến; phối hợp chặt chẽ, khoa học với các cơ sở đào tạo nghề tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động khi đăng ký học nghề; đa dạng thông tin để người lao động và doanh nghiệp nắm bắt...
Tại thời điểm dịch bệnh đang bùng phát hết sức căng thẳng với mức độ lây lan cao, Trung tâm phải tập trung nhân lực của tất cả các phòng, ban đón tiếp, phân luồng khai báo y tế, đo thân nhiệt, giãn cách theo đúng 5K của Bộ Y tế, tư vấn ban đầu và giải quyết hưởng BHTN cho người lao động.
Ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm cho biết: Trong những tháng cuối năm, Trung tâm dịch vụ việc tỉnh Hà Nam tiếp tục phát huy có hiệu quả những chủ trương, chính sách mà tỉnh đề ra, cũng như thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg để người lao động sớm ổn định việc làm, thu nhập, chính sách bảo hiểm… Đồng thời, Trung tâm tiếp tục đổi mới phương thức tư vấn giới thiệu việc làm, dạy nghề cho người lao động có nhu cầu, nhất là lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Trung tâm cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp giới thiệu việc làm, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động./.