• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Giáp công thương mại, Mỹ “điểm huyệt” Trung Quốc

Thế giới 10/04/2018 08:54

(Tổ Quốc) - Mỹ tấn công Trung Quốc về thương mại để triển khai chiến lược kiềm chế Trung Quốc.

Ngày 8/4, trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết: “Trung Quốc sẽ gỡ bỏ hàng rào thuế quan thương mại của nước này (đối với hàng hóa Mỹ) bởi đây là điều đúng đắn... Đây sẽ là cái kết tốt đẹp vì tương lai của cả hai nước”. Ông Trump cho biết thêm chính sách thuế quan của hai nước sẽ mang tính có đi có lại và hai bên sẽ đạt được thỏa thuận về quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, Tổng thống Trump không cho biết lý do đưa ra tuyên bố trên.

Hơn một năm qua, cuộc cọ xát thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã lờ mờ xuất hiện. Đến giao thời của năm 2017-2018, Mỹ tung ra hai văn kiện quan trọng: Chiến lược An ninh Quốc gia (NSS), 12/2017, và Chiến lược Quốc phòng Quốc gia (NDS), 1/2018, trong đó xác định Trung Quốc, cùng với Nga, là đối thủ cạnh tranh chiến lược và đe dọa lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ. Đến ngày 23/3/2018, Tổng thống Mỹ chính thức phát động cuộc tấn công thương mại nhằm vào Trung Quốc, khi công bố những biện pháp hạn chế thương mại mới đối với Trung Quốc trị giá 60 tỷ USD.

Ngày 3/4, Mỹ đã tiến hành một đợt áp thuế nữa đối với hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ trị giá 50 tỷ USD. Khi Trung Quốc trả đũa Mỹ bằng tuyên bố áp thuế đối với hàng hóa Mỹ trị giá 50 tỷ USD, ngày 6/4, Tổng thống Mỹ liền đe dọa áp thuế 100 tỷ USD đối với hàng hóa Trung Quốc.

Tấn công thương mại - mũi giáp công của Mỹ

Người Trung Quốc cho rằng họ đã ở thế mạnh và sẵn sàng chơi đến cùng với Mỹ trong cuộc chiến thương mại. Nhưng Tổng thống Mỹ không phải không có lý khi cho rằng, “Mỹ chưa hề đạt thặng dư thương mại với Trung Quốc trong 40 năm qua. Họ phải chấm dứt các hoạt động thương mại không công bằng, gỡ bỏ các rào cản và chỉ tính thuế theo nguyên tắc có đi có lại. Mỹ đang mất 500 tỷ USD một năm và mất hàng tỷ USD trong nhiều thập kỷ qua”. 

 Khối băng ngầm thương mại Mỹ đưa ra có thể va đập vào con tàu Trung Quốc đang hướng tới các mục tiêu tầm xa mà Chủ tịch Tập Cận Bình xác định.

Chính Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải, ngày23/3, đã thừa nhận với báo chí Mỹ: “Trung Quốc và Mỹ đích thực tồn tại tình trạnh mất cân bằng thương mại, hơn nữa, con số này khá lớn, chúng tôi cũng muốn cắt giảm nó”.  

Năm 2001, khi Trung Quốc mới gia nhập WTO, thặng dư thương mại hai nước là 83 tỷ US; 16 năm sau, con số là 375,2 tỷ USD; trung bình mỗi năm tăng 10%.

Mỗi năm xuất khẩu từ Mỹ sang Trung Quốc tạo khoảng 800.000 công ăn việc làm mới cho người Mỹ, trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc lại khiến cho 5 triệu người Mỹ mất việc làm hoặc phải chuyển đổi công việc. Như vậy, tư duy “cùng thắng” của người Trung Quốc té ra là chỉ Trung Quốc thắng. Donald Trump quyết tâm đảo ngược xu thế này bất chấp các tính toán lợi hại và cả những đe dọa trả đũa của phía Trung Quốc.

Không phải không biết rằng Mỹ không thể giải quyết vấn đề thâm hụt thương mại theo nhận thức của Mỹ, Chính quyền Trump đã sử dụng cuộc tấn công thương mại như một trong các mũi giáp công. Quyết tâm tự mình điều chỉnh hành vi của Trung Quốc, Mỹ sẽ gia tăng áp lực bằng cách nhắm vào kinh tế và những lợi ích chiến lược rộng lớn hơn của Trung Quốc, “điểm huyệt” cả vấn đề cải thiện quan hệ với Đài Loan và vấn đề cải cách Trung Quốc.

Với Bắc Kinh, thời điểm diễn ra cuộc đối đầu Mỹ-Trung không thể tồi tệ hơn, khi giới lãnh đạo Trung Quốc đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là thúc đẩy những cải cách kinh tế-xã hội bị trì hoãn bấy lâu. Theo đánh giá của tổ chức tình báo chiến lược Stratfor, “tranh chấp thương mại ngày càng gay gắt với Mỹ có thể tạo ra trở ngại ghê gớm đối với công cuộc cải cách của Trung Quốc”. Sâu xa hơn, nó sẽ tác động đến việc thực hiện các mục tiêu chiến lược dài hạn mà ông Tập Cận Bình xác định tại Đại hội 19 ĐCS Trung Quốc.

Mỹ tung ra gói áp thuế 50 tỷ USD ngày 3/4 trọng tâm “điểm huyệt” các công nghệ “Made in China 2025”, trong đó bao gồm nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, kỹ thuật – những lĩnh vực mà Trung Quốc đang quyết tâm vươn lên tầm cao số I thế giới vào năm 2035.

Cuộc phản kích thương mại của Mỹ còn nhằm tập hợp lực lượng quốc tế kiềm chế Trung Quốc, ngăn chặn xu hướng ly tâm trong các nước đồng minh của Mỹ, bị ngả nghiêng trước sức hấp dẫn kinh tế của Trung Quốc. Điều Trung Quốc ngán nhất là Mỹ lôi kéo các đồng minh “đánh hội đồng” Trung Quốc về thương mại. Ngày 8/4, Larry Kudlow, cố vấn kinh tế mới tại Nhà  Trắng, tiết lộ, một “liên minh tự nguyện” – bao gồm Canada, phần lớn các quốc gia châu Âu và Úc – đã  hình thành để tạo sức ép đối với Trung Quốc và rằng Mỹ phải đòi hỏi WTO “nghiêm khắc hơn” với Trung Quốc. Báo cáo về chính sách thương mại thường niên của chính quyền Mỹ, công bố tháng 3/2018, phê phán Trung Quốc, “cho dù là thành viên WTO từ hơn 16 năm nay, nhưng vẫn chưa áp dụng hệ thống kinh tế thị trường mà tất cả các thành viên WTO mong đợi. Và trên thực tế, Trung Quốc ngày càng xa rời với các nguyên tắc thị trường”. 

Nếu những điều Donald Trump viết trên Twitter ngày Chủ nhật vừa rồi là xuất phát từ những kết quả “đi đêm” giữa Mỹ và Trung Quốc tại Washington, thì có thể những nhà vạch chính sách có đầu óc tỉnh táo, thực dụng ở Bắc Kinh đã học ở người láng giềng Hàn Quốc nhanh chóng thương lượng và thỏa hiệp để đạt thỏa thuận mới về Hiệp định thương mại tay đôi với Mỹ.

Cũng cần có thêm thời gian để xem, Trung Quốc thỏa hiệp và nhân nhượng gì khiến ông Trump viết ra những lời lạc quan và vui vẻ nhường vậy  tại Twitter của mình./.

 

TS. Nguyễn Ngọc Trường

NỔI BẬT TRANG CHỦ