• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhắm “gót achilles” của ông Trump, Bắc Kinh kiểm đòn trả đũa Mỹ?

Thế giới 06/04/2018 12:51

(Tổ Quốc) - Ai mới là bên có lợi thế thực sự trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, và chiến thắng sẽ ra sao?

Trước tình hình căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang tiếp tục leo thang, giới chuyên gia và người dân mỗi nước đang tự hỏi: Ai sẽ là người có khả năng thua nhiều hơn? Và cuộc xung đột này sẽ kết thúc như thế nào?

Tờ Washington Post nhận định, xét về mặt kinh tế, Trung Quốc sẽ là bên chịu nhiều thua thiệt hơn nếu một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện xảy ra. Nền kinh tế Trung Quốc đang phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, và 20% tổng hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc là sang thị trường Mỹ. Năm ngoái, Trung Quốc xuất sang Mỹ 506 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ. Trái ngược lại, giá trị xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc chỉ có 130 tỷ USD.

“Trong một cuộc chiến kinh tế thực sự, nước Mỹ chắc chắn sẽ thắng,” Derek Scissors, một học giả tại Viện Doanh nghiệp Mỹ từng cố vấn cho chính quyền Mỹ về Trung Quốc, nói.

Trung Quốc hay Mỹ sẽ mất nhiều hơn nếu chiến tranh thương mại nổ ra?

Tuy nhiên, đây không chỉ là một cuộc chiến kinh tế, mà nó còn liên quan chặt chẽ tới chính trị. Và nhiều khả năng, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ khó duy trì được một cuộc xung đột lâu dài hơn với Trung Quốc – đặc biệt là khi cuộc bầu cử giữa kỳ 2018 đang sắp diễn ra.

Trong khi đó, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ nắm giữ vị trí quyền lực tối cao của Trung Quốc trong một thời gian rất dài nữa. Ông Tập cũng sở hữu một bộ máy truyền thông mạnh mẽ và hơn hết, là 3.000 tỷ USD thặng dư tiền mặt.

Tất cả điều này đem lại cho Chủ tịch Trung Quốc khả năng phản ứng nhanh chóng trước các động thái của Tổng thống Trump. Ông thậm chí còn có thể hỗ trợ các công ty  Trung Quốc bị ảnh hưởng trong thời gian tới, và trợ giá đậu tương - khiến người tiêu dùng Trung Quốc không phải đối mặt với mức giá sốc tại các cửa hàng. Bắc Kinh đã sử dụng chiến thuật tương tự trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và 2009. Dự trữ tiền mặt của Trung Quốc giờ đây có thể không còn nhiều như lúc đó, tuy nhiên, vẫn lớn hơn so với Mỹ.

Trung Quốc của 2018 có thể vững vàng hơn rất nhiều

Tổng thống Mỹ cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn. Ông đã nhận được những lời phàn nàn từ các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa, chất vấn về các quyết định liên quan tới thuế của ông. Hôm 5/4, Thượng Nghị sỹ Ben Sasse của bang Nebraska cáo buộc người đứng đầu nước Mỹ “không có kế hoạch thực tế nào để chiến thắng lúc này”, và “có khả năng đặt nền nông nghiệp Mỹ vào lửa bỏng”.

Ông Trump cũng phải đối mặt với sự giận dữ của Phố Wall – từ những nhà điều hành các tập đoàn lớn như Boeing, cho tới những nông dân vùng Midwest. Nhiều người trong số này đã từng bỏ phiếu cho ông Trump và giờ đây đang cảm thấy bị phản bội. Một số nhà lãnh đạo của Đảng Cộng hòa còn e ngại rằng, những hành động của ông Trump sẽ khiến Đảng này mất bớt ghế trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.

“Trong 12 tháng tới, Trung Quốc có thể chống chọi tốt hơn nhiều so với Mỹ,” Evan Medeiros, giám đốc quản lý của Tập đoàn Eurasia, đồng thời là cựu cố vấn cấp cao về châu Á dưới thời Tổng thống Barack Obama, dự đoán.

Cho đến thời điểm hiện tại, ông Trump đã đe dọa sẽ áp thuế lên khoảng 150 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ Trung Quốc, còn Trung Quốc đáp trả là áp thuế lên 50 tỷ USD hàng hóa Mỹ. Trong khi hầu hết sự tập trung ở hiện nay đều hướng về các mức thuế quan, dường như Trung Quốc còn có nhiều “chiêu bài” hơn để đối phó Mỹ.

Bắc Kinh có thể dừng hợp tác với Mỹ về vấn đề Triều Tiên. Họ cũng có thể bán đi một vài khoản nợ của Mỹ hay khiến các công ty của Mỹ tại Trung Quốc, như Nike, Disney, Apple… - hoạt động khó khăn hơn. Còn đối với Mỹ, các động thái đáp trả thậm chí hầu như là không có. Bởi vì, chính phủ Mỹ không có nhiều sự kiểm soát đối với các công ty hoạt động trong biên giới của mình.

Tổng thống Trump cũng đang ở trong một tình huống khó khăn. Ông từng nói rằng, Mỹ và Trung Quốc đang ở trong một cuộc chiến tranh thương mại, và Mỹ đã bị tấn công từ nhiều năm nay. Ông Trump tỏ ra sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh. “Chúng ta có thể có một chút tổn thương ngắn hạn, nhưng chắc chắn sẽ đạt được thành công trong dài hạn,” thư ký báo chí Tổng thống, Sarah Huckabee Sanders phát biểu hôm thứ Tư (4/4).

Người đứng đầu nước Mỹ cũng cảm thấy tràn đầy tự tin sau khi chính quyền của ông tái thương thảo thành công hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc. Tuy nhiên, Hàn Quốc chỉ là nền kinh tế đứng thứ 11 trên thế giới, và đang phụ thuộc không nhỏ vào viện trợ quân sự từ Mỹ. Còn Trung Quốc đang là nền kinh tế lớn thứ 2 toàn cầu, và đương nhiên không phải chịu nhiều áp lực từ phía Mỹ như Hàn Quốc.

“Ông Tập sẽ không thể nói: Được rồi, Trump đang đe dọa chúng ta, vì vậy chúng ta nên đầu hàng,” Phil Levy, một học giả cấp cao tại Hội đồng Chicago về các vấn đề toàn cầu chỉ ra.  

Trung Quốc sẽ không khoan nhượng trước Mỹ?

Trung Quốc nhắm vào các yếu điểm chính trị của ông Trump

Phản ứng nhanh chóng và mạnh mẽ của Trung Quốc trong tuần này được coi là một thông điệp gửi tới Washington rằng, Bắc Kinh có thể theo đuổi được một trò chơi lâu dài.

Việc áp thuế lên 30% hàng hóa và dịch vụ Trung Quốc xuất sang Mỹ như ông Trump đe dọa – gần như chắc chắn sẽ không có ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ nền kinh tế. Tuy nhiên, nó sẽ khiến người tiêu dùng Mỹ phải đối mặt với mức giá tăng cao ở các mặt hàng như TV, giày dép, quần áo và thậm chí là cả iPhones.

Một số vùng của nước Mỹ sẽ phải chịu ảnh hưởng nặng nề hơn nếu Trung Quốc thực hiện lời đe dọa trả đũa của mình. Có lẽ nông dân và nhà sản xuất rượu vang của Mỹ khó có thể hiểu được, tại sao mình lại trở thành vật hy sinh trong cuộc chiến chống lại nạn vi phạm sở hữu trí tuệ của Trung Quốc.

Theo Viện Brookings, tất cả các sản phẩm Trung Quốc đe dọa áp thuế cho tới thời điểm này, sẽ ảnh hưởng tới 2,1 triệu việc làm trên khắp 2.783 hạt (county) của nước Mỹ. 82% các hạt này từng bỏ phiếu cho ông Trump trong cuộc bầu cử năm 2016.  

“Ông Tập có lẽ đã phân tích tình huống tốt hơn chính quyền Trump,” J. Stapleton Roy, cựu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc dưới thời hai Tổng thống George H.W.Bush và Bill Clinton. “Chính quyền Trump dường như không nắm được rằng, họ đang gây tổn thương nhầm người (người nông dân)” trong cuộc chiến này.

“Chiến thắng” sẽ trông như thế nào?

Một thách thức lớn của ông Trump là ông không đưa ra được những chỉ thị rõ ràng và kết nối liên quan tới Trung Quốc. Ngài Tổng thống và đội ngũ của mình nói về ba vấn đề: thâm hụt thương mại, sở hữu trí tuệ Trung Quốc và chính sách công nghiệp của Trung Quốc (hay còn được biết đến với cái tên “Made in China 2025”).

Tuy nhiên, không có một yêu cầu cụ thể được đề cập tới. Và chính điều này đã khiến Trung Quốc có thể đóng vai trò một “nạn nhân” trong những nỗ lực sửa chữa sai lầm của Mỹ.

“Tôi muốn Mỹ làm nhiều hơn trước Trung Quốc, nhưng tôi cũng muốn Mỹ làm nhiều hơn với một kế hoạch cụ thể,” Scissor cho biết. “Chúng ta cần có những yêu cầu rất cụ thể cho người Trung Quốc. Thay vào đó, chúng ta mới chỉ nói, ‘chúng tôi muốn các anh thay đổi”.

Trò chơi sẽ kết thúc như thế nào?

Tổng thống Trump từng nói,  nước Mỹ sẽ dễ dàng chiến thắng trong một cuộc chiến tranh thương mại. Ông Tập không phát biểu như vậy. Nhà lãnh đạo Trung Quốc khẳng định, ông không muốn một cuộc chiến thương mại, nhưng Bắc Kinh sẽ đáp trả bất kỳ hành động nào của Washington. Washington Post nhận định, Chủ tịch Trung Quốc dường như đã chuẩn bị cho một chiến thắng chính trị dễ dàng nếu mọi việc trên địa hạt kinh tế trở nên căng thẳng hơn.

Tuy nhiên, một số chiến lược gia và các chuyên gia đối ngoại kinh nghiệm cho rằng, nhiều khả năng, ông Trump sẽ có được một số nhượng bộ nhỏ từ phía Trung Quốc, và sau đó, tuyên bố chiến thắng của mình.

Tuần trước, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã nói, Trung Quốc chuẩn bị dỡ bỏ bớt các rào cản thị trường cho công ty Mỹ; đồng thời, dừng việc ép các công ty nước ngoài phải chuyển giao công nghệ. Nếu ông Trump có thể khiến những hứa hẹn này thành sự thật, nhiều khả năng ông sẽ tuyên bố, mình làm được nhiều cho nước Mỹ hơn là Obama, Bush hay Clinton.

Tuy nhiên, những thay đổi đó sẽ không có nhiều tác dụng đối với thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, hay ngăn chặn tốc độ phát triển của Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực công nghệ cao. Nếu ông Trump chỉ muốn những nhượng bộ nhỏ nhoi như vậy, trong tương lai, rất có thể ông sẽ phải đối mặt với một Trung Quốc “khó chơi” hơn nữa.

 

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ