• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hàn Quốc phóng tên lửa đẩy tự sản xuất đầu tiên vào không gian

Thế giới 21/06/2022 20:56

(Tổ Quốc) - Theo hãng AP, ngày 21/6 Hàn Quốc đã phóng tên lửa đẩy Nuri phát triển nội địa đầu tiên vào không gian sau khi thất bại trong lần thử đầu tiên vào tháng 10 năm ngoái.

Một số chuyên gia cho rằng nếu vụ phóng thành công, sẽ thúc đẩy tham vọng khám phá không gian ngày càng cao của Hàn Quốc trong tương lai. Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng sẽ thúc đẩy năng lực công nghệ quan trọng để xây dựng hệ thống giám sát trên không gian cũng như phát triển tên lửa trong bối cảnh căng thẳng tiếp tục leo thang trên bán đảo Triều Tiên.

Hàn Quốc phóng tên lửa đẩy tự sản xuất đầu tiên vào không gian - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: AP

Tên lửa Nuri nặng 200 tấn mang theo vệ tinh xác nhận hiệu suất 162,5kg, cùng 4 vệ tinh hình khối và 1 vệ tinh giả nặng 1,3 tấn rời khỏi bệ phóng từ Trung tâm không gian nằm ở làng ven biển phía nam Hàn Quốc vào khoảng 4 giờ chiều Hàn Quốc (2 giờ chiều theo giờ Việt Nam). Đoạn phim truyền hình trực tiếp cho thấy tên lửa mang quốc kỳ Hàn Quốc bay vào không trung với ngọn lửa sáng rực và phía trên là những đám khói trắng dày đặc.

Kết quả của vụ phóng sẽ được thông báo vào cuối ngày hôm nay (21/6). Trước đó, trong lần thử đầu tiên vào tháng 10 năm ngoái, trọng tải giả của tên lửa đã đạt đến độ cao mong muốn là 700km nhưng không đi vào quỹ đạo vì động cơ của đã bị cháy sớm hơn dự định.

Theo AP, nếu vụ phóng tên lửa thành công thì Hàn Quốc sẽ trở thành quốc gia thứ 10 trên thế giới có thể đưa vệ tinh vào không gian bằng công nghệ của quốc gia. Điều này cũng có nghĩa Hàn Quốc sẽ có được công nghệ để phát triển tên lửa vũ trụ nội địa, mở ra một kỷ nguyên mới trong chương trình vũ trụ của nước này.

Là nền kinh tế lớn thứ 10 trên thế giới, Hàn Quốc trở thành nhà cung cấp chính cho thế giới về chất bán dẫn, ô tô và điện thoại thông minh trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, chương trình phát triển không gian của nước này lại xếp sau các nước láng giềng châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản.

Triều Tiên đã đưa vệ tinh quan sát Trái đất đầu tiên và thứ hai vào quỹ đạo trong năm 2012 và năm 2016. Liên hợp quốc đã áp dụng các biện pháp trừng phạt với Bình Nhưỡng sau các vụ phóng này vì cho rằng đây là cơ sở để phát triển công nghệ tên lửa tầm xa.

Kể từ những năm 1990, Hàn Quốc đã phóng một loạt vệ tinh vào không gian nhưng tất cả đều thực hiện ở những bãi phóng ở nước ngoài hoặc sử dụng công nghệ nước ngoài. Trong năm 2013, Hàn quốc đã thử nghiệm thành công vệ tinh trong nước nhưng giai đoạn đầu vẫn phải nhờ phương tiện phóng của Nga.

Mở rộng tham vọng khám phá không gian

Sau khi tên lửa phóng vào không gian, Hàn Quốc đã có kế hoạch thực hiện thêm 4 vụ phóng tên lửa Nuri khác trong những năm tới. Seoul hy vọng sẽ tăng cường tham vọng gửi thêm tàu thăm dò lên Mặt trăng, phát triển thêm phương tiện phóng không gian thế hệ tiếp theo và đưa các vệ tinh quy mô lớn vào quỹ đạo.

Các quan chức Hàn Quốc cho biết vụ phóng tên lửa Nuri không hề mang mục địch quân sự. Việc chuyển giao công nghệ phóng vào vũ trụ bị hạn chế nghiêm ngặt theo quy định kiểm soát xuất khẩu đa phương bởi vì bao gồm các ứng dụng quân sự. Các chuyên gia cho rằng tên lửa đạn đạo và phương tiện phóng không gian có chung thân, động cơ và các thành phần khác.

"Nếu bạn đặt một vệ tinh vào đầu tên lửa thì nó sẽ trở thành một phương tiện phóng vào không gian. Những nếu bạn gắn một đầu đạn vào tên lửa thì nó sẽ trở thành vũ khí", ông Kwon Yong Soo, cựu Giáo sư Đại học Quốc phóng Hàn Quốc cho biết. "Nếu chúng tôi thành công trong vụ phóng tên lửa Nuri thì điều này thực sự có cơ sở để phát triển công nghệ tên lửa tầm xa."

Ông Lee Choon Geun, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Chính sách Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc nhận định rất khó để xem Nuri như một tên lửa tầm xa bởi vì nó sử dụng nhiên liệu lỏng phải được giữ ở nhiệt độ cực thấp và yêu cầu thời gian tiếp nhiên liệu lâu hơn nhiều so với nhiên liệu rắn. Ông Geun cũng cho rằng tên lửa tầm xa của Triều Tiên cũng sử dụng nhiên liệu lỏng nhưng là loại cực độc được duy trì ở nhiệt độ bình thường và cần thời gian để tiếp nhiên liệu nhanh hơn so với Nuri.

Trong năm nay, Triều Tiên đã phóng khoảng 30 tên lửa với tầm bắn xa có thể tới Mỹ hoặc các đồng minh trong khu vực như Hàn Quốc và Nhật Bản. Ông Kwon cho rằng vụ phóng tên lửa Nuri đã chứng minh rằng Hàn Quốc có khả năng đưa vệ tinh do thám vào quỹ đạo.

Hàn Quốc hiện không có vệ tinh do thám quân sự và phải phụ thuộc vào vệ tinh do thám cuả Mỹ để giám sát các cơ sở chiến lược của Triều Tiên. Hàn Quốc cho biết sẽ sớm thực hiện một vụ phóng vệ tinh giám sát của họ trong thời gian sớm nhất./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ