(Tổ Quốc) - Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol ngày 16/1 cho biết những nỗ lực của Hàn Quốc nhằm trung hòa carbon đến năm 2050 sẽ phụ thuộc vào việc quay trở lại dùng năng lượng hạt nhân.
Theo hãng AP, những bình luận của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol với Tổng thống Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) Sheikh Khalifa bin Zayed Al Nahyan tại hội nghị thượng đỉnh là nhằm hướng tới mục tiêu của Seoul về năng lượng hạt nhân trong bối cảnh nước này đang nỗ lực hoàn thành nhà máy điện nguyên tử đầu tiên ở Bán đảo Ả rập. Điều này cho thấy Hàn Quốc phù hợp với các hợp đồng bảo trì lớn và các dự án trong tương lai ở UAE, nơi mà Seoul đã thúc đẩy mối quan hệ trong những năm gần đây.
"Hàn Quốc đã tuyên bố mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Để đạt được mục tiêu này, chúng tôi đang nỗ lực khôi phục nhanh chóng hệ thống điện hạt nhân nhằm đảm bảo cung cấp điện và không phát thải. Nếu cả hai nước cùng nỗ lực phát triển năng lượng sạch thì sẽ không chỉ tăng cường an ninh năng lượng cho hai nước mà còn góp phần ổn định thị trường năng lượng toàn cầu", Tổng thống Yoon cho biết trong bài phát biểu tại Tuần lễ bền vững Abu Dhabi.
Trước đó, lãnh đạo tiền nhiệm, cựu Tổng thống Moon Jae-in đã tìm cách đưa Hàn Quốc ra khỏi điện hạt nhân.Tuy nhiên, sự tập trung của thế giới vào biến đổi khí hậu và sự tăng giá của nhiên liệu hóa thạch sau căng thẳng leo thang tại Ukraine đã khiến các nhà chức trách phải xem xét lại về việc triển khai năng lượng hạt nhân.
UAE cũng hứa hẹn sẽ trung hòa carbon vào năm 2050 nhưng nước này chưa giải thích chi tiết cách họ đạt được mục tiêu này. Nhà máy điện hạt nhân Barakah trị giá 20 tỷ đôla, nỗ lực đầu tiên của Seoul nhằm xây dựng các lò phản ứng nguyên tử ở nước ngoài. Và trong tương lai, rất có thể việc triển khai này sẽ tạo ra khoảng ¼ tổng nhu cầu điện cho Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất. Chuyến thăm nhà máy điện hạt nhân Barakah của Tổng thống Hàn Quốc Yoon ở sa mạc phía tây xa xôi của Abu Dhabi gần Saudi Arabi cùng với Tổng thống Sheikh Mohammed diễn ra trước khi hội nghị thượng đỉnh.
Khi trở về, tại hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Yoon đã nhấn mạnh nhà máy Barakah là một ví dụ điển hình cho sự hợp tác và ông hy vọng UAE và Hàn Quốc có thể mở rộng "mô hình hợp tác mới" phát triển nhiên liệu hạt nhân, lò phản ứng nhỏ và các tiến bộ chung khác ở các nước thứ ba.
"Thông qua việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân Barakah, hai bên đã có thể phát triển mối quan hệ thực sự như anh em", Tổng thống Yoon nhấn mạnh.
Quan hệ UAE và Hàn Quốc
Việc Tổng thống Yoon thúc đẩy phát triển năng lượng hạt nhân sẽ mang đến sự đảm bảo rằng Hàn Quốc vẫn đầu tư vào việc bảo dưỡng nhà máy Barakah. Pháp, quê hương của nhà máy điện hạt nhân và là đồng minh quân sự và kinh doanh của Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất cũng từng tìm kiếm các hợp đồng ở đây. Hiện tại, chuyến đi 4 ngày của Tổng thống Hàn Quốc Yoon tới UAE đã chứng kiến cam kết của người đứng đầu UAE về khoản đầu tư trị giá 30 tỷ USD đối với quốc gia này. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp lớn từ Hyundai, Samsung và các công ty khác cũng tham gia chuyến thăm cấp nhà nước lần này.
Vào ngày 15/1, Tổng thống Yoon cũng đã đến thăm các lực lượng đặc biệt của Hàn Quốc tại Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất.
"UAE là quốc gia anh em của chúng tôi. An ninh của quốc gia anh em là an ninh của chúng tôi. Chúng tôi đang ở trong một tình huống rất giống với UAE,"Tổng thống Yoon nhấn mạnh.
Bình luận của ông Yoon được đưa ra trong bối cảnh Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất đang cố gắng bảo vệ mối quan hệ của UAE với Iran, đối tác kinh doanh lớn. UAE cũng là nơi đồn trú của khoảng 3.500 lính Mỹ tại Căn cứ Không quân Al Dhafra, Fujairah và các địa điểm khác. Hiện tại, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã chi lên tới 3,5 tỷ USD để mua hệ thống tên lửa đất đối không Cheongung II từ Hàn Quốc nhằm tăng cường khả năng tự vệ trước các mối đe dọa trên không. Các quan chức của Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất ngày càng lo ngại về việc bảo vệ không phận sau khi trở thành mục tiêu trong các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái tầm xa của phiến quân Houthi ở Yemen - loại máy bay không người lái có thể được chế tạo bởi hoặc với sự giúp đỡ của Tehran.
Ở bối cảnh hiện tại, Hàn Quốc cũng đang vấp phải áp lực sau các căng thẳng về thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các siêu cường thế giới. Hàng tỷ đô la trong các quỹ của Iran vẫn ở Seoul, bị đóng băng bởi lệnh trừng phạt của Mỹ. Trong khi đó, Iran đã giữ một tàu chở dầu của Hàn Quốc trong nhiều tháng vào năm 2021.