(Tổ Quốc) - Theo Reuters, cơ quan Giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc đã lên tiếng vào ngày 4/3 rằng Iran đã không thể trả lời thuyết phục các câu hỏi về các hoạt động hạt nhân của nước này trước đó.
Iran vẫn tiếp tục hoạt động hạt nhân?
Theo hãng Reuters, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã có báo cáo thứ hai bên cạnh việc cập nhật thường xuyên các hoạt động hạt nhân của Iran. Theo đó, IAEA cũng đã lên tiếng Iran chưa thực hiện cam kết hợp tác đầy đủ và không cho phép các thanh tra viên của Liên Hợp quốc tiến hành kiểm tra một hoặc nhiều hơn các điểm sản xuất nghi ngờ liên quan đến hạt nhân.
Báo cáo thường kỳ cho biết, kho dự trữ urani làm giàu thấp kể từ tháng 11 với tổng số lượng hơn một tấn. Cơ quan này cho rằng Tehran tiếp tục vi phạm các hạn chế chính trong thỏa thuận hạt nhân giống như một động thái phản ứng trước các trừng phạt mới của Mỹ kể từ khi Washington quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015.
Báo cáo thứ hai xung quanh các câu hỏi của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế và vấn đề Iran từ chối đến thanh tra các điểm sản xuất vũ khí. Theo các chuyên gia ngoại giao cấp cao, khả năng Iran đã từng tiến hành các hoạt động hạt nhân tại các điểm này vào đầu những năm 2000.
"Tôi đã đánh giá tính cần thiết để đưa ra báo cáo thứ hai bởi vì tôi cho rằng tình hình đang trở nên nghiêm trọng", ông Rafael Grossi – Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết trong một cuộc phỏng vấn ở Paris với Reuters.
Theo hãng Reuters, báo cáo thứ hai của IAEA đối với các quốc gia thành viên cho biết, Iran chưa từng cho phép các thanh tra viên tới các điểm giám sát nhằm kiểm tra các hoạt động liên quan đến hạt nhân của nước này đồng thời Tehran cũng luôn tránh trả lời các câu hỏi đúng trọng tâm của IAEA liên quan đến hạt nhân và các hoạt động hạt nhân.
"Chúng tôi khẳng định rằng chưa thể tham gia quá trình giám sát theo đúng các địa chỉ cho dù đã rất nỗ lực muốn đến. Vì vậy, trước vấn đề trên, tôi cho rằng Iran đang kiềm chế khả năng giúp Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) thực hiện công việc của mình", người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế IAEA cho biết.
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế chỉ phát hiện các dấu vết của uranium tại một địa điểm ở Tehran – vị trí mà Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu từng gây chú ý trong năm 2018. Trong các trao đổi, Tehran chỉ giải thích các dấu tích uranium chỉ đến giai đoạn xử lý và không hề có tín hiệu đi quá mức hạn chế.
Dồn dập các nghi ngờ
Báo cáo thứ hai đặt ra câu hỏi về việc liệu Cơ quan Nguyên tử Năng lượng quốc tế đã từng thanh tra tại một trong ba nơi sản xuất hay chưa đồng thời hé lộ IAEA muốn tới kiểm tra một trong số các điểm này.
Tại một trong hai điểm sản xuất khác, cơ quan IAEA cũng từng tiến hành kiểm tra vào khoảng tháng 7/2019 nhưng nghi ngờ mọi thứ đã được dọn dẹp sạch sẽ.
Cơ quan Nguyên tử Năng lượng quốc tế (IAEA) bày tỏ nghi ngờ về khả năng dọn dẹp các dấu vết hạt nhân trước khi cơ quan này đến các điểm giám sát.
Theo Reuters, các nhà ngoại giao thông báo cho biết, cơ quan này đã tiến hành kiểm tra các điểm sản xuất nghi ngờ tại Iran và phát hiện dấu vết các hạt uranium. IAEA có nêu các thông tin trong dữ liệu về hoạt động hạt nhân của Iran trước đây.
Một nguồn tin ngoại giao cho biết, một trong số các địa điểm là Marivan. Nguồn tin cũng nói rằng, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế đang chứng minh các liên quan đến dự án quân sự trong quá khứ.
Từ rất lâu trước khi có thỏa thuận, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế đã có thông tin rằng các thí nghiệm tạo sức nổ mạnh quy mô rộng đã tiến hành tại Marivan, liên quan đến các hệ thống kích nổ có độ chính xác cao phù hợp với lõi của bom hạt nhân.
Các cơ quan tình báo Mỹ và IAEA tin rằng, Iran vẫn có chương trình vũ khí hạt nhân bí mật vào năm 2003, một thời gian dài trước khi có thỏa thuận hạt nhân Iran 2015.
Các cảnh báo quốc tế nâng mức báo động về các hoạt động hạt nhân của Iran và sau đó là tuyên bố của IAEA. Báo cáo mới vào ngày 3/3 cho biết, Iran đã thông báo cho IAEA rằng họ không công nhận bất kỳ cáo buộc nào về các hoạt động liên quan hạt nhân trước đây cũng như nói rằng họ không có nghĩa vụ phải trả lời cáo buộc đó, Reuters dẫn tin.
Trong khi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 đã là một kỳ vọng kiểm soát hạt nhân của Tehran thì động thái không phổ biến vũ khí của IAEA cũng phải tính đến các vật liệu và hoạt động hạt nhân khác. Ông Grossi nói rằng, thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 từng kỳ vọng cho việc giới hạn nhất định hoạt động hạt nhân của Iran.
Phía Tehran vẫn bác bỏ tiến hành các chương trình vũ khí hạt nhân và nói rằng họ không bao giờ mong muốn tạo ra bom nguyên tử gây nguy hiểm cho thế giới.