(Tổ Quốc) - Từ kiệt tác Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du, nhiều loại hình nghệ thuật được hình thành, như ngâm Kiều, vịnh Kiều, bói Kiều, lẩy Kiều, …trong đó, nghệ thuật hát Kiều ở Quảng Bình được thể hiện tính độc đáo và giàu sức sáng tạo của người dân…
- 30.11.2023 Quảng Bình: Phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch
- 12.06.2023 Quảng Bình: Trao truyền kỹ năng trình diễn múa bông, chèo cạn
- 19.12.2022 Quảng Bình: Nghệ nhân trao truyền văn hoá dân gian cho lớp trẻ dân tộc Bru – Vân Kiều
- 08.08.2022 Quảng Bình: Phát triển giá trị văn hoá đặc sắc của người Nguồn
Nét đặc sắc của nghệ thuật Hát Kiều
Theo dòng chảy lịch sử, người dân Quảng Bình đã hun đúc và dựng xây nên truyền thống kiên cường trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm; cần cù, thông minh, sáng tạo trong lao động sản xuất; tiếp thu, gìn giữ nhiều giá trị văn hóa độc đáo như hát Ca trù, hát Bài chòi, hò Khoan Lệ Thủy, hò Thuốc cá Minh Hóa, hát Ru Cảnh Dương,… và một trong những di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, được bảo tồn qua bao thế hệ là nghệ thuật trình diễn dân gian hát Kiều.
Tối ngày 21/3, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Bình đã phối hợp cùng các địa phương tổ chức lễ đón nhận Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghệ thuật trình diễn dân gian hát Kiều trên địa bàn huyện Quảng Trạch, Tuyên Hóa, TX. Ba Đồn (Quảng Bình) và trình diễn nghệ thuật dân gian hát Kiều, Hát ru Cảnh Dương…
Từ kiệt tác Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du, nhiều loại hình nghệ thuật được hình thành, như ngâm Kiều, vịnh Kiều, bói Kiều, lẩy Kiều, …trong đó, nghệ thuật hát Kiều thể hiện tính độc đáo và giàu sức sáng tạo hơn cả. Đây là loại hình trình diễn dân gian, bao gồm hát, diễn xuất và làm trò. Ngoài các nhân vật chính trong truyện Kiều, người dân Quảng Bình đã sáng tạo thêm một số nhân vật mang tính dẫn chuyện như vai lính xa, thằng bán tơ, vai hề… cùng với đó là không gian và thời gian được dùng lối ước lệ, nhằm tạo sự chuyển biến trong "hoạt động sống" của nhân vật.
Hát Kiều xuất hiện vào những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Theo một số nghệ nhân tại các câu lạc bộ Kiều cổ, khi lớn lên họ đã thấy những thế hệ cha ông mình trình diễn hát Kiều mỗi khi làng có hội hay các dịp lễ quan trọng. Không gian liên quan hát Kiều là ngôi đình làng, nhà văn hoá, các tư gia, ruộng đồng và toàn bộ không gian quanh đó. Hiện nay, không gian hát Kiều mở rộng ra tới các trường học, các câu lạc bộ, các sự kiện văn hóa quần chúng hay các chương trình giao lưu, trình diễn văn nghệ.
Có thể khẳng định rằng, hát Kiều mang đậm giá trị lịch sử, gắn liền với sự hình thành và phát triển của các cộng đồng người Việt trên quê hương Quảng Bình. Nghệ thuật hát Kiều do con người sáng tạo và giữ gìn, trao truyền từ thời thế hệ này sang thế hệ khác. Trải qua hàng trăm năm, hát Kiều là nơi quy tụ tâm thức cộng đồng với vẻ đẹp của văn hóa tinh thần, là nơi thể hiện những sinh hoạt văn hóa nghệ thuật dân gian, mang tính cố kết cộng đồng rất cao. Giá trị lịch sử của hát Kiều thể hiện qua những màn diễn, tích trò, câu hát, làn điệu.
Ông Mai Xuân Thành, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Quảng Bình khẳng định: Hát Kiều là một di sản văn hóa quý, chứa đựng nhiều tư liệu khoa học, giúp cho công tác nghiên cứu, tìm hiểu quá trình phát triển văn hóa tinh thần của người dân thị xã Ba Đồn, huyện Tuyên Hóa, huyện Quảng Trạch nói riêng, tỉnh Quảng Bình nói chung. Hát Kiều thể hiện khát vọng của người dân về cuộc sống ấm no, hạnh phúc; về tình yêu lứa đôi; về niềm tin giữa con người với con người. Là nơi giao hòa, cố kết cộng đồng tạo nên sự khăng khít, đoàn kết trong đời sống hàng ngày.
Thông qua hát Kiều, chúng ta có thể cảm nhận được, hiểu được những nét đẹp trong phong tục, tập quán, lối ứng xử của người người dân trong cuộc sống. Hát Kiều còn góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống, được biểu hiện qua các màn diễn, làn điệu và các nhạc cụ dân tộc.
Hát Kiều là sinh hoạt văn hóa không thể tách rời trong đời sống của người dân, là dịp để người dân thể hiện niềm đam mê với những vở diễn hát Kiều và quên đi những khó khăn, vất vả trong cuộc sống thường nhật, họ như được tiếp thêm sức mạnh và đắm mình trong không gian nghệ thuật của hát Kiều, để hướng đến những giá trị nhân văn, từ đó có thêm niềm tin vào tương lai, lạc quan trong cuộc sống, để giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước….
Cần bảo tồn và phát huy giá trị di sản
Hoàng Xuân Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình chia sẻ: Hát Kiều Quảng Bình có lịch sử đầy biến động, thăng trầm. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của nhiều thế hệ nghệ nhân ở các địa phương cùng các cấp chính quyền của địa phương đã bảo tồn và gìn giữ nghệ thuật hát Kiều là một quá trình dài đầy khó khăn. Sự chung tay của toàn xã hội trong việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật hát Kiều là điều rất cần thiết để gìn giữ nét văn hóa đặc sắc tồn tại mãi mãi với thời gian.
Các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa phi vật thể hát Kiều, nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ và Nhân dân về vai trò, trách nhiệm trong việc bảo vệ, phát huy các giá trị của di sản. Mỗi người dân vừa là người tham gia bảo vệ, vừa là người thụ hưởng những giá trị của di sản văn hóa truyền thống.
Ông Hoàng Xuân Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng BÌnh
Để phát huy được giá trị di sản, chúng ta cần phải tăng cường công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa phi vật thể hát Kiều, nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ và Nhân dân về vai trò, trách nhiệm trong việc bảo vệ, phát huy các giá trị của di sản. Mỗi người dân vừa là người tham gia bảo vệ, vừa là người thụ hưởng những giá trị của di sản văn hóa truyền thống.
Cùng với đó là việc tổ chức đào tạo thế hệ kế cận tại các câu lạc bộ hát Kiều, trong đó tập trung ưu tiên đào tạo nâng cao chất lượng các học viên trẻ thông qua việc duy trì hoạt động thường xuyên của các câu lạc bộ. Phải đưa các tiết mục hát Kiều vào các hoạt động xã hội, góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống của quê hương, đất nước. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa phi vật thể, gắn bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch… ông Hoàng Xuân Tân mong muốn.