(Tổ Quốc) - Các nhà lãnh đạo thế giới, từ Pháp đến Nhật Bản đang mở cánh cửa với Tổng thống Nga khi Washington đi theo con đường riêng của mình.
Theo Bloomberg, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày càng khiến các đồng minh – vẫn duy trì trật tự thế giới từ Chiến tranh Lạnh -căng thẳng thì Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày càng có sức nặng trên trường quốc tế.
Trong bối cảnh sự kiện về đầu tư thường niên – Diễn đàn kinh tế St. Petersburg năm nay được tổ chức, nhà lãnh đạo của 4 cường quốc kinh tế thế giới - Nhật Bản, Đức, Pháp và Ấn Độ đã, đang và sẽ có các đàm phán riêng với ông chủ Điện Kremlin chỉ trong vòng 1 tuần. Tổng thống Putin cũng đón tiếp một nhân vật mới về chính sách đối ngoại Trung Quốc - Phó Chủ tịch nước Vương Kỳ Sơn và Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde.
Tổng thống Putin có hàng loạt cuộc gặp cấp cao trong vòng một tuần nay. (Nguồn: AFP/Getty) |
Ông Putin, đã đón tiếp Thủ tướng Narenda Modi của Ấn Độ, một bên mua vũ khí lớn của Nga, tại Sochi hôm thứ 2, ngày 25/5 tham gia phiên họp toàn thể của Diễn đàn St. Petersburg với ông Abe, ông Macron, ông Vương Kỳ Sơn của Trung Quốc và bà Lagarde của IMF.
Ông Abe, 63 tuổi đang nỗ lực thuyết phục Tổng thống Putin đạt được một thỏa thuận về tranh chấp lãnh thổ quần đảo Kuril (Nhật gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc)- điều đã ngăn cản hai nước chính thức chấm dứt Chiến tranh Thế giới thứ II.
Còn đối với ông Vương Kỳ Sơn, chuyến đi tham dự Diễn đàn St. Petersburg là chuyến đi đầu tiên của ông ra nước ngoài kể từ khi phụ trách chính sách đối ngoại. Ông Putin và Chủ tịch Trung Quốc sẽ gặp nhau tại Trung Quốc vào đầu tháng tới tại hội nghị thượng đỉnh hàng năm của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải SCO.
Tuy nhiên, tập trung chú ý của ông Putin trong tuần này là đối với châu Âu, đặc biệt là ông Macron khi sự rút lui đơn phương của ông Trump trong hiệp ước Iran đã cho Nga một sự mở cửa ngoại giao bất ngờ.
Sau nhiều năm chịu sức ép từ các lệnh trừng phạt về xung đột Ukraine và các cáo buộc can thiệp vào bầu cử Mỹ, ông Trump đang trao cho Putin một cơ hội để tái định hình lại quan hệ với châu Âu trong tháng này bằng cách rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran – điều khiến các cường quốc thế giới tức giận.
"Nga là một trong những người hưởng lợi chính từ quyết định của Trump đối với Iran," Cliff Kupchan, chủ tịch của Eurasia Group-một tổ chức nghiên cứu tại New York cho biết. "Ông Putin nhận thấy một cơ hội phân tách phương Tây và thoát khỏi tình trạng bị cô lập."
Đầy thách thức để vực dậy nước Nga
Tuy nhiên, việc chuyển sự thay đổi tình hình địa chính trị thành dòng vốn đầu tư nước ngoài cần thiết còn là một vấn đề khó khăn khi Mỹ áp đòn trừng phạt vào một trong nhà sử dụng nhân lực lớn nhất của Nga – tập đoàn aluminum Rusal bằng cách cách ly tập đoàn của tỷ phú khổng lồ Oleg Deripaska khỏi các thị trường toàn cầu.
Mỹ áp đặt trừng phạt Nga từ năm 2013 tới nay. |
Trong ba tháng đầu năm nay, nền kinh tế của Nga tăng trưởng 1.3% so với cùng kì năm trước, nhưng dự đoán cho thời gian tới là chưa rõ rằng. Ngân hàng Thế giới dự kiến tăng trưởng Nga sẽ ở mức dưới 2%/ năm cho đến năm 2020- thấp hơn nhiều so với mức ông Putin cần để đáp ứng mục tiêu biến Nga thành một nền kinh tế hàng đầu vào giữa thập kỷ tới và tăng cường các tiêu chuẩn sống đang bị trì trệ.
Tim Ash, nhà chiến lược cao cấp về các thị trường mới nổi tại BlueBay Asset Management LLP ở London cho biết: “Nga đang đưa ra một song đề triết học thú vị cho các nhà đầu tư”. Theo ông, cơ hội đầu tư vào Nga là rất lớn, ”nhưng không ai biết đối tượng nào sẽ bị trừng phạt tiếp theo”.
Pháp, Đức thổi làn gió mới vào Nga
Điện Kremlin đang cảm thấy nhẹ nhõm khi ông Macron đã chống lại sức ép của các đồng minh và không hủy chuyến đi tới Nga sau khi Anh cáo buộc Moscow sử dụng chất độc thần kinh tấn công một điệp tại Anh vào tháng 3.
Động thái từ Anh đã kéo theo hàng loạt vụ trục xuất ngoại giao “có đi có lại” trên khắp châu Âu và nhiều khu vực khác. Tuy nhiên, vấn đề này đã bị lu mờ trước cuộc khủng hoảng về thỏa thuận hạt nhân Iran. Pháp, Đức, Nga và Trung Quốc đang cố gắng cứu vãn hiệp ước này trước việc Mỹ tuyên bố sẽ tăng mạnh trừng phạt và Iran và các công ty nào thách thức các tiêu chuẩn của Mỹ.
Ông Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel - đã bay đến dinh thự mùa hè của ông Putin trên bờ Biển Đen để có các cuộc đàm phán hôm thứ 6 tuần trước, dường như đang đặt hi vọng vào Nga. Trước khi sang thăm Nga, Tổng thống Macron nói với một tờ báo Pháp rằng, ông muốn "có một cuộc đối thoại chiến lược và lịch sử" với ông Putin để gắn kết Nga với châu Âu, trong khi một quan chức cấp cao của Đức cho biết, giảm căng thẳng với Nga là một mục tiêu chính sách cốt lõi. Hai quốc gia này là những nguồn đầu tư trực tiếp lớn nhất vào Nga.
Ngay cả khi các nhà lãnh đạo châu Âu vẫn còn bất đồng với ông Putin về vấn đề Ukraine, Syria và các vấn đề khác, cuộc khủng hoảng Iran đang đẩy họ gần nhau hơn. Đồng thời, quan hệ của bà Merkel với ông Trump dường như cũng đang xấu đi khi Mỹ đe dọa trừng phạt các công ty Đức tham gia xây dựng một đường ống dẫn khí đốt mới của Nga dưới biển Baltic.
Josef Janning, người đứng đầu văn phòng Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu tại Đức, nói: “Bất chấp mọi thứ mà Nga làm, bà Merkel luôn quan tâm tới việc giữ cuộc đối thoại cởi mở”. Và khi mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương ngày càng căng thẳng, phản ứng của bà Merkel đối với xu hướng trên ngày càng mạnh mẽ, ông nói.
Và với chính phủ dân túy mới tại Italy, chắc chắn sẽ ngăn EU thực hiện bất kỳ biện pháp trừng phạt mới nào vào Nga và thậm chí có thể kích thích sự nới lỏng trừng phạt, đang bất ngờ có một “bầu không khí mang tính xây dựng” đối với Nga tại châu Âu, Christopher Granville của tổ chức tham vấn TS Lombard tại London nói.