(Tổ Quốc) - Sputnik đưa tin, lần đầu tiên việc Na Uy cố tình đột nhập vào mạng lưới thông tin tình báo của Nga đã được ghi lại.
Theo một số tài liệu mật của Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) mới được công bố trên tờ The Intercept, kể từ năm 2011, tình báo Mỹ và Na Uy đã hợp tác với nhau để đột nhập vào các mạng của Nga, nhằm thu thập thông tin tình báo về giới chính trị và chính sách năng lượng của nước này.
Trước đó, chỉ một phần của tài liệu dài 3 trang được hé lộ, tuy nhiên giờ đây toàn bộ nội dung của nó tài liệu đã được công khai.
Theo đó, tháng 9/2011, cơ quan tình báo Na Uy (NIS) lần đầu tiên thông báo với NSA rằng, họ đang tiến hành các chương trình trên hệ thống máy tính; và sau đó, hai bên đã đạt được một thỏa thuận về chia sẻ dữ liệu. NSA mở rộng và tăng cường hợp tác với Na Uy; tập trung vào các mục tiêu trong giới chính trị lãnh đạo Nga và phương thức quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên tại đây.
Tháng 4/2013, một cuộc gặp thường niên giữa NSA và NIS đã được tổ chức. Hai bên đã tiến hành thảo luận một vài chủ đề như, việc tiếp cận của Na Uy với nguồn dữ liệu, công tác xử lý dữ liệu và lưu trữ dữ liệu ngoài, cũng như thu thập thông tin từ các vệ tinh thương mại.
Trong giai đoạn từ năm 2013 – 2018, theo khuyến nghị của NSA, NIS đã đầu tư khoảng 100 triệu USD vào các thiết bị kỹ thuật mới phục vụ cho công tác giám sát. Theo tài liệu của NSA, “các năng lực tình báo chủ yếu chống lại các mục tiêu Nga” của NIS được đặc biệt nhấn mạnh.
Tình báo Mỹ và Na Uy từng hợp tác nhắm vào các mục tiêu Nga? |
Nhà nghiên cứu Erik Reichborn-Kjennerud tại Viện Đối ngoại Na Uy (NUPI) nhận định, kết quả những hành động gián điệp của Na Uy có thể sẽ được sử dụng cho các cuộc tấn công trong tương lai.
“Rõ ràng nếu bạn vạch ra các mạng lưới dữ liệu của các nước khác, nó phục vụ cho mục đích tấn công vào các mạng lưới này,” Reichborn-Kjennerud chia sẻ với kênh NRK. “Tuy nhiên, dựa vào những gì mà chúng ta biết về cách thu thập thông tin của tình báo Na Uy, hiện chưa rõ việc này được thực hiện với mục đích trên, hoặc là để vạch trần các kế hoạch của Nga hoặc là điều gì khác”.
Ông Reichborn-Kjennerrud cũng bày tỏ sự lo ngại rằng, hành động của Na Uy có thể làm gia tăng căng thẳng chính trị.
“Bản thân tình báo không phải là bất hợp pháp. Vì vậy, nếu người Mỹ muốn theo dõi Na Uy, điều này hoàn toàn có thể xảy ra. Các công dân Na Uy có thể đã bị theo dõi. Liệu người Mỹ có chọn chia sẻ thông tin với tình báo Na Uy hay không, chúng ta vẫn chưa biết được,” chuyên gia của NUPI băn khoăn.
Cũng theo Reichborn-Kjennerrud, Ủy ban EOS của Quốc hội Na Uy – cơ quan chịu trách nhiệm cho các hoạt động bí mật, không có đủ khả năng để kiểm soát tất cả.
“Tôi tin rằng, vấn đề lớn nhất của Ủy ban EOS là họ hầu như không có kiến thức về những kỹ thuật mới. Chức năng kiểm soát cần phải được nâng cấp để trở nên hiện đại hơn về mặt kỹ thuật,” Reichborn-Kjennerrud nói.
Trong khi đó, Eldbjørg Løwer, Chủ tịch của Ủy ban EOS cho biết, ông không thể bình luận chi tiết về cách thức hoạt động của NIS; tuy nhiên, ông cũng trấn an dư luận rằng, cơ quan này hoàn toàn nắm được những phương thức đã được sử dụng.