• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hé lộ những âm mưu khiến các vụ thử tên lửa của Triều Tiên bị thất bại

Thế giới 05/05/2017 06:26

(Tổ Quốc)-Bài I: Mỹ phá hoại các vụ phóng tên lửa Triều Tiên thông qua tấn công mạng?

Ngày 31/8/1998, Triều Tiên bất ngờ phóng tên lửa Paektusan-1 mang một vệ tinh thăm dò thời tiết. Tên lửa này đã bay qua vùng lãnh hải Nhật Bản, tạo một cơn chấn động đối với Nhật Bản và thế giới. Ngày đó chính thức khởi đầu “kỷ nguyên” tên lửa do Triều Tiên tự chế tạo. Các nhà phân tích quân sự Mỹ cho rằng quả tên lửa đó là loại xuyên lục địa (ICBM).

Từ đó, Triều Tiên đã có những bước tiến dài trong việc xây dựng kho vũ khí tên lửa của mình. Kho tên lửa của Triều Tiên hiện có khoảng 1.000 tên lửa các loại với tầm bắn từ hàng trăm km đến hàng nghìn km và một số có thể mang đầu đạn hạt nhân. Giới nghiên cứu thế giới còn đồn đại tin Bình Nhưỡng sắp sửa cho trình làng một loại siêu tên lửa có tầm bắn lên tới 10.000 km có thể vươn tới lục địa Mỹ. Hoặc có tin Triều Tiên đã sở hữu loại tên lửa có tầm bắn ít nhất là 6.000 km, có thể phá huỷ các mục tiêu ở bang Alaska của Mỹ.

Tên lửa  trình diễn trong lễ duyệt binh hôm 15/4 có thể là loại Scud - nỗ lực mới nhất của Triều Tiên sử dụng nhiên liệu rắn

Tuy nhiên, những nỗ lực to lớn của Triều Tiên cũng gặp không ít trắc trở. Ba vụ phóng thất bại trong tháng 4/2017 (5/4, 16/4 và 29/4) cho thấy Triều Tiên đang gặp khó khăn trong việc phát triển các động cơ nhiên liệu rắn cho một loại tên lửa mới. Các vụ phóng là một phần của chương trình phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Theo một số nguồn tin, trong vụ phóng thất bại hôm 16/4, một bệ phóng tên lửa di động của Triều Tiên đã bị phá hủy. Hai bệ phóng đã được triển khai, nhưng bệ phóng thứ hai bị phá hủy ngay sau khi quả tên lửa nổ tung ở độ cao 90 m. Nguyên nhân vụ nổ được xác định do trục trặc hệ thống nhiên liệu hoặc hệ thống bơm phân tử.

Một số chuyên gia xác định danh tính các vũ khí vừa được thử nghiệm có thể đều là tên lửa đạn đạo tầm trung KN-17, dòng Scud.

Trước đây, Triều Tiên được cho là có sở hữu một số tên lửa dòng Scud như Scud B và Scud C có khả năng bay được khoảng từ 330-500 km. Tuy nhiên tên lửa Scud ER được cải tiến có thể bay được khoảng 1000 km. Thông thường, trọng lượng đầu đạn tỉ lệ nghịch với quãng đường bay. Do đó, tên lửa Scud ER của Bình Nhưỡng nhiều khả năng được trang bị đầu đạn hạt nhân có kích thước và trọng lượng nhỏ. 

Các tầm bắn của tên lửa Triều Tiên 

Phải chăng do Mỹ tấn công mạng can thiệp vào vụ thử?

Trang tin National Interest (Mỹ) mới đây đã đăng bài phân tích của Ryan Pickrell cho rằng các vụ thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên liên tiếp thất bại trong thời gian gần đây làm dấy lên nghi ngờ chương trình tên lửa của Triều Tiên đang bị phá hoại. Lầu Năm Góc phá hoại tên lửa Triều Tiên khiến chúng bị rơi ngay sau khi phóng. Tuy nhiên tuyên bố này có rất ít căn cứ.

Một bài báo của New York Times, đầu tháng 3/2017, cho biết cách đây 3 năm, chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama  đã chỉ thị cho Lầu Năm Góc phải phá hoại các tên lửa Triều Tiên bằng cách sử dụng các chiến thuật được gọi là “Tả Xung” - các cuộc tấn công liên quan đến công nghệ thông tin để các vũ khí của Triều Tiên không thể hoạt động được. 

Tiến sĩ Nicholas Eberstadt, chuyên gia an ninh quốc tế thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ, nhận xét: “Thâm nhập thành công vào hệ thống vũ khí của Triều Tiên là một thành tựu trí tuệ vĩ đại. Triều Tiên là một nơi cực kỳ khó xâm nhập, khó hơn rất nhiều so với Iran”. Mỹ từng phá hoại thành công chương trình hạt nhân của Iran nhờ phần mềm độc hại Stuxnet.

Nhiều chuyên gia Mỹ cho rằng Mỹ đã có khả năng xâm nhập vào hệ thống vũ khí Triều Tiên. Steve Bucci, một cựu quan chức Lầu Năm Góc, nhấn mạnh: “Việc Triều Tiên phóng tên lửa thất bại hoàn toàn có thể vì họ đã bị xâm nhập bằng các phương tiện mạng. Mỹ có khả năng tấn công gây rối những quốc gia sử dụng đồ chơi công nghệ cao”.

David Kennedy, chuyên gia Mỹ về chiến tranh mạng và tình báo, khẳng định, Mỹ có 100% khả năng ngăn chặn một cuộc tấn công hạt nhân bằng cách phá hoại tên lửa Triều Tiên. Theo New York Times, Mỹ sử dụng tấn công qua mạng để phá hoại chương trình tên lửa đang phát triển của Triều Tiên. 

Trên chương trình của CBS phát sóng ngày 30/4, một ngày sau vụ thử thứ ba trong tháng 4 thất bại, khi được hỏi, Donald Trump từ chối bình luận liệu Washington có liên quan đến những thất bại này không: “Tôi không muốn thảo luận về việc đó. Có lẽ chúng chỉ đơn giản là những tên lửa không tốt”. Tổng thống Mỹ còn nói: “Đó là một ván cờ. Tôi không muốn mọi người biết tôi nghĩ gì. Vì vậy, cuối cùng, ông ta (Kim Jong-un) hẳn sẽ có một hệ thống phóng tên lửa tốt hơn. Và nếu vậy, chúng tôi không thể để điều đó xảy ra”.

Trong khi đó, tại chương trình “Gặp gỡ báo giới” trên NBC, khi được hỏi về việc “kế hoạch phá hoại của Mỹ”, Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng Nghị viện, trả lời nước đôi: “Tôi không nghĩ vậy, nhưng tôi sẽ không loại trừ nó”.

Dư luận đặt ra khá nhiều nghi vấn về một chương trình bí mật của Mỹ đã phá hoại các vụ phóng tên lửa Triều Tiên thông qua tấn công mạng.

(Kỳ sau: Bài II: Hạn chế về nguồn lực và công nghệ tên lửa)

Hoài Nam

NỔI BẬT TRANG CHỦ