• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hiện tượng thời tiết khắc nghiệt gây ra thay đổi khí hậu đột ngột trên thế giới

Thế giới 05/01/2023 16:17

(Tổ Quốc) - Các nhà khí tượng học cho rằng sự kỳ lạ của thời tiết khắc nghiệt đã xảy ra vào năm ngoái và đang tiếp tục trong năm 2023, một phần là ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.

Theo hãng AP, năm 2023 có thể được dự đoán là có nhiều hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hơn và các nhà khí tượng học cho rằng một phần nguyên nhân là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu do con người gây ra.

Hiện tượng thời tiết khắc nghiệt gây ra thay đổi khí hậu đột ngột trên thế giới - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: AP

Thời tiết khô hạn vào đầu năm 2023 đã gây ra nhiệt độ cao kỷ lục ở châu Âu khi Bắc bán cầu ngày 4/1 nóng hơn 1,4 độ C so với mức trung bình vào cuối thế kỷ 20. Trong khi đó, không khí lạnh giá từ Bắc Cực cũng mang đến hiện tượng thời tiết khắc nghiệt ngay vào dịp Giáng sinh và Năm mới ở khắp nước Mỹ.

Ông Ryan Maue, một nhà khí tượng học cho rằng hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra ở Mỹ, đặc biệt là phía Tây nước Mỹ sẽ tiếp tục tiếp diễn trong hai tuần tới. Nguyên nhân chính là do hiện tượng La Nina kéo dài 3 năm - quá trình làm mát tạm thời tự nhiên của vùng xích đạo Thái Bình Dương làm thay đổi nhiều kiểu thời tiết trên thế giới.

"Những gợn sóng khí hậu đang tạo nên bất thường. Cơn bão sẽ đi qua vùng cận nhiệt đới ấm áp và mang theo hơi ẩm bao vây Bờ Tây của Mỹ", ông Maue và nhà khoa học Jennifer Francis thuộc Trung tâm nghiên cứu khí hậu Woodwell cho biết.

Lượng mưa hơn 5 inch đã đổ xuống khu vực Sacramento và California là dự báo cho những cơn bão lớn hơn trong thời gian tới. Tính đến ngày hôm qua (4/1), băng tuyết dày nhất trong 40 năm, dày hơn 170% so với bình thường ở Mỹ.

Thêm hiện tượng thời tiết khác xuất hiện

Theo ông Maue, ngoài La Nina, một sự kiện thời tiết tự nhiên tạm thời khác được gọi là Dao động Madden-Julian cũng làm tăng cường các cơn bão ở phía tây Thái Bình Dương. Dao động Madden – Julian là hiện tượng dao động nội mùa trong khu vực nhiệt đới, ảnh hưởng đến nhiều yếu tố thời tiết như lượng mây bao phủ, lượng mưa, tốc độ và hướng gió, nhiệt độ mặt nước biển.

"Đốm" nước biển ấm ngoài khơi quần đảo Aleutian, đang xảy ra thường xuyên hơn và nhiệt độ Bắc Cực tăng mạnh vào ngày 4/1, ước tính cao hơn 3,2 độ C so với giai đoạn 1979-2000.

"Bạn có thể nghĩ về thời tiết giống như một sợi dây dao động. Khi bạn bắt đầu búng nó ở một đầu, dao động đó cuối cùng sẽ lan truyền qua toàn bộ sợi dây", nhà khoa học Jennifer Francis cho biết.

Trạm thời tiết ở Delemont, Thụy Sĩ, giáp biên giới Pháp đã phá vỡ kỷ lục tháng 1 với nhiệt độ trung bình hàng ngày là 18,1 độ C (gần 65 độ F) vào ngày đầu tiên của năm. Hay tại Bucharest, Romania, ngày 3/1, nhiệt độ đã phá vỡ kỷ lục của tháng 1 ở mức 17,2 độ C (63 độ F) và 17,9 độ C (64,2 độ F) ở Cộng hòa Dagestan thuộc Nga.

Cơ quan thời tiết Thụy Sĩ MeteoSuisse ghi nhận: "… Bước sang năm mới gần như có thể khiến bạn quên rằng thời điểm này đang là đỉnh điểm của mùa đông".

Nhà khí tượng học Colorado Bob Henson của Yale Climate Connections cho biết thời tiết khắc nghiệt như hiện tại, đặc biệt là với nền nhiệt tăng kỷ lục ở châu Âu vào đầu tháng 1, đã làm giảm bớt nguy cơ gây ra tình trạng khan hiếm nhiên liệu sưởi ấm vào mùa đông.

Và California (Mỹ), nơi đã có một trận siêu hạn hán kéo dài hơn 20 năm làm trầm trọng thêm các vụ cháy rừng, lại đang có lượng mưa và tuyết rất lớn. Tuy nhiên. lượng nước lũ quá lớn đã khiến đường và đê ở California đã bị ngập nước vào đầu tuần. Các trường học đã đóng cửa hôm thứ Tư tại khu vực San Francisco khi hơn 8.000 bao cát được đưa ra đề phòng lũ lụt trên diện rộng. Nhiều chuyến bay đã bị hủy bỏ.

"Mưa quá nhiều khi đất không thể ngấm hơn được nữa sẽ dẫn đến nước dâng nhanh trên các con kênh, suối và sông cũng như lũ lụt ở các khu vực đô thị", các nhà dự báo cho biết trong một báo cáo.

"Ngoại trừ đợt nóng kỷ lục ở châu Âu, hiện tượng trên là một ví dụ khác về biểu hiện của biến đổi khí hậu do con người gây ra," Giáo sư khí tượng Victor Gensini của Đại học Bắc Illinois cho biết và nói rằng ông không thấy điều gì quá bất ngờ.

Ông Jeff Masters, người đồng sáng lập Weather Underground, hiện đang làm việc tại Yale Climate Connections nhận định "thời tiết tự nhiên rất khắc nghiệt" vì vậy những sự kiện gần đây mà thế giới chứng kiến cũng có thể xảy ra một cách tự nhiên. Tuy nhiên, với sự bất ổn của các hình thái thời tiết toàn cầu và sự tác động của biến đổi khí hậu thì các hiện tượng thời tiết bất thường có thể xảy ra trong bất kỳ mùa nào./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ