• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

"Hóa thạch sống" Tây Tạng sống thọ nhất Trái Đất đang gặp nguy hiểm: "Thủ phạm" ai cũng sợ

Khám phá 06/09/2023 21:56

(Tổ Quốc) - Các nhà khoa học cho biết, loài thực vật được mệnh danh là “hóa thạch sống” có thể trải qua những điều kiện sinh tồn khắc nghiệt qua hàng triệu năm, đang gặp nguy hiểm không ngờ.

Loài thực vật này có khả năng sinh tồn tuyệt vời này chính là loài rêu Takakia (tên khoa học là Takakiophytina). Đây là loài rêu quý hiếm chỉ có thể được tìm thấy ở trên cao nguyên Tây Tạng, nơi được mệnh danh là "nóc nhà của thế giới" với độ cao trung bình khoảng 4.500 m so với mực nước biển.

Takakia là loài rêu quý hiếm đã tiến hóa qua hàng triệu năm để phát triển mạnh ở môi trường sống có độ cao lớn như ở Tây Tạng. Trên thực tế, chi Takakia chỉ bao gồm hai loài. Rêu Takakia thường bị bao phủ trong sương giá suốt 8 tháng trong năm và chúng phải chịu bức xạ tia cực tím cao. Để tồn tại ở cao nguyên Tây Tạng, loài thực vật này đã có sự thích nghi đặc biệt. Rêu Takaia đã có sự tiến hóa trong hàng triệu năm qua khi môi trường sống của chúng ngày càng trở nên khắc nghiệt.

"Hóa thạch sống" Tây Tạng sống thọ nhất Trái Đất đang gặp nguy hiểm: "Thủ phạm" ai cũng sợ  - Ảnh 1.

Takakia là loài rêu quý hiếm có từ trước khi khủng long xuất hiện trên Trái Đất. Ảnh: Nature

Một điều đáng ngạc nhiên là rêu Takakia còn được tìm thấy trong những hóa thạch 165 triệu năm tuổi ở khu vực Nội Mông. Thế nhưng, theo các nhà khoa học, loại rêu này có số lượng gen tiến hóa cao nhất được biết đến dưới sự chọn lọc tích cực. Chúng có thể đã tiến hóa từ cách đây 390 triệu năm, ngay sau khi xuất hiện những loài thực vật trên cạn đầu tiên.

Trong một nghiên cứu mới do GS Ralf Reski từ ĐH Freiburg (Đức) và GS Yikun He tại ĐH Sư phạm Thủ Đô (Trung Quốc) được công bố trên tạp chí Cell, đã chỉ ra những đặc điểm di truyền giúp loài rêu quý hiếm Takakia chống lại các yếu tố môi trường khắc nghiệt.

Giáo sư Ralf Reski từ ĐH Freiburg (Đức) cho biết: "Mặc dù gen của rêu Takakia đang phát triển rất nhanh nhưng hình thái học của chúng lại không thay đổi đáng kể trong hơn 165 triệu năm qua. Điều này khiến rêu Takakia trở thành một hóa thạch sống thực sự. Sự tương phản rõ ràng giữa hình dạng không thay đổi và bộ gen có thay đổi nhanh chóng này quả thật là một thách thức đối với các nhà sinh học tiến hóa".

"Hóa thạch sống" Tây Tạng sống thọ nhất Trái Đất đang gặp nguy hiểm: "Thủ phạm" ai cũng sợ  - Ảnh 2.

Rêu Takakia được tìm thấy trên cao nguyên Tây Tạng. Ảnh: Britannica


"Thủ phạm" có thể khiến loài rêu cổ nhất Trái Đất gặp nguy hiểm

Theo các nhà khoa học, rêu Takakia đã có hàng triệu năm để thích nghi với cường độ bức xạ ngày càng tăng. Tuy nhiên, chỉ trong vài năm gần đây, môi trường sống tự nhiên của loài rêu này đã bị tác động đáng kể. Nguyên nhân là do biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra một cách nhanh chóng.

Trên thực tế, yếu tố được coi là quan trọng nhất tác động tới loài rêu Takakia là nhiệt độ. Bởi loài rêu này vốn có khả năng ứng phó với sự gia tăng nhiệt độ kém hiệu quả hơn so với các loài khác.

"Hóa thạch sống" Tây Tạng sống thọ nhất Trái Đất đang gặp nguy hiểm: "Thủ phạm" ai cũng sợ  - Ảnh 3.

Rêu Takakia có thể sống sót trong điều kiện môi trường khắc nghiệt ở Tây Tạng. Ảnh: Randal

Các nhà khoa học đã bắt đầu tiến hành các phép đo từ năm 2010 và nhận thấy rằng nhiệt độ trung bình đã tăng gần nửa độ C mỗi năm ở khu vực cao nguyên Tây Tạng, nơi mà loài rêu Takakia sinh sống. Các sông băng ở gần các địa điểm lấy mẫu cũng bị rút mất gần 50 m mỗi năm do bị tan chảy.

Trước tác động của môi trường sống có sự thay đổi do tác động của biến đổi khí hậu, quần thể của loài rêu quý hiếm này bị nhỏ hơn đáng kể trong thời gian nghiên cứu. Điều này ngược lại so với các loài thực vật khác trong khu vực khi chúng được hưởng lợi từ sự ấm lên.

Các chuyên gia nghiên cứu bày tỏ lo ngại về xu hướng quần thể loài rêu Takakia có thể sẽ tiếp tục bị nhỏ lại trong bối cảnh vẫn chưa kiểm soát được tình hình biến đổi khí hậu.

Nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy rêu Takakia có giá trị như thế nào trong việc theo dõi quá trình tiến hóa của thực vật trên cạn. Sự suy giảm quần thể của loài rêu quý hiếm này thật đáng sợ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, con người cũng có thể bảo vệ chúng bằng cách như trồng trong phòng thí nghiệm.

GS Reski nhấn mạnh: "Rêu Takakia đã chứng kiến các con khủng long đến và đi. Chúng có trên Trái Đất từ rất lâu trước khi con người chúng ta xuất hiện. Điều này khiến rêu Takakia trở thành một hóa thạch sống thực sự và chúng ta cần phải bảo vệ chúng".

Bài viết tham khảo nguồn: Scitechdaily, Nature, Cell

Minh Hằng

NỔI BẬT TRANG CHỦ