(Tổ Quốc)- Hơn 140 giáo sư, nghệ sĩ, cùng các giảng viên và sinh viên chuyên ngành sân khấu biểu diễn đến từ 19 trường nghệ thuật sân khấu thuộc 16 quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã hội ngộ về Hà Nội – Thành phố hòa bình với một chương trình sân khấu – du lịch hết sức độc đáo và mới lạ.
Hội ngộ "Hà Nội- Thành phố vì hòa bình" là một trong những sự kiện ý nghĩa mà các nghệ sĩ muốn dành tặng cho Hà Nội nhân dịp kỉ niệm 65 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 2019) và 20 năm được công nhận danh hiệu "Thành phố vì hòa bình". Chương trình được tổ chức với sự đồng hành của Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam, Tập đoàn TAM GROUP, chuỗi nhà hàng B. deli và Trung tâm Đào tạo Sự kiện và Sân khấu Biểu diễn MP Centre của Đạo diễn Lê Quý Dương.
Liên hoan là dịp trao đổi và chia sẻ những kinh nghiệm về xu hướng dàn dựng sân khấu hiện đại giữa các nước
Trong một tuần với lịch làm việc dày đặc, thành viên của các trường nghệ thuật sân khấu quốc tế đã giao lưu chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực giảng dạy và học tập chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn. Đặc biệt các buổi giao lưu về kỹ thuật biểu diễn, tiếng nói sân khấu, kỹ thuật âm thanh, ánh sáng và hiệu ứng hình ảnh sân khấu, phương pháp tổ chức thị trường cho một vở diễn sân khấu, cách tiếp cận và sáng tạo các chương trình giao lưu sân khấu quốc tế cộng hợp nhiều bản sắc văn hóa, đã diễn ra hết sức sôi nổi và lý thú.
Một trong những nội dung đặc sắc của cuộc hội ngộ liên hoan lần này là việc trao đổi chuyên môn sâu qua các bài tập mẫu của từng trường, giúp các thành viên có thể hình dung ra bức tranh tổng thể của công tác giảng dạy và học tập chuyên ngành sân khấu biểu diễn trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương hiện nay.
Điều đặc biệt thú vị là lần đầu tiên tại Hà Nội, hơn 140 sinh viên sân khấu biểu diễn xuất sắc được tuyển chọn từ 19 trường nghệ thuật trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương với những nét truyền thống văn hóa hết sức khác nhau đã cùng hội nhập trong không khí vô cùng thân thiện, chuyên nghiệp và sáng tạo.
Mỗi tác phẩm mang phong cách sân khấu của từng quốc gia
Toàn bộ kinh phí tổ chức chương trình Liên hoan Sân khấu – Du lịch với chủ đề “Hội ngộ Hà Nội” được xã hội hóa 100% với sự quan tâm ủng hộ của Hội Nghệ Sĩ Sân khấu Việt Nam, Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch). Chương trình đã đóng góp tích cực vào việc giới thiệu hình ảnh thủ đô Hà Nội – Thành phố Hòa Bình – và để lại những ấn tượng tốt đẹp và kỷ niệm sâu sắc cho các giảng viên và sinh viên ngành sân khấu biểu diễn trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Các bài tập thực hành và phát triển kỹ năng mẫu đã thể hiện hết sức xuất sắc những nét tinh túy nhất trong chương trình đào tạo của từng trường. Quan niệm truyền thống sân khấu phải diễn ra trong nhà hát và chỉ có nhà hát mới có nghệ thuật sân khấu đã dược thay thế bằng một thông điệp hiện đại hơn: Ở bất cứ nơi đâu có người nghệ sỹ sân khấu với tài năng, lòng đam mê, sự tôn trọng khán giả và truyền thống văn hóa thì ở đó sẽ có nghệ thuật sân khấu xuất hiện.
Những không gian của phòng ăn, phòng họp, sân vườn, sảnh khách sạn đã được các thành viên với năng lực thích nghi đầy sáng tạo biến hóa thành những không gian thể hiện các kỹ năng sân khấu vô cùng độc đáo và mới lạ.
Các thành viên có thể hình dung ra bức tranh tổng thể của công tác giảng dạy và học tập chuyên ngành sân khấu biểu diễn trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương hiện nay
Trung tâm Đào tạo chuyên ngành Sân khấu Biểu diễn của đạo diễn Lê Quý Dương – Mỹ Phát – MP Centre đã đề xuất các chương trình trao đổi giảng viên và sinh viên giữa các trường sân khấu trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt kết hợp sáng tạo và dàn dựng các chương trình biểu diễn với sự hội nhập và giao thoa nhiều nền văn hóa trong tương lai.
Đại học Sân khấu Ateneo (Philippines), Đại học Sân khấu Chulalongkorn (Thái Lan), Học viện Sân khấu Yogyakarta (Indonesia), Đại học Sân kháu K-Arts (Hàn Quốc), Học viện Nghệ thuật Lasalle (Singapore), Đại học Nghệ thuật MSUAC (Mông Cổ), Trường Kịch nghệ Quốc gia NSD (Ấn Độ), Học viện Nghệ thuật Thượng Hải STA (Thượng Hải), Đại học Nghệ thuật TNUA (Đài Loan), Đại học Nghệ thuật USM (Malaysia), Đại học Wollongong (Australia), Học viện Nghệ thuật Biểu diễn Tây Úc WAAPA (Australia), Học viện Nghệ thuật Biểu diễn IPAG (Philippines), Đại học Nghệ thuật VCA (Australia), Đại học Nghệ thuật Kyoto KUAD (Nhật Bản), Học viện Kịch nghệ Liên bang Úc – NIDA (Australia), Trường Nghệ thuật Biểu diễn Phare Ponleu Selpak (Campuchia), Đại học San Diago (Mỹ) là các thành viên đã hưởng ứng và phối hợp triển khai trong lần hội ngộ tới dự kiến sẽ được tổ chức tại New Deli (Ấn Độ) và Sydney (Australia) với sự bảo trợ của Trường Kịch nghệ Quốc gia Ấn Độ và Trung tâm Kịch nghệ Liên bang Úc.
hơn 140 đại biểu của Hiệp hội Các trường Nghệ thuật Sân khấu khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (APB – Asia – Pacific Bond Theatre Schools) đã tham gia Liên hoan
Trong thời gian ở tại Hà Nội, hơn 140 đại biểu của Hiệp hội Các trường Nghệ thuật Sân khấu khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (APB – Asia – Pacific Bond Theatre Schools) đã vô cùng thích thú khi xem chương trình múa rối nước truyền thống tại Nhà hát Múa rối Thăng Long Hà Nội.
Các nghệ sỹ diễn viên của Nhà hát Múa rối Thăng Long và các sinh viên của trung tâm MP đã giao lưu với các giảng viên và sinh viên của các trường sân khấu, giới thiệu nghệ thuật múa rối truyền thống Việt Nam và cùng giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và kỹ năng biểu diễn với các đồng nghiệp quốc tế.
Đạo diễn Lê Quý Dương cho biết: “Đó là một hình thái sân khấu biểu diễn của thời đại mới kết hợp chặt chẽ giữa các giá trị truyền thống và sáng tạo hiện đại để thành một ngôn ngữ biểu diễn hoàn toàn phù hợp với xã hội và công chúng hôm nay. Hình thái sân khấu này không chỉ vượt qua các giới hạn của những kiến thức kinh viện giáo điều. Nó vượt qua giới hạn của các rào cản ngôn ngữ và khác biệt văn hóa để giao thoa và hội nhập. Nó trở thành một hình thái sân khấu mang tính khu vực và toàn cầu nhưng vẫn đa dạng và đặc sắc với những di sản văn hóa của từng dân tộc. Nó là một hình thái sân khấu của một thế hệ nghệ sỹ mới thuộc về một thời đại mới, gần gũi với khán giả hơn và đưa khán giả cùng đồng hành vào công cuộc kiếm tìm và khẳng định những giá trị nhân văn”./.