(Tổ Quốc) - Trung Quốc và Nga thúc đẩy hợp tác vaccine nhằm tạo cơ hội cung cấp vaccine cho nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Theo hãng CNN, các công ty Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận sản xuất hơn 260 triệu liều vaccine Sputnik V của Nga – loại vaccine được cấp phép sử dụng tại hơn 60 quốc gia, trong đó số lượng lớn loại vaccine này đang được sử dụng ở Mexico, Ấn Độ và Argentina.
Thỏa thuận mang tính biểu tượng này cho thấy mục tiêu thúc đẩy chương trinh vaccine quốc tế của Trung Quốc và Nga ngày càng phát triển, đáng lưu ý là chương trình hỗ trợ các nước đang phát triển có nguồn cung vaccine thấp.
Mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc
Nghiên cứu Đại học Duke cho biết trong khi một số quốc gia, chẳng hạn như Canada, Vương quốc Anh và New Zealand đã mua đủ vaccine để trang trải cho người dân thì hầu hết các quốc gia khác vẫn chưa đáp ứng đủ vaccine cho một nửa dân số, trong đó có cả các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh Covid-19.
Bobo Lo, chuyên gia về quan hệ Trung Quốc – Nga cho biết cả Moscow và Bắc Kinh đều nhìn thấy cơ hội lợi ích địa chính trị trong đại dịch.
"Phương Tây dường như đang hạn chế phân phối vaccine đến các quốc gia phát triển. Động thái này đang tạo điều kiện cho Moscow và Bắc Kinh tăng tốc chương trình ngoại giao vaccine tới các quốc gia này", ông nói.
Nga là quốc gia đầu tiên công bố sản xuất vaccine Covid-19 vào tháng 8/2020 - Sputnik V. Các nghi ngờ ban đầu về tính hiệu quả của loại vaccine này đã bị dập tắt sau một nghiên cứu công bố trên tạp chi Lancet vào tháng Hai năm nay, khẳng định hiệu quả của vaccine trong phòng chống Covid-19 đạt 91,6%. Hiện nay, hàng trăm triệu liều vaccine Sputnik V của Nga cùng với hai loại vaccine của Trung Quốc là Sinovac và Sinopharm đang được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.
Đại dịch Covid-19 đang thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Nga và Trung Quốc. Đại sứ Nga tại Trung Quốc - Andrey Denisov cũng khẳng định hai nước sẽ chung tay đối phó với kẻ thù chung như đã làm trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai.
Trong một bài bình luận trên tờ China Daily vào ngày 7/4, đại sứ Trung Quốc tại Moscow Zhang Hanhui cũng nhấn mạnh: "Thế giới càng thay đổi thì tình hữu nghị Trung Quốc và Nga càng có ý nghĩa".
Theo ông Thomas Bollyky – Giám đốc chương trình y tế toàn cầu tại Hội đồng Đối ngoại, một số quốc gia đang phát triển dường như "tuyệt vọng" vì thiếu vaccine thì sự hợp tác của Nga và Trung Quốc có thể đạt được một số hiệu quả nhất định vào thời điểm thế giới cần nhiều vaccine hơn.
Theo CNN, Trung Quốc và Nga đã bác bỏ quan điểm cho rằng hai nước tham gia hoạt động ngoại giao vaccine. Phát biểu tại cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov vào ngày 23/3, Ngoại trưởng Vương Nghị cho biết quá trình hợp tác của cả hai nước nhằm thực hiện "công việc nhân đạo".
"Không giống với các quốc gia muốn tích trữ vaccine, chúng tôi muốn thấy nhiều người được tiêm chủng ngừa Covid-19 hơn. Hy vọng thế giới sẽ nhanh chóng đánh bại đại dịch càng sớm càng tốt", ông Vương Nghị nói.
"Đối với Trung Quốc và Nga, sự lựa chọn của chúng tôi không chỉ mang lại lợi ích cho quốc gia mà là giúp ích cho toàn thế giới", ông Vương Nghị nhấn mạnh.
"Quá trình triển khai vaccine toàn cầu vẫn đang trong giai đoạn sơ khai. Cho đến khi đại dịch kết thúc, hầu hết các quốc gia đều có khả năng tiêm chủng nhiều loại vaccine khác nhau từ các quốc gia khác trên thé giới", bà Judyth Twigg - Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Virginia Commonwealth nhấn mạnh.
Nhu cầu vaccine
Tại Mỹ Latin, các quốc gia như Argentina và Chile đang mua số lượng lớn vaccine của Nga và Trung Quốc nhằm đáp ứng nhu cầu vaccine quốc gia mình.
Theo báo cáo của chương trình mua bán vaccine thuộc Đại học Duke, Argentina đã đặt hàng 30 triệu liều vaccine Sputnik của Nga và 4 triệu liều vaccine của Sinopharm. Đến hiện tại, Argentina vẫn chưa thể đạt được thỏa thuận vaccine Pfizer của Mỹ mặc dù nước này có đặt mua 23 triệu liều vaccine của AstraZeneca.
"Indonesia cũng đã đặt thêm vaccine Sinovac của Trung Quốc sau khi đơn hàng AstraZeneca bị trì hoãn một năm", hãng thông tấn nhà nước Antara cho biết.
"Đến nay, Indonesia đã mua nhiều vaccine Sinovac hơn các quốc gia khác, dự kiến khoảng 125 triệu liều", Đại học Duke cho biết.
Một quốc gia khác mua vaccine Sinovac với số lượng lớn là Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara đã mua 100 triệu liều vaccine của Trung Quốc và cấp phép bắt đầu tiêm mũi đầu tiên trong tháng Một.
Hầu hết quá trình chuyển giao vaccine của Nga và Trung Quốc đều thực hiện qua phương thức mua bán chứ không phải tặng. Giới phân tích của Think Global Health cho biết 63 trong số 65 quốc gia mà Bắc Kinh đã tặng vaccine đến này đều nằm trong Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Năng lực sản xuất vaccine của Trung Quốc đáp ứng nhu cầu của thế giới bởi vì nước này đã kiểm soát được dịch bệnh trong biên giới và đã nhanh chóng nâng cấp năng lực sản xuất trong thời điểm dịch bệnh nhằm đáp ứng nhu cầu vaccine toàn cầu.