• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mỹ thúc đẩy chiến dịch "lan tỏa vaccine" sau khi kiểm định an toàn với AstraZeneca

Thế giới 27/04/2021 17:03

(Tổ Quốc) - Nhà Trắng thông báo Mỹ sẽ triển khai chương trình chia sẻ vaccine AstraZeneca phòng Covid-19 với thế giới sau khi kiểm định mức độ an toàn của loại vaccine này.

AstraZeneca kiểm định an toàn tại Mỹ

Theo hãng AP, động thái này cho thấy hành động khẩn trương của chính quyền Tổng thống Joe Biden sau nỗ lực chia sẻ 4 triệu liều vaccine với Mexico và Canada. Vaccine AstraZeneca hiện vẫn chưa được Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm của Mỹ cấp phép sử dụng tại nước này.

Mỹ thúc đẩy chiến dịch "lan tỏa vaccine" sau khi kiểm định an toàn với AstraZeneca - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AP

Nhà Trắng hiện tại bày tỏ sự yên tâm đối với 3 loại vaccine đang được sử dụng tại Mỹ, đặc biệt là sau khi Johson&Johson khởi động lại đợt tiêm chủng một liều duy nhất vào cuối tuần qua ở nước này. Trong các tuần gần đây, Mỹ cũng liên tục phải chịu áp lực lớn trong việc chia sẻ các nguồn cung cấp vaccine với thế giới.

"Với danh mục các loại vaccine mà Mỹ đang có và loại vaccine được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) cấp phép, Washington có lẽ chưa phải sử dụng vaccine AstraZeneca trong những tháng tới. Vì vậy, Mỹ sẵn sàng chia sẻ loại vacine này với các quốc gia khác sau khi kiểm duyệt mức độ an toàn", Điều phối viên Nhà Trắng về dịch bệnh Covid-19 – ông Jeff Zients cho biết.

Hơn 3 triệu người trên toàn cầu đã tử vong vì Covid-19, trong đó có 572.000 ca tử vong ở Mỹ. Theo số liệu mới nhất, cho đến nay, hơn 53% người trưởng thành đã được tiêm ít nhất một liều vaccine ở nước này. Các loại vaccine được cấp phép tiêm phòng tại Mỹ đến từ các hãng dược của Pfizer, Moderna và J&J. Dự kiến Mỹ sẽ có đủ nguồn cung vaccine cả nước vào đầu mùa hè năm nay.

"Khoảng 10 triệu liều vaccine AstraZeneca vẫn chưa được FDA cấp phép bởi vì cơ quan này đang thực hiện quá trình kiểm định chất lượng sản phẩm", ông Zients cho biết. Ông Zients đồng thời lưu ý các cơ quan quản lý Mỹ đã công nhận mức độ "tiêu chuẩn vàng" về sự an toàn đối với loại vaccine AstraZeneca. Quá trình đưa vào sử dụng có thể hoàn thành trong vài tuần tới. Khoảng hơn 50 triệu liều đang được sản xuất ở các giai đoạn khác nhau và có thể sẵn sàng xuất xưởng vào khoảng tháng Năm và tháng Sáu năm nay sau khi FDA phê chuẩn sử dụng.

Trong khi một số nước láng giềng như Mexico và Canada đã yêu cầu chính quyền Tổng thống Biden chia sẻ vaccine thì hàng chục quốc gia khác vẫn tìm cách tiếp cận nguồn cung vaccine phòng Covid-19.

Mỹ chủ trương chia sẻ vaccine toàn cầu

Theo hợp đồng, chính phủ Mỹ dự kiến sẽ viện trợ 300 triệu liều vaccine AstraZeneca mặc dù công ty này đang phải đối mặt với các vấn đề trong khâu sản xuất. Động thái chia sẻ vaccine của chính Mỹ nhận được sự ủng hộ lớn từ các tổ chức phi chính phủ sau một thời gian dài kêu gọi Nhà Trắng triển khai hành động trên.

"Quyết định chia sẻ vaccine AstraZeneca của chính quyền Tổng thống Biden liên tục được khuyến khích và xem đây là nỗ lực quan trọng đầu tiên của Mỹ nhằm chia sẻ nhiều vaccine hơn từ kho dự trữ vaccine của nước này. Động thái của Mỹ đáng được hoan nghênh và là lộ trình bắt đầu của Mỹ nhằm chia sẻ nhiều vaccine tới các quốc gia khác", ông Tom Hart – quyền Giám đốc điều hành của The ONE Campaign cho biết.

Nhà Trắng cũng dự kiến sẽ chia sẻ nguyên liệu sản xuất vaccine AstraZeneca tới Ấn Độ - quốc gia đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh hiện tại.

Nói trên AP, ông Zients khẳng định, chính quyền Tổng thống Biden đang nỗ lực hết sức để giúp đỡ Ấn Độ vượt qua dịch bệnh vào thời điểm này. Các thiết bị bảo hộ cá nhân, bộ dụng cụ xét nghiệm, phương pháp trị liệu, bình hỗ trợ oxy cũng liên tục được viện trợ sang Delhi.

"Các nhà cung cấp dịch vụ trị liệu của Mỹ cũng sẵn sàng giúp đỡ Ấn Độ vượt qua dịch bệnh. Chúng tôi cũng đã chuyển các thiết bị xét nghiệm chẩn đoán nhanh và bổ sung máy thở tới nước này", ông Zients khẳng định.

Bên cạnh đó, các nhà dịch tễ học từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cũng dự kiến sẽ đến Ấn Độ hỗ trợ quốc gia này đối phó dịch bệnh. Nhà Trắng cũng lên tiếng sẽ đánh giá chất lượng an toàn của vaccine AstraZeneca một lần nữa trước khi chia sẻ liều vaccine này tới cơ sở sản xuất Ấn Độ.

Nhà máy Emergent BioSolutions ở Baltimore từng chịu trách nhiệm sản xuất vaccine AstraZeneca tại Mỹ. Tuy nhiên, Washington đã yêu cầu J&J tiếp quản nhà máy nhằm đảm bảo tiến độ sản xuất loại vaccine mới của hãng này trong quá trình tạm dừng sản xuất vaccine AstraZeneca. Hiện tại, công ty sản xuất AstraZeneca đang tìm kiếm nhà máy sản xuất mới tại Mỹ.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ