• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trung Quốc thúc đẩy vai trò vaccine Covid-19 toàn cầu

Thế giới 12/04/2021 19:03

(Tổ Quốc) - Trung Quốc đã đóng góp đáng kể cho quá trình cung cấp vaccine toàn cầu, đáp ứng phần nào từ các đơn đặt mua bên ngoài.

Các số liệu cung cấp từ truyền thông chính thức cho biết Trung Quốc hiện trở thành nhà xuất khẩu vaccine đứng đầu thế giới và hiện tại đã cung cấp vaccine cho hơn 60 quốc gia.

Trung Quốc thúc đẩy vai trò vaccine Covid-19 toàn cầu - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Tân Hoa Xã

Theo SCMP, vai trò vượt trội của Trung Quốc trong chương trình vaccine của thế giới đang diễn ra vào thời điểm dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Trong khi các quốc gia phát triển đang bày tỏ sự thận trọng với liều lượng vaccine khi tiến hành tiêm chủng số lượng lớn thì chương trình phân phối vaccine của Tổ chức Y tế thế giới được đánh giá là chậm trễ giữa diễn biến dịch bệnh bùng phát trở lại.

Trung Quốc cũng thúc đẩy một số chương trình quyên góp quy mô nhỏ nhằm hỗ trợ hàng trăm nghìn các quốc gia nghèo trong khi các nhà sản xuất vaccine hàng đầu thế giới như Sinopharm, Sinovac Biotech và CanSino Biologics mới chỉ cung cấp vaccine theo đơn đặt hàng thỏa thuận thương mại. Hành động của Bắc Kinh đã đẩy lùi các chỉ trích trước đây liên quan đến chủ trương "ngoại giao vaccine" nhằm tạo ảnh hưởng toàn cầu.

Mặt khác, theo trang SCMP, hàng chục quốc gia đã cấp quyền sử dụng vaccine, bỏ qua sự chứng thực về chất lượng, an toàn và hiệu quả của WHO.

Giới chuyên gia cho rằng, mặc dù Trung Quốc đã cung cấp vaccine cho toàn cầu trong vài tháng qua nhưng ảnh hưởng của nó vẫn chưa rõ ràng.

Ông Jerome Kim, Tổng giám đốc Viện vaccine quốc tế Seoul khẳng định tốc độ phát triển vaccine của Trung Quốc được xem như một thành tựu. Vấn đề đặt ra là thời gian và số lượng cung cấp có đúng cam kết hay không? Và liệu Trung Quốc có thực hiện đúng chủ trương đưa vaccine trở thành sản phẩm toàn cầu hay chưa?

Không phải bất kỳ loại vaccine nào của Trung Quốc cũng có thể cung cấp cho chương trình Covax. Các nhà cung cấp cần có giấy phép sử dụng khẩn cấp từ WHO mới có thể đáp ứng tiêu chí này.

Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc nhận định, vaccine hiện tại của nước này mới chỉ đạt hiệu quả thấp. Theo ông Gao Fu, tỷ lệ hiệu quả của vaccine Trung Quốc cần phải cải thiện.

"Chúng ta sẽ phải giải quyết vấn đề này. Vaccine hiện tại chưa đạt hiệu quả cao trong việc phòng bệnh Covid-19, vì vậy, chúng tôi đang xem xét liệu các phương án để khắc phục vấn đề này", ông Gao nhấn mạnh.

Trung Quốc đang xem xét quá trình tiêm kết hợp các loại vaccine khác nhau nhằm cải thiện hiệu quả tương đối thấp của vaccine trong nước.

Áp lực trong nước

Trung Quốc đang tăng cường chương trình tiêm chủng vaccine trong nước, mục tiêu đến cuối tháng 6 sẽ tiêm phòng Covid cho 40% dân số. Các nhà sản xuất vaccine Trung Quốc từng hứa hẹn sẽ xuất khẩu khoảng nửa tỷ liều vaccine ra nước ngoài. Tuy nhiên, chương trình tiêm phòng trong nước đang cản trở kế hoạch này. 

"Xét về mức độ cân bằng giữa nhu cầu trong nước và quốc tế cũng như năng lực sản xuất vaccine, tôi cho rằng rất khó để có thể đạt được cả hai mục tiêu trên", nhà nghiên cứu cấp cao về y tế toàn cầu tại Hội đồng quan hệ Đối ngoại New York - Yanzhong Huang cho biết.

Vào cuối tháng trước, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc không thực hiện đúng cam kết thỏa thuận liên quan đến việc cung cấp 50 triệu liều vaccine Covid-19 trong tháng Hai. Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nước này chỉ nhận được khoảng 16 triệu liều vaccine. Tuy nhiên, giới quan chức y tế lại bày tỏ lạc quan về khả năng đáp ứng các yêu cầu đặt ra trong khi truyền thông Trung Quốc thông báo dự kiến nước này sẽ sản xuất khoảng 4 tỷ liều vào cuối năm 2021.

Theo thống kê của trang SCMP, mặc dù theo thỏa thuận Trung Quốc sẽ cung cấp hàng chục triệu liều vaccine cho một số nước trên thế giới nhưng mới chỉ 6 quốc gia đã nhận được khoảng 3 triệu liều từ quốc gia này.

Theo ông Huang, các chương trình quyên góp hay hỗ trợ thông thường chỉ mang "tính tượng trưng".

Khó khăn hơn, các lô hàng vaccine của AstraZeneca của Anh – Thụy Điển cũng như lô vaccine của Viện Huyết thanh Ấn Độ đang phải trì hoãn trong hai tháng tới bởi làn sóng lây nhiễm mới tiếp tục bùng phát.

"Sự chậm trễ gần đây của Ấn Độ tạo ra cơ hội cho các nhà sản xuất Trung Quốc tăng cường nhiều hơn" , ông John Donnelly – Công ty tư vấn vaccine cho biết.

Tuy nhiên, bất chấp tình trạng khẩn cấp, một số chuyên gia cũng khẳng định quá trình tiếp cận vaccine toàn cầu của Trung Quốc có thể cũng phải đối mặt với các hạn chế sau khi châu Âu và Mỹ hoàn tất chương trình tiêm chủng vaccine.

Ông Jin Dong-yan, Giáo sư khoa y Đại học Hong Kong cho biết vaccine từ Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn này.

"Ngay cả khi vaccine của Trung Quốc có thể không hiệu quả bằng các loại vaccine khác thì việc tiêm phòng vẫn có thể bảo vệ cơ thể chống chọi với mức độ nguy hiểm của bệnh cũng như nguy cơ tử vong", ông Jin Dong-yan nhấn mạnh.


Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ