• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Kế hoạch "Nga tiến" của Triều Tiên: Quyền lực Nga có thể "gỡ rối" tiến trình phi hạt nhân hóa?

Thế giới 26/03/2019 14:32

(Tổ Quốc) - Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hiện đang có kế hoạch thăm Nga trong thời gian tới.

Đón đầu cuộc gặp Nga-Triều?

Một quan chức Nga dẫn đầu đoàn thăm Triều Tiên - Oleg Melnichenko thông báo ngày 25/3 rằng, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể sẽ có chuyến thăm chính thức Nga trong thời gian tới.

Kế hoạch Nga tiến của Triều Tiên: Quyền lực Nga có thể gỡ rối tiến trình phi hạt nhân hóa? - Ảnh 1.

Tại thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai. Ảnh:SAUL LOEB/AFP/GETTY IMAGES

Ông Oleg Melnichenko cho biết, Nga chính thức mời nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thăm Moscow vào năm ngoái và rằng lời mời sẽ vẫn tiếp tục được cân nhắc chờ phản hồi từ phía Triều Tiên.

"Về thời gian, tôi cho rằng mọi thứ vẫn đang trong bàn bạc. Vấn đề chưa được thảo luận trong suốt chuyến thăm. Tuy nhiên, điều này sẽ có thể xảy ra trong tương lai gần", ông Oleg Melnichenko nói với các phóng viên báo chí vào ngày 25/3 sau khi trở về Nga sau chuyến thăm Triều Tiên.

Hãng tin RIA cũng trích dẫn lời của Nghị sĩ Nga Alexander Bashkin rằng, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ đến thăm Nga vào mùa xuân hoặc mùa hè năm nay.

Điện Kremlin đã xác nhận tại cuộc gọi hội nghị rằng chuyến thăm của Chủ tịch Kim đến Nga sẽ diễn ra. Tuy nhiên, chưa xác nhận thông tin chi tiết.

"Ngay khi có thỏa thuận về thời gian, địa điểm và cuộc gặp chúng tôi sẽ có thông tin rõ ràng", người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov đã nói với báo chí tại cuộc gọi hội nghị.

Nga gửi phái đoàn đến Triều Tiên ít hơn một tháng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có cuộc gặp gỡ tại Việt Nam trong thượng đỉnh lần hai.

Truyền hình nhà nước Nga cũng đưa tin cập nhật về cuộc gặp thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim. Mặc dù không có tuyên bố chung trong thượng đỉnh lần hai nhưng các quan chức Nga bày tỏ mong muốn Moscow có thể hàn gắn tiếp tục nỗ lực giữa Washington và Bình Nhưỡng trong quá trình phi hạt nhân hóa.

Ông Melnichenko cũng nằm trong phái đoàn đến Bình Nhưỡng nhằm thắt chặt quan hệ song phương giữa hai nước. Các thành viên trong phái đoàn đã có 5 ngày ở Triều Tiên. Phái đoàn đã gặp gỡ các bộ trưởng thương mại đối ngoại và thứ trưởng ngoại giao Triều Tiên. Tuy nhiên, họ không gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên – Kim Jong-un.

Nga có thể gỡ rối quan hệ Mỹ-Triều trong tiến trình phi hạt nhân hóa?

Mỹ và Triều Tiên đã không có tuyên bố chung tại thượng đỉnh lần hai. Điều này cho thấy cơ hội "gỡ rối" trong các đàm phán giữa hai nước vẫn chưa thể tháo gỡ. Lầu Năm Góc từng đưa ra trừng phạt mới nhất sau thượng đỉnh lần hai, nhưng ngay sau đó, Tổng thống Trump đã rút lại trừng phạt đối với Triều Tiên và chờ tín hiệu phản ứng tích cực từ nước này.

Theo các báo cáo của truyền thông Hàn Quốc về tuyên bố của Triều Tiên cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gợi mở nới lỏng trừng phạt với Triều Tiên nhưng sẽ khôi phục nếu Triều Tiên khởi động lại các chương trình hạt nhân.

Cả Mỹ và Triều Tiên vẫn để ngỏ bày tỏ "thiện chí" cho cuộc gặp tiếp theo trong thời gian tới.

Ông Sergey Kislyak, cựu đại sứ Nga tại Mỹ đã hoan nghênh trước mối quan hệ tích cực của Triều Tiên với Nga sau sự trở về của phái đoàn. Đồng thời, ông Sergey Kislyak nhận xét rằng, Triều Tiên là một quốc gia thân thiện.

Nga và Triều Tiên liên tục thảo luận về khả năng tiến tới việc xây dựng cầu nối biên giới mới giữa hai nước. Kế hoạch xây dựng một cây cầu mới bắc qua con sông Đồ Môn nằm giữa biên giới Nga - Triều đang được lên kế hoạch trong thời gian gần đây. Điều này vẫn chưa rõ bằng cách nào Nga có kế hoạch phát triển các dự án hạ tầng mới mà không vi phạm các trừng phạt quốc tế đối với Triều Tiên. Tuy nhiên, việc xây dựng cây cầu thứ hai này (thay thế vận chuyển bằng tàu) có thể mở ra cơ hội giao dịch thương mại giữa hai nước vốn từng có hạn chế.

Các báo cáo của Nga cũng gợi ý rằng, Moscow cũng đang cố gắng đưa vào việc thảo luận bằng cách nào Bình Nhưỡng có thể từ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân. Các chuyên gia cho rằng Nga là một cầu nối quyền lực thúc đẩy Triều Tiên đi tới quyết định phi hạt nhân hóa không thể đảo ngược.

"Sức mạnh lớn nhất của Moscow là thúc đẩy mối quan hệ với cả Triều Tiên và Hàn Quốc. Trong khi Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc vẫn duy trì quan hệ thân thiết với một bên khu phi quân sự thì Nga lại thúc đẩy ổn định quan hệ kinh tế và chính với cả hai bên khu phi quân sự bán đảo Triều Tiên", Elizabeth Economy - chuyên gia nghiên cứu về châu Á tại Hội đồng Đối ngoại Mỹ nhận định.

"Nỗ lực giúp đỡ mang lại giải pháp thông qua kênh ngoại giao liên Triều. Nga cũng theo đuổi các lợi ích khi Moscow chưa phải là nhân vật chính trong đối thoại", chuyên gia nghiên cứu về châu Á tại Hội đồng Đối ngoại Mỹ Elizabeth Economy nói thêm.

Vào năm trước, Moscow đã yêu cầu Triều Tiên tiến tới phi hạt nhân hóa. Các quan chức Nga còn đưa ra thông tin rằng Tổng thống Trump đã lấy lời khuyên của Kremlin về việc tổ chức thượng đỉnh lần hai với nhà lãnh đạo Kim Jong-un.


Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ