(Tổ Quốc) - Tranh chấp Biển Đông và cuộc đấu tranh ngoại giao, pháp lý bước vào giai đoạn mới.
Ngày 12/7 vừa rồi, chúng ta chứng kiến Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại The Hague đưa ra phán quyết lịch sử về một số vấn đề tranh chấp ở Biển Đông có lợi cho nguyên đơn Phlippines và bất lợi cho bị đơn Trung Quốc. Lần đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc hiện đại với tư cách là một cường quốc với tầm ảnh hưởng toàn cầu, những hành động của Bắc Kinh bị coi là trái với luật pháp quốc tế.
Hải quân Trung Quốc tập trận tại Biển Đông trong thời gian PCA đưa ra phán quyết |
Năm nội dung phán quyết của PCA đã đưa ra những kết luận trực tiếp, thẳng thắn và minh bạch, bác bỏ các yêu sách “lịch sử” và “không thể tranh cãi”, cũng như phán quyết các việc làm sai trái của Trung Quốc tại Biển Đông và khu vực quần đảo Trường Sa.
Có hai nội dung quan trọng liên quan đến cục diện Biển Đông.
Thứ nhất, Tòa cho rằng “quyền lịch sử” và đường chín đoạn mà Trung Quốc đưa ra là không phù hợp với khái niệm vùng đặc quyền kinh tế được quy định trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982. Mặc dù ngư dân Trung Quốc cũng hoạt động ở các vùng biển (cũng như ngư dân các nước Biển Đông khác) nhưng không có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc thực hiện độc quyền, kiểm soát các vùng biển này trong quá khứ và không có căn cứ pháp lý để Trung Quốc đòi hỏi quyền lịch sử đối với tài nguyên hay vùng biển trong đường chín đoạn.
Thứ hai, phán quyết của Tòa “về quy chế của thực thể tranh chấp” ở Trường Sa khẳng định rằng 9 đảo mà Philippines nêu trong khiếu kiện (Gạc Ma, Châu Viên, Chữ Thập, Vành khăn, Cỏ Mây, Ga-ven, đá Tư Nghĩa, Xu Bi và Hoàng Nham/Scarborough) chỉ là “đá”; đảo Ba Bình (hay Thái Bình) mà Đài Loan nêu lên để Tòa cho ý kiến cũng chỉ là “đá”. Nghĩa là, theo UNCLOS, chúng không có vùng đặc quyền kinh tế, mà chỉ được hưởng quy chế vùng nước tối đa là 12 hải lý.
Tòa nêu rõ rằng các thực thể ấy không tạo thành một đơn vị thống nhất để đòi hỏi vùng biển và không được hưởng các vùng biển rộng lớn; các thực thể Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền không có vùng đặc quyền kinh tế; có các vùng biển Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Philippines được lợi nhất từ các phán quyết của Tòa. Mặt khác, các phán quyết của Tòa bác bỏ “quyền lịch sử” và đường 9 đoạn có tầm quan trọng hàng đầu và liên quan đến toàn bộ Biển Đông. Phán quyết về quy chế các thực thể tranh chấp sẽ tạo cơ sở pháp lý cho quyền tự do lưu thông hàng hải và bay qua vùng trời ở khu vực quần đảo Trường Sa.
Việc các yêu sách và lập luận của Trung Quốc về Biển Đông bị phản bác và bị cho là không phù hợp với UNCLOS là một thất bại lớn về ngoại giao và pháp lý của Bắc Kinh.
Phán quyết của Tòa đã đẩy lãnh đạo Trung Quốc vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Trong nội bộ Trung Quốc những năm qua, có ý kiến không tán thành việc Bắc Kinh công bố bản đồ đường 9 đoạn tại Biển Đông, cho rằng điều này sẽ “gậy ông đập lưng ông”.
Chính quyền mới của Philippines phải tính tới thái độ của người dân trong các đàm phán tương lai với Trung Quốc về tranh chấp trên biển |
Trong mấy ngày qua, nhà đương cục Trung Quốc đã lên tiếng bác bỏ giá trị các phán quyết của PCA. Họ đổ lỗi cho Nhật Bản và Mỹ đứng đàng sau các phán quyết của Tòa. Tuy nhiên, để hạn chế các tác động đối với nội bộ Trung Quốc, họ đã cấm các cuộc biểu tình, ngăn chặn các cuộc tụ tập phản đối trước các cơ quan ngoại giao và lãnh sự của Philippines tại Trung Quốc. Họ cũng tháo ngòi các lời kêu gọi phải tiến hành các hành động trả đũa về mặt quân sự, v.v.. Nghĩa là họ không muốn kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan, làm cho đã sai lại càng sai.
Không ai chờ đợi Trung Quốc sẽ “xuống thang” trong vấn đề Biển Đông. Trái lại, họ có thể tiếp tục các hành động leo thang trên thực địa. Thậm chí, những người phát ngôn ngoại giao của Bắc Kinh còn để ngỏ khả năng thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ), thúc đẩy quân sự hóa Biển Đông.
Thiện chí đối thoại không ngờ tới của Tổng thống Philippines Duterte có lẽ là một trong những nhân tố khiến Trung Quốc phản ứng một cách cẩn trọng hơn sau phán quyết của Tòa. Chưa rõ có bao nhiêu không gian để hai bên mặc cả với nhau về phán quyết, nhưng phản ứng của Bắc Kinh cho thấy Trung Quốc muốn giữ cánh cửa mở. Với Philippines, cánh cửa mở này cũng khá hẹp. Nhưng dù sao, nó cũng có thể tạo ra biến số trong vấn đề Biển Đông.
Dù như thế nào, cuộc tranh chấp Biển Đông, cũng như cuộc đấu tranh ngoại giao và pháp lý trong vấn đề Biển Đông đã bước sang trang mới, có lợi cho việc củng cố hòa bình, an ninh, hợp tác và thượng tôn pháp luật tại vùng biển quan trọng này của thế giới./.
Người bình luận