(Tổ Quốc) - Đại biểu Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội chia sẻ với Báo Điện tử Tổ Quốc về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn – một trong những nội dung được cử tri quan tâm tại kỳ họp Quốc hội lần này.
- 22.10.2018 Lấy phiếu tín nhiệm: Đại biểu Quốc hội sẽ đánh giá với tinh thần trách nhiệm, bảo đảm dân chủ, khách quan, công tâm
- 22.10.2018 Tuần đầu tiên kỳ họp thứ 6: Quốc hội tập trung cho công tác nhân sự, lấy phiếu tín nhiệm
- 19.10.2018 “Lấy phiếu tín nhiệm sẽ được tiến hành một cách dân chủ, thận trọng, khách quan”
ĐBQH Nguyễn Văn Chiến (Nguồn: Soha)
-Ông nhận định thế nào về việc lấy phiếu tín nhiệm lần này?
+ Tôi cho rằng, trong một nhiệm kỳ Quốc hội, việc lấy phiếu tín nhiệm của các chức danh do Quốc hội bầu, bổ nhiệm ở giữa kỳ là phù hợp. Ngay từ đầu nhiệm kỳ các thành viên cũng đã có chương trình hành động, nội dung để căn cứ vào đó mà thực hiện. Trong nửa đầu nhiệm kỳ, việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ là cơ hội để họ soi rọi lại bản thân thông qua những lá phiếu của các đại biểu. Các lá phiếu sẽ đánh giá những việc chưa làm được, những việc cần phải điều chỉnh...
Việc lấy phiếu tín nhiệm giữa kỳ giúp cho các thành viên, người thực thi nhiệm vụ phát huy những thành tựu đã đạt được, phát huy những thành công trong quá trình hoat động và điều hành công việc mà họ đã làm...
Ngoài ra, thông qua lấy phiếu tín nhiệm, nếu còn có những khiếm khuyết, những việc mà các thành viên chưa được tín nhiệm cao thì họ sẽ khắc phục, từ đó những hành động tốt hơn để đáp ứng được những yêu cầu, mong mỏi của cử tri, nhân dân.
Trường hợp chưa đạt được phiếu tín nhiệm thì cũng từ đó để thấy rằng các thành viên có còn phù hợp với công việc, với trọng trách anh được giao hay không?
-Việc lấy phiếu tín nhiệm được xem là "sát hạch" đối với các chức danh được Quốc hội bầu, bổ nhiệm. Tuy nhiên, thực tế rút ra từ những lần lấy phiếu tín nhiệm trước đây, ông thấy hoạt động này thực sự hiệu quả hay chưa?
Mỗi một kỳ chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm đòi hỏi các thành viên sẽ phải cố gắng, nỗ lực, có những điều hành quyết liệt hơn.
ĐBQH Nguyễn Văn Chiến
Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn có thực sự hiệu quả hay không còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: các thành viên có kỳ vọng vào những nhìn nhận, đánh giá thực sự khách quan của các đại biểu bỏ phiếu cho mình hay không? Lá phiếu của những đại biểu khi bỏ phiếu tín nhiệm có thực chất hay không để từ đó xác định kết quả của các lá phiếu tín nhiệm đánh giá đúng về uy tín, hiệu quả công việc... của thành viên đó.
Tôi cho rằng, không thể nói việc lấy phiếu tín nhiệm chỉ là hình thức, mà hoạt động này cũng có những kết quả, tác dụng nhất định. Dĩ nhiên, không thể tránh khỏi được trường hợp hợp nể nang, thân biết, yếu tố này khác... để bỏ lá phiếu tín nhiệm.
-Như vậy là vẫn có sự nể nang, thân biết... mà bỏ phiếu tín nhiệm, thưa ông?
+ Dĩ nhiên rồi, ở mỗi lá phiếu, có thể ở góc nhìn của tôi cho rằng thành viên đó đã hành động rất tích cực, quyết liệt, hiệu quả nhưng với tất cả mọi người lại chưa đạt hiệu quả, chưa vừa lòng.
-Do lĩnh vực công việc nên có những trưởng ngành từ đầu nhiệm kỳ đến nay thường hay bị "soi". Vậy việc lấy phiếu tín nhiệm làm thế nào để tránh thiệt thòi cho họ, thưa ông?
+ Đã là đại biểu dù anh ở lĩnh vực nào, cương vị nào thì cũng đều có những sinh hoạt chung tại các kỳ họp và trong những hoạt động công việc thường ngày. Do vậy, về tính cách, xử lý công việc, hiệu quả công việc... các trưởng ngành có đáp ứng được các yêu cầu chung hay không thì các đại biểu đều nắm bắt được.
Do vậy, không phân biệt là các trưởng ngành có ở khu vực nhạy cảm hay không, nhưng đã là thành viên được Quốc hội bầu, phê chuẩn thì việc lấy phiếu tín nhiệm phải được tuân thủ theo một nguyên tắc chung. Việc các đại biểu bỏ phiếu tín nhiệm cho các thành viên mà không biệt họ là ai, thuộc lĩnh vực nào thì đều phải hết sức khách quan, từ đó mới bảo đảm được kết quả thực chất và có tác dụng.
-Xin cảm ơn ông!