(Tổ Quốc) - Các công ty châu Âu đang trì hoãn đầu tư sau khi bùng phát căng thẳng quân sự ở biển Azov.
Những lo ngại về các biện pháp trừng phạt mới tiềm tàng của Mỹ đối với Moscow và sự gia tăng căng thẳng ở miền đông Ukraine đã khiến các tập đoàn lớn của châu Âu giảm sút hy vọng về mối quan hệ kinh doanh mới với Nga.
Một cuộc đụng độ hải quân giữa Ukraine và Nga vào tháng 11/2018 đã là một đòn giáng đối với những nỗ lực xây dựng lại mối quan hệ với Moscow, người đứng đầu một hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài lớn nhất ở Nga cho biết.
Canh cánh nguy cơ
Theo trang Financial Times (FT), tuyên bố trên được đưa ra giữa nhiều lo ngại về các bước đi tiếp theo của Washington và áp lực từ Mỹ đối với Brussels về việc duy trì các biện pháp đối phó với Moscow.
Frank Schauff, giám đốc điều hành của Hiệp hội các doanh nghiệp châu Âu cho biết, các công ty, hiện ở Nga chắc chắn là đang trì hoãn các quyết định đầu tư và những người dự định tiến vào cũng đang thận trọng.
Sự cố giữa Nga và Ukraine ở eo biển Kerch đã làm phức tạp khả năng châu Âu muốn giảm căng thẳng với Moscow. (Nguồn: Reuters)
"Tâm lí ở Brussels đối với Nga không phải là tốt, nhưng nó cũng không tệ. Dù vậy, tất cả mọi thứ được nói và được làm sẽ đều bị ảnh hưởng rất nhiều bởi một lệnh trừng phạt lớn "nếu được thực hiện" của Hoa Kỳ", ông nói với FT. "Tất cả mọi thứ Hoa Kỳ đang làm liên quan đến Nga đều có ý nghĩa trực tiếp đối với người châu Âu. Và điều đó rõ ràng là không cải thiện tâm trạng hiện nay".
Theo số liệu của ngân hàng trung ương châu Âu, EU là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, chiếm hơn một nửa tổng doanh thu của Nga. Sáu trong số tám nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài hàng đầu vào Nga năm 2017 là các nước châu Âu, trong khi các nhà sản xuất ô tô, ngân hàng và công ty bán lẻ châu Âu là một trong những nhà đầu tư nước ngoài nổi bật nhất.
Nhưng các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU được áp đặt đối với Moscow sau việc sáp nhập Crimea năm 2014 đã làm sứt mẻ kì vọng của các doanh nghiệp phương Tây về việc thúc đẩy đà phát triển quan hệ đầu tư với Nga.
Một số quốc gia châu Âu đã vận động cho các mối quan hệ tốt hơn với Nga và, nói chung, lập trường của Brussels đối với các lệnh trừng phạt Moscow không mạnh mẽ như Washington.
Nhưng hy vọng về một cách tiếp cận thân thiện hơn của châu Âu đối với Nga vào năm 2019 đã vấp phải trở ngại sau cuộc đụng độ hải quân giữa các tàu Nga và Ukraine ngoài khơi Crimea vào tháng 11, điều nhiều thủ đô phương Tây đã đổ lỗi cho Moscow.
"Các nước EU không hài lòng với sự cố Azov", ông Schauff nói trong một cuộc phỏng vấn. Trong suốt năm 2018, đã có những nỗ lực tốt để tìm cách đạt được đồng thuận về các điểm quan tâm chung, những cách thức để thỏa thuận với nhau. Nhưng tình hình biển Azov đã khiến bức tranh trở nên phức tạp hơn.
Sức ép Mỹ và kì vọng cuối
Các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt được Mỹ đưa ra vào tháng 4/2018 đối với một nhóm doanh nhân Nga và các công ty của họ, bao gồm các điều khoản về lệnh trừng phạt thứ cấp đối với các bên giao dịch với đối tượng bị trừng phạt này, đã mở rộng phạm vi trừng phạt lên đáng kể.
Và các dự thảo luật tại Quốc hội Hoa Kỳ cũng đang dấy lên nguy cơ có những động thái thậm chí còn khắc nghiệt hơn đối với Moscow, bao gồm cả những hạn chế tiềm tàng trong giao dịch nợ của Nga.
Kỳ vọng cuối cùng là chính quyền châu Âu bảo vệ được lợi ích kinh doanh của châu Âu tại Nga. . . thông qua vận động hành lang hoặc liên lạc với Washington, để ngăn chặn làn sóng trừng phạt tiếp theo hoặc đưa ra các biện pháp để bảo vệ các công ty của họ khi giao dịch với Nga tránh khỏi các lệnh trừng phạt thứ cấp. Nhưng điều đó không dễ dàng như vậy, ông Schauff nói.
Tại một thời điểm nhất định, bạn luôn gặp phải một bức tường -và câu hỏi là về những gì sẽ xảy ra ở Washington. Và đối với mọi người thì điều đó là không thể đoán trước được, theo ông Schauff.
Do đó, nhiều công ty châu Âu đang xem xét mua lại các công ty nội địa nhỏ hơn ở Nga, như một biện pháp để tránh các lệnh cấm nhập khẩu và bảo vệ hoạt động của họ khỏi các hạn chế tiềm tàng khác.
"Chắc chắn đang có xu hướng nội địa hóa. Nếu các công ty châu Âu có thể, thì họ đang xem xét nó. Toàn bộ diễn ngôn chính trị ở đây (châu Âu-pv) trong những năm gần đây là để khuyến khích điều đó, ông Schauff nói.
Các công ty không phản đối việc hợp tác với Nga. Nói chung, các công ty ở đây trung thành với thị trường Nga. Tôi không biết bất cứ ai nói rằng họ sẵn sàng rời đi, ông Schauff khẳng định.