• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên đến thời điểm nguy hiểm

Thế giới 27/04/2017 12:51

(Tổ Quốc) - Mỹ sẽ đánh phủ đầu? Triều Tiên thử vũ khí hạt nhân? Trung Quốc ngồi “ghế nóng”?

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã kéo dài hơn các cuộc khủng hoảng trước đây. Các bức ảnh vệ tinh cho thấy Triều Tiên đã sẵn sàng tiến hành một vụ thử hạt nhân mới. Ba nhóm tàu sân bay của Mỹ áp sát bán đảo này. Bình Nhưỡng tố cáo Mỹ đưa các loại vũ khí hạt nhân chiến lược và các phương tiện chiến tranh đặc biệt tới khu vực này. 

Hai nhà lãnh đạo với tính cách khó đoán định – Donald Trump và Kim Jong un – dường như đang tham gia vào một trò chơi nguy hiểm cân não bên miệng hố chiến tranh hạt nhân đầy rủi ro.

Trung Quốc kẹt giữa cuộc xung đột Mỹ-Triều Tiên

Hàn Quôc – con tin của chiến tranh hạt nhân

Các nhà hoạch định chính sách tại khu vực và ở Mỹ biết rằng không có phương án quân sự để kiểm soát hành động của Bình Nhưỡng khi mà Hàn Quốc nằm trong tầm bắn của số lượng khổng lồ pháo binh và tên lửa của Triều Tiên.

Báo Daily Telegraph (Anh) đưa ra một đánh giá tình báo gần đây, cho rằng sẽ có hơn 100.000 người Hàn Quốc thiệt mạng trong vòng 48 giờ, nếu nhà lãnh đạo Kim Jong un sử dụng hỏa tiễn và pháo binh tấn công thủ đô Seoul.

Nếu không có gì thay đổi, vào cuối nhiệm kỳ của ông Trump, kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên có thể chạm mức 50 đơn vị. Triều Tiên đang nỗ lực thu nhỏ các đầu đạn hạt nhân để lắp vừa các tên lửa tầm ngắn và tầm trung. Theo ước tính, Triều Tiên có khoảng 1.000 tên lửa đạn đạo. Hàn Quốc, Nhật Bản và hàng vạn binh sĩ Mỹ tại hai quốc gia này nằm trong tầm bắn. Cho nên một cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào các cơ sở tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên ít khả năng xảy ra.

Nếu Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 6, tình hình sẽ vượt qua điểm có thể vãn hồi.

Tám năm dưới chính quyền Obama, Mỹ thực hiện chủ trương “ngoại giao kiên nhẫn”, với sự phối hợp của hai tổng thống  có đường lối cứng rắn – ông Lee Myung bak và bà Park Geun hye – đã làm cho giải pháp chính trị ngoại giao bị đóng băng. Điều chưa chắc chắn là chính quyền Trump sẽ thực hiện chủ trương nào và vị tổng thống Hàn Quốc được bầu lên trong tháng 5 tới phối hợp ra sao xoay chuyển cục diện chính trị ngoại giao đang bế tắc.

Mỹ theo đuổi kịch bản nào?

Báo New York Times cho rằng ê-kíp an ninh quốc gia của ông Trump đã đề ra chiến lượcgây áp lực tối đa lên Bình Nhưỡng cả về quân sự và kinh tế để ngăn nước này thử vũ khí mới, sau đó mở cánh cửa đàm phán, với mục tiêu cuối cùng là thuyết phục Triều Tiên từ bỏ tất cả các vũ khí. Có điều, Bình Nhưỡng không tin Washington, trừ phi có những giải pháp ràng buộc.

Ngoài ra, Mỹ gây sức ép lên Trung Quốc để Trung Quốc gây áp lực lớn với Triều Tiên.

Việc Tổng thống Trump quyết định tấn công Syria bằng 59 quả tên lửa Tomahawk trong khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang ở thăm Mỹ được coi là một hành động mang nhiều thông điệp. Trong đó nó thể hiện Washington quyết tâm đưa ra những quyết định quân sự cứng rắn.

Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ, cho biết, ông hoan nghênh cách tiếp cận với Trung Quốc, nhưng ông cũng chỉ trích Bắc Kinh vì đã nhiều lần từ chối sử dụng ảnh hưởng của mình để đưa Triều Tiên vào bàn đàm phán. Theo ông McCain, Tổng thống Trump sẽ “khai thác mọi phương án đối với Triều Tiên, song tấn công phủ đầu sẽ là phương án cuối cùng”.

Điều khó hiểu là tại sao Washington lại đặt quá nhiều kỳ vọng vào việc Trung Quốc sẽ giúp Mỹ giải quyết vấn đề hạt nhân? Căn cứ vào thái độ của Bình Nhưỡng với Bắc Kinh có thể thấy Trung Quốc có rất ít đòn bẩy.

Một số nhà phân tích Trung Quốc cho rằng Mỹ muốn kích động sự chia rẽ, hận thù lẫn nhau giữa Trung Quốc và Triều Tiên, để rồi đây lôi kéo Triều Tiên vào quỹ đạo “chống Trung” trong một giải pháp chính trị ngoại giao.

Trung Quốc ngồi trên ghế nóng

Việc Trung Quốc ngừng nhập khẩu than của Triều Tiên diễn ra vào thời điểm Trung Quốc cắt giảm nhập khẩu than từ các nước khác. Tin từ Bình Nhưỡng cho hay giá nhiên liệu đã tăng cao tại thủ đô – nếu điều ấy là thật, đó mới là dấu hiệu Trung Quốc thắt chặt xuất khẩu dầu sang Triều Tiên – điểm vào yếu huyệt của quốc gia bị bao vây cấm vận gắt gao.

Nhưng giới quan sát cho rằng dù gì đi chăng nữa, Triều Tiên vẫn là một tài sản chiến lược của Trung Quốc, tạo khu đệm với Hàn Quốc, nơi Mỹ có hiện diện quân sự mạnh. Cho nên Trung Quốc muốn duy trì nguyên trạng. Mà nguyên trạng lại phụ thuộc vào việc Kim Jong un sở hữu một lực lượng hạt nhân đủ răn đe đối phương.

Thời báo Hoàn cầu, ngày 25/4 đưa ra lời khuyên: Căn cứ vào sức mạnh quốc gia hiện nay của Triều Tiên cũng như hoàn cảnh địa chính trị đặc biệt của nước này, Bình Nhưỡng phải học cách vừa linh hoạt vừa cương quyết. Việc lùi một bước nhỏ sẽ khiến cho cuộc xung đột dễ giải quyết hơn. Điều này không có nghĩa là nhát gan mà là dũng cảm đối mặt với thách thức theo cách khác./. 

Lưu Việt

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ