• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

"Kịch bản Narva": NATO "sốt vó" về nguy cơ cận kề Nga?

Thế giới 27/01/2019 15:00

(Tổ Quốc) - Narva là một thành phố nhỏ của Estonia nằm sát biên giới với Nga. Nơi đây có lượng người nói tiếng Nga rất đông đảo.

Nếu chưa từng nghe nói về Narva, bạn có thể sẽ sớm thôi. Thành phố nhỏ với đa số dân cư nói tiếng Nga này nằm dọc theo biên giới Estonia với Nga, tách biệt về mặt địa lý với nước láng giềng lớn hơn chỉ bằng một con sông đóng băng một phần.

Một bài viết mới đây trên The Atlantic nhận định, thành phố này là tâm điểm của điều có thể là một thách thức lớn đối với liên minh quân sự phương Tây – điều mà NATO gọi là kịch bản Narva – sẽ kiểm nghiệm nền tảng của mối quan hệ đối tác an ninh.

Khi Estonia tách ra sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, Narva trở thành một thành phố biên giới. Các biển chỉ đường ở đây theo tiếng Estonia, việc kinh doanh chính thức được tiến hành bởi người Estonia và đất nước này yêu cầu bất kỳ ai trở thành công dân đều phải nói được ngôn ngữ Estonia. Nhưng dân số Narva vẫn bị áp đảo bởi những người gốc Nga và nói tiếng Nga – điều khiến nhiều người ở đây không đủ điều kiện cho quốc tịch Estonia. Thay vào đó, nhiều người trong số họ là công dân Nga hoặc cư dân không quốc tịch Estonia.

Phép thử NATO

Tất cả những điều đó, các quan chức an ninh phương Tây lo ngại, khiến nơi đây trở thành một mục tiêu hàng đầu của Nga và nhà lãnh đạo Vladimir Putin.

Kịch bản Narva: NATO sốt vó về nguy cơ cận kề Nga? - Ảnh 1.

NATO đang hết sức lo ngại về tình hình tại Narva. (Nguồn: Getty)

Theo kịch bản Narva, thì NATO lo lắng rằng ông Putin có thể cố gắng đưa Narva xích lại gần Nga. Một động thái như vậy có thể sẽ giống vụ việc Crimea và việc khối này cho rằng Moscow đã và đang liên quan đến tình hình bất ổn ở miền đông Ukraine. Tuy nhiên, theo The Atlantic, một cú hích tương tự vào Estonia thậm chí còn có những hậu quả sâu rộng hơn vì Estonia là một thành viên của NATO.

Một tình huống như vậy sau đó sẽ là một thử nghiệm về cam kết của NATO đối với Điều V của Hiệp ước Washington, điều khoản một người vì mọi người, mọi người vì một người - đòi hỏi 29 thành viên NATO, bao gồm cả Hoa Kỳ, phải bảo vệ các quốc gia thành viên khác.

Điều V mới chỉ được viện dẫn một lần, sau hậu quả của vụ tấn công ngày 11 tháng 9 ở Hoa Kỳ. Nếu nó được sử dụng một lần nữa, lần này theo yêu cầu của Estonia để đáp trả bất cứ hành động mạnh nào của Nga, liệu toàn bộ liên minh này, trong đó có Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Donald Trump có đến viện trợ Estonia hay không?

Thời báo New York đưa tin trong tháng này rằng, ông Trump đã cân nhắc rút khỏi NATO và Tổng thống Mỹ trước đó cũng đã công khai đặt câu hỏi về tính hiệu quả của liên minh này nhiều lần. Những nhận xét và thông tin như trên một lần nữa đặt ra câu hỏi về cam kết của ông Trump đối với các quốc gia như Estonia, và làm dấy lên nỗi lo ngại rằng ông Trump đang khiến ông Putin mạnh bạo hơn.

Trong khi phía Moscow cho rằng cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea đã cho thấy đa số người dân ở đây muốn sáp nhập vào Nga thì Ukraine và phương Tây luôn chỉ trích Moscow đã sáp nhập hòn đảo này từ Ukraine. Đồng thời, Mỹ và NATO cũng chỉ trích việc Nga ủng hộ phe ly khai miền Đông, thậm chí còn cho rằng Nga hỗ trợ vũ khí và cử quân đội đi qua biên giới Ukraine để sát cánh cùng lực lượng này.

Nhìn từ Crimea?

Josh Rubin – cây viết của The Atlantic chia sẻ rằng, các quan chức quốc phòng Estonia tôi đã gặp trong tháng này tại thủ đô Tallinn, nổi lên với ý nghĩ rằng Narva có thể là Crimea tiếp theo. Estonia không chỉ là một thành viên của Liên minh châu Âu và NATO, họ nói; nơi này cũng ít tham nhũng hơn Ukraine và trong khi thu nhập trung bình ở Narva là thấp nhất ở Estonia, thì nó vẫn gần gấp đôi mức Ivangorod, Nga.

Nhưng ngay cả khi các quan chức chính phủ Estonia bác bỏ những lo ngại về tương lai của Narva, họ đang chạy đua để hội nhập sâu hơn nữa Narva với phần còn lại của Estonia.

Một cuộc khảo sát toàn quốc năm ngoái cho thấy, trong khi gần 90% số người được hỏi nói tiếng Estonia ủng hộ tư cách thành viên NATO, chỉ 32% người nói tiếng Nga ủng hộ Estonia là một phần của liên minh này.

Chỉ trong vòng khoảng thời gian một tháng của năm ngoái, Tổng thống Estonia Kersti Kaljulaid đã thực hiện bước đi chưa từng có trong việc chuyển văn phòng của mình từ Tallinn đến Narva. Để chống lại ảnh hưởng của truyền thông tiếng Nga, Estonia cũng đang đổ tiền vào các quỹ phát triển và thông qua nghệ thuật và văn hóa để cố gắng cải thiện đời sống ở đây.


An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ